(HNM) - Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần giữ gìn sự bình yên cho mỗi nếp nhà, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Có được kết quả đó là nhờ sự sáng tạo trong quá trình thực hiện của các địa phương, mà phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình (Hà Nội) là một điểm sáng.
Một khu dân cư văn hóa tại phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình). Ảnh: Thái Hiền |
"Gia đình" của những người lầm lỡ
Giáp chợ đầu mối Long Biên, Đồng Xuân và Bến xe Long Biên, phường Nguyễn Trung Trực từng là ''bãi đáp'' của đối tượng lang thang, tội phạm, nghiện ma túy, gây mất an ninh, trật tự xã hội. Xác định rõ cách tốt nhất để phố phường bình yên, nhà nhà hạnh phúc là phải xây dựng thành công và giữ vững các tổ dân phố, khu dân cư văn hóa nên phường đã đăng ký và xây dựng thành công điểm khu dân cư Nguyễn Hữu Ích thành khu dân cư văn hóa đầu tiên trên địa bàn quận Ba Đình. Nhưng tệ nạn xã hội vẫn diễn ra ở các khu dân cư khác, đe dọa sự bền vững của thành quả nên một lần nữa phường mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình hỗ trợ người nghiện sau cai đầu tiên của Thủ đô. CLB B93 ra đời và hoạt động đều đặn vào thứ 5 hằng tuần suốt từ năm 1996 đến nay, giúp hàng chục người cai nghiện thành công, trở về hòa nhập với cộng đồng. Bà Đinh Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực kể về một điển hình đã cai nghiện 10 năm, được báo cáo ở nhiều nơi với niềm vui pha lẫn tự hào: "Nguyễn Văn Quy nghiện ma túy nhiều năm, từng ra vào trại 6 lần mà nghiện vẫn hoàn nghiện. Chỉ đến khi được sinh hoạt trong CLB B93 anh mới giã từ ma túy và hiện đang làm bảo vệ cho một công ty lớn, được mọi người tin yêu".
Có được kết quả ấy, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Trí Phương chia sẻ kinh nghiệm: CLB đã được chính quyền hỗ trợ kinh phí để thành lập tổ rửa xe, tạo việc làm cho những người sau cai, giúp họ quên đi cảm giác "thèm" ma túy. CLB cũng được người dân hưởng ứng, có những người tâm huyết như anh Nguyễn Anh Tuấn kiên trì tuyên truyền, vận động người sau cai xóa bỏ mặc cảm, tham gia CLB trong những ngày đầu. Đặc biệt, CLB sinh hoạt như một gia đình lớn, có tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa do chính CLB đề ra và nhiều năm liền, "gia đình" đặc biệt này được công nhận là "Gia đình văn hóa".
Ngoài ra, phường Nguyễn Trung Trực còn có nhóm "Vì chúng mình", nơi gặp gỡ, sinh hoạt, giao lưu của những người có HIV và tuyên truyền phòng, chống HIV trong cộng đồng.
Tổ tư vấn "bô lão"
Một mô hình khác có đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn phường là Tổ tư vấn "bô lão". Tổ gồm những người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau và hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Cụ Nguyễn Văn Tạo, tổ trưởng, năm nay đã 87 tuổi, chia sẻ : "Nhiều chủ trương, chính sách vĩ mô nếu đem áp dụng cụ thể ở phường sẽ chung chung, khó thực hiện nên tôi đã cùng một số người cao tuổi khác nghiên cứu xem áp dụng như thế nào cho phù hợp rồi tư vấn cho lãnh đạo phường. Ví dụ như việc xây dựng gia đình văn hóa, theo quy chế chỉ là một hộ gia đình nhưng trên địa bàn phường có rất nhiều gia đình sinh sống trong cùng một số nhà nên chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng tiêu chí "số nhà văn hóa" và cụ thể hơn là "con người văn hóa". Chỉ khi mọi con người đều văn hóa thì gia đình, khu phố mới thực sự văn hóa". Các "công trình" này đã và đang được ứng dụng có hiệu quả ở phường Nguyễn Trung Trực và hiện tổ đang nghiên cứu cách thức thoát nghèo bền vững cho những hộ nghèo, bắt đầu từ việc điều tra nguyên nhân rồi đưa ra giải pháp cụ thể cho từng gia đình.
"Cách làm này của Tổ tư vấn “bô lão” khiến cán bộ cơ sở phải thay đổi cách lãnh đạo, cách tư duy theo hướng đi sâu, đi sát và vì lợi ích của nhân dân" - bà Đinh Thị Phương Liên khẳng định.
Phường văn hóa đầu tiên
Với những mô hình trên, phường Nguyễn Trung Trực tự tin đăng ký xây dựng phường văn hóa đầu tiên của Hà Nội. Nếu căn cứ theo các tiêu chí mà quận Ba Đình đưa ra thì phường đủ tiêu chuẩn được công nhận với thành tích có thêm 3 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, nâng số khu dân cư văn hóa của phường lên 5/7 khu, thêm 6 đơn vị văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từ 91 đến 95%; hệ thống di tích được tu bổ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là từ nguồn xã hội hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,87%; không phát sinh người nghiện mới... Thế nhưng, tự xét thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại như tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2011 còn khoảng 4%; trật tự đô thị khu vực chợ Hòe Nhai chưa được như mong muốn nên phường Nguyễn Trung Trực đã chủ động xin rút để phấn đấu thêm với mục đích có được kết quả bền vững. Chị Đinh Thị Phương Liên khẳng định: "Chúng tôi chỉ đón nhận danh hiệu phường văn hóa khi xóa nghèo bền vững, khi khu phố Hòe Nhai trở thành khu phố văn hóa".
Kinh nghiệm của phường Nguyễn Trung Trực cho thấy, triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở những địa phương phức tạp về tệ nạn xã hội tuy không dễ nhưng nếu cả cán bộ và nhân dân đều tâm huyết, dám nghĩ, dám làm thì sẽ làm được và điều quan trọng là phải thoát khỏi bệnh thành tích để hướng tới mục tiêu phát triển phong trào bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.