Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những lý do khiến ô tô bốc cháy

Hoàng Linh| 29/09/2020 08:19

(HNMO) - Chiếc Range Rover bốc cháy trên cầu Chương Dương ngày 27-9 đã nối dài chuỗi những chiếc ô tô bị “bà hỏa” ghé thăm trên đường phố Hà Nội.

Vụ cháy xe sang Range Rover trên cầu Chương Dương ngày 27-9 gây xôn xao dư luận.

Thực tế, không cần phải gặp rủi ro tai nạn hay bị đốt, những chiếc ô tô với đặc thù sử dụng xăng và chứa tỉ lệ lớn các vật liệu dễ cháy luôn đối mặt với nguy cơ cháy trong vận hành hằng ngày.

Một đại diện của Trung tâm ô tô Nissan ASC (quận Hai Bà Trưng) cho biết, những chiếc xe có nhiều lý do dẫn tới bị cháy, nhưng rủi ro lớn nhất là hệ thống điện. Thường gặp hơn cả là việc quạt làm mát phía trước bị mắc kẹt (do ngập nước, bụi bẩn…) gây quá tải dòng. Chổi than cổ góp mô tơ quạt bị ăn mòn theo thời gian nếu không được bảo dưỡng có thể khiến muội than bám vào các cuộn điện, dẫn tới tăng điện trở. Cả hai trường hợp đều sẽ sinh nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ bốc cháy. 

Các trường hợp cháy cục bộ chủ yếu là do ô tô bị can thiệp vào hệ thống điện một cách thiếu tính toán (thường là do chủ xe lắp thêm đèn đóm, camera lùi; độ loa đài và các tiện ích nội thất ô tô), dẫn tới đoản mạch hoặc quá tải, gây cháy. Thêm nữa, thợ trực tiếp thi công thiếu kinh nghiệm, sử dụng linh kiện không tốt, chạy dây qua các khu vực nhạy cảm, ráp ẩu các mối nối điện…cũng đều tạo ra nguy cơ cháy tiềm ẩn. 

Dây điện bị trích nối cẩu thả có thể chập cháy khi xe di chuyển.

Rủi ro cao sẽ xuất hiện nếu các tia lửa hay nguồn nhiệt nói trên gặp vật liệu dễ cháy (như vải, cao su, nhựa) hoặc kết hợp với hơi xăng tích tụ trong khoang máy (có thể do đường ống nhiên liệu hoặc các mối nối bị rò rỉ).

Bên trong khoang động cơ, một số bộ phận đánh lửa như cao áp, dây cao áp vì lý do nào đó bị “lộ thiên” (có thể do côn trùng, chuột bọ gặm nhấm), hoặc chập điện ở hộp cầu chì, quạt gió, đều có thể trở thành nguồn lửa gây cháy xe.

Hiện tượng này dễ xảy ra hơn trên xe đời cũ hoặc xe được thiết kế cho thị trường nước ngoài với vật liệu không phù hợp khí hậu Việt Nam, bởi cả hai trường hợp đều tiềm ẩn nguy cơ cao về nứt, vỡ các lớp vật liệu cách điện. 

Lắp thêm đèn quá nhiều có thể gây quá tải hệ thống điện của xe, dẫn tới cháy nổ.

Đáng chú ý, anh Nguyễn Nam Hưng, chủ gara ô tô Phúc Thái (quận Long Biên, Hà Nội) nhấn mạnh, yếu tố con người hết sức quan trọng trong các vụ cháy xe. Không ít trường hợp xe cháy bắt nguồn từ khoang lái bởi những hành vi bất cẩn của người ngồi bên trong như châm lửa, vẩy tàn thuốc... Trong khi đó, thói quen để các vật dụng dễ cháy trên xe như thiết bị điện tử dùng pin, bật lửa, tinh dầu thuốc lá điện tử, nước rửa tay có cồn, nước hoa… đều đem tới rủi ro. 

Vị trí để đồ đặc biệt nguy hiểm là táp lô dưới kính lái, vốn có thể đạt tới nhiệt độ 90 độ C khi xe đỗ ngoài trời nắng nóng. Tùy góc chiếu của ánh nắng, hình dạng và độ trong của vỏ chai, lượng chất lỏng trong chai đầy còn có thể dẫn tới hiện tượng hội tụ chùm sáng đốt cháy rất nguy hiểm.

Anh Hưng khuyến cáo, khi điều khiển phương tiện, nếu thấy các hiện tượng bất thường như mùi khét, nhiệt độ nước làm mát tăng cao, âm thanh lạ từ hệ thống xả…, người lái cần lập tức dừng xe và gọi cứu hộ để tránh rủi ro. 

Ngoài các yếu tố mang tính kỹ thuật, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn ô tô OTOFUN và OTO+, cũng cho rằng các chủ xe cần lưu ý trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm cầm lái để chủ động tránh rủi ro.

Bên cạnh việc tránh tai nạn, một tình huống rất thường gặp tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là trong mùa gặt, không ít tuyến đường thôn, xã thường xuyên có rơm rạ phủ đầy. Loại vật liệu dễ bắt lửa này khi cuốn vào gầm xe với lượng lớn có thể dễ dàng bốc cháy dưới sức nóng của ống xả. Khi ngọn lửa lan vào các chi tiết nhựa hay đường ống xăng bên dưới gầm xe, việc cứu vãn chiếc xe là bất khả thi.  

Tới 60% trường hợp tử vong do xe cháy đều bắt nguồn từ va chạm giao thông (Ảnh: Xe Mercedes-Benz cháy rụi sau va chạm giao thông tại ngã tư Lê Văn Lương - Láng, tháng 11-2019).

Qua chia sẻ, các chuyên gia đều nhấn mạnh, bên cạnh việc hạn chế can thiệp thiếu chuyên môn vào hệ thống điện, hệ thống động cơ, nhiên liệu xe, người lái nên thường xuyên bảo dưỡng, giữ vệ sinh, dọn dẹp rác trên xe, tránh ăn uống rơi vãi trên xe có thể thu hút các loài gặm nhấm.

Ngoài ra, người lái cần tập thói quen tốt tự kiểm tra tổng thể xe, trong đó tập trung vào việc phát hiện các dấu hiệu đứt, vỡ đường dây, đường ống; thay thế các nắp che bình chứa có dấu hiệu rò rỉ; kiểm tra, thay thế cầu chì hư hỏng… Chăn dập lửa, bình cứu hỏa là những vật dụng không thể thiếu và phải thường xuyên lưu ý hạn sử dụng. 

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, những người ngồi trên xe cần ghi nhớ, khi gặp dấu hiệu cháy xe, việc cần làm là nên rời khỏi phương tiện càng nhanh và càng xa càng tốt, thay vì cố gắng cứu vãn tài sản trong khoang lái. Đốm cháy nhỏ trên xe sẽ bùng lên rất nhanh, trở thành mối đe dọa về tính mạng.

Mặt khác, do đặc thù di chuyển trên đường, việc cứu được chiếc xe khi ngọn lửa đã bùng lên không phải lúc nào cũng khả thi, trong khi tính mạng và sức khỏe là điều quan trọng hơn cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lý do khiến ô tô bốc cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.