(HNM) - Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, khắp 13 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ đang rộn ràng hướng tới kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gắn với 37 năm giải phóng miền Nam.
Chuyện nông dân đổi đời
Xe vừa qua cầu Mỹ Thuận, chả biết tình cờ hay hữu ý bác tài mở nhạc bài “Về miền Tây”: “Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, vui niềm vui ấm no cuộc sống/ Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông, yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng/ Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận/Ai đi Hậu Giang đến bắc Cần Thơ/ Đi về Minh Hải hay đi về Kiên Giang/Đi về Sa Đéc hay là về An Giang…”. Giai điệu rộn ràng cùng phong cảnh hữu tình khiến lòng xao xuyến. Mới đó mà phà Mỹ Thuận, bắc (phà) Cần Thơ đã đi vào ký ức, thay vào đó là những cây cầu hiện đại, đẹp như mơ. Không khí sôi nổi làm quãng đường ngắn lại. Chẳng mấy chốc cầu Cần Thơ hiện ra, sừng sững trên nền trời xanh…
Cầu Cần Thơ, biểu tượng cho sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Con đường bê tông xuyên qua Khu di tích Gò Tháp đưa chúng tôi đến một mô hình khu dân cư vượt lũ ở huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Dưới hiên ngôi nhà hai tầng rợp bóng cây, ông Phạm Văn Do (75 tuổi, ấp 1, xã Tân Kiều) phấn khởi kể: Trước gia đình ông ở trong khu Gò Tháp, nhà lá tạm bợ, dột nát; năm 2007 được bố trí về khu dân cư vượt lũ số 1, xã Tân Kiều. Ngoài 170-180 triệu đồng tiền đền bù hỗ trợ, ông còn được Ngân hàng Chính sách - xã hội cho vay trả chậm (trong 11 năm, không lãi suất) để xây dựng ngôi nhà mới khang trang này. An cư nên lạc nghiệp, khấm khá hơn trước nhiều. “Có 6 người con đều có công ăn việc làm, bay nhảy hết rồi”.
Trước khi vào Tân Kiên, chúng tôi được Phó chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Trịnh Minh Dũng giới thiệu: Tháp Mười là huyện vùng sâu của Đồng Tháp Mười, diện tích tự nhiên 51.766ha, dân số 136.725 người (32.958 hộ). Do nằm trong vùng trũng (cao trình 0,7m-1m), nhà cửa tạm bợ nên trong những trận lũ lớn (năm 1978, 1994, 1996, 2000) hầu hết nhà ở của dân bị ngập rất sâu, dẫn đến hư hỏng. Được sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Bắt đầu thực hiện từ năm 2002, đến nay Tháp Mười đã trở thành địa phương hoàn thành kế hoạch sớm nhất vùng ĐBSCL. Giai đoạn 1 huyện đã triển khai 22 cụm tuyến, tổng diện tích gần 450.000m2, bố trí 3.521 hộ vào ở; giai đoạn 2 triển khai 5 cụm tuyến, tổng diện tích gần 108.000m2, bố trí 1.013 hộ vào ở. Nhờ chủ động bố trí dân cư nên mùa lũ hằng năm không còn cảnh phải sơ tán, di dời dân khẩn cấp, hạn chế thiệt hại về người và của. Nhà cửa được xây dựng vững chắc, các nhu cầu ăn ở, đi lại, học hành, y tế, văn hóa được bảo đảm thuận lợi. Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, sử dụng điện, hộ dân được xóa nhà ở tạm bợ không ngừng tăng lên. Nhờ chương trình mà nhiều hộ nghèo, hộ chính sách đã có nhà ở, đời sống ổn định. Diện mạo nông thôn đổi mới, chất lượng sống của nhân dân được nâng cao. Ông Dũng khẳng định: “Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ là một cuộc cách mạng, làm thay đổi tập quán, lối sống lâu đời của người dân vùng lũ (nhất là ở vùng sâu, vùng xa). Người dân vào cụm tuyến dân cư sẽ có những thuận lợi cơ bản cho sự phát triển bền vững, được tiếp cận với những điều kiện cơ bản của văn hóa, văn minh; có điều kiện phấn đấu học hành, nâng cao dân trí…”.
Trên đường về thị trấn Mỹ An, chúng tôi ghé gia đình ông Nguyễn Văn Oanh (ở ấp 2 xã Mỹ Hòa), nổi tiếng với cái tên “vua tràm” Hai Oanh. Ngôi nhà hai tầng khang trang nằm bên dòng kênh bị đống bao lúa che khuất. Máy kéo, máy gặt liên hợp đậu la liệt… Năm nay 77 tuổi, ông Oanh là “lão nông tri điền” chính hiệu bởi cả đời gắn với đồng ruộng. Vừa rót nước mời khách, người con rể vừa nói: “Mấy chục năm ba tui toàn ở đồng không à, ít khi về nhà lắm”. Năm ngoái, tuổi cao sức yếu ông mới chịu rời đồng. Đôi tay người nông dân này đã khai phá hàng trăm héc ta đồng hoang, ngập phèn, bưng biền cỏ lác, lau sậy biến thành rừng tràm, đồng lúa mênh mông. Chỉ đống bao lúa chất ngất, ông bảo: “Của rể tui đó, kể cả số nằm trên xà lan cỡ tám chục tấn, chưa bán được vì thương lái chê gạo gãy. Tui có tám, chín chục tấn bán hết từ lúc lúa tươi, giờ khỏe re”. 5 người con của ông đều đã yên bề gia thất, là doanh nghiệp, chủ cơ sở cả rồi. Láng giềng, đồng thời là sui gia với ông Oanh là ông Lê Văn Đoan (70 tuổi), cũng là một nông dân cố cựu nổi tiếng về khai hoang, làm kinh tế giỏi vùng Đồng Tháp Mười. Con trai ông Đoan, anh Lê Hữu Thọ là một trong số 10 doanh nghiệp trẻ làm ăn giỏi của tỉnh, hoạt động trong lĩnh vực thi công, kinh doanh vật liệu xây dựng, cây xăng… Mới đây, doanh nghiệp Thọ Thông đã mạnh dạn đầu tư 12 tỷ đồng để xây dựng chợ tư nhân với 48 ki-ốt, 85 quầy. Huyện Tháp Mười hiện có 4 chợ tư nhân như thế, đứng đầu phong trào xã hội hóa chợ ở tỉnh Đồng Tháp.
Câu chuyện làm giàu của những người nông dân cho thấy sự đầu tư của Nhà nước vào ĐBSCL đã đem lại những thành quả đáng tự hào.
Thành tựu một thập niên
Làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về việc tổ chức Triển lãm - Hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã khẳng định: “Những thành tựu trong 10 năm qua thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị ở ĐBSCL rất đáng trân trọng”.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2010”, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL bình quân đạt 11,7%/năm, cao hơn 1,8 lần so với bình quân cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một héc ta trong 10 năm tăng gấp 2 lần, xuất khẩu gạo hơn 6 triệu tấn/năm, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 56.292 tỷ đồng năm 2001 tăng lên 101.000 tỷ đồng năm 2010 (theo giá so sánh năm 1994). Hiện toàn vùng có hơn 400.000ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,5 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so năm 2001, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước. ĐBSCL là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước. Trong đó, cá tra, tôm trở thành một trong những ngành kinh tế chiến lược của vùng và của quốc gia (riêng năm 2010 diện tích nuôi cá tra đạt 5.400ha, sản lượng 1,15 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD); sản lượng tôm chiếm 80%, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Giá trị sản xuất năm 2010 (giá so sánh năm 1994) đạt 336.924 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so năm 2001, tăng bình quân 11,87%/năm. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng năm 2010 đạt 9,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 6,83 tỷ USD (chiếm khoảng 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 17,8%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/năm theo giá so sánh tăng gấp 2,5 lần so năm 2001, bằng 95% thu nhập bình quân đầu người/năm của cả nước... Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được xây dựng hoàn chỉnh, trong 10 năm đã nâng cấp 2.500km quốc lộ, hơn 9.000km tỉnh lộ, xây dựng mới 11.453 cây cầu lớn nhỏ. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Bình quân thu nhập năm 2010 so với năm 2001 tăng 6 lần. Công tác quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững...
Tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ đã có nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ gắn với phát triển thành đô thị nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho 132.371 hộ dân vùng ngập sâu. TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương, đã và đang đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả vùng. Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối liền quốc lộ 1A và nhiều công trình về giao thông, thủy lợi khác đã trở thành biểu tượng sinh động nhất của thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết 21.
Trong 10 năm qua, ĐBSCL thành lập mới và mở rộng, nâng cấp hơn 20 trường ĐH, CĐ. Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông phân bổ rộng khắp các địa bàn dân cư. Toàn vùng đã hoàn thành việc xóa lớp học ca 3. Các tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú. Hiện nay ĐBSCL có 336 cơ sở dạy nghề, tăng gấp 3 lần so với năm 2001. Toàn vùng hiện đã cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và liên huyện. Hơn 71% trạm y tế có bác sĩ phục vụ. ĐBSCL hiện đã có 5,7 bác sĩ/vạn dân. 87% hộ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh. Bình quân mỗi năm cả khu vực giải quyết việc làm cho 332.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh từ 14,18% (đầu năm 2001) xuống còn 7,32% năm 2010.
Tiềm năng còn lớn
Tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển của vùng ĐBSCL vẫn còn rất lớn, cần được khai thác mạnh mẽ, phát triển bền vững trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đang đề xuất với Bộ Chính trị cho ý kiến về ban hành chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng cho ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo. Mục đích của “Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL” là để nhìn lại và đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong 10 năm qua ở vùng vựa lúa, thủy sản lớn nhất nước. Cũng thông qua đó, Triển lãm - Hội chợ (TLHC) sẽ giới thiệu tiềm năng, lợi thế, kêu gọi đầu tư của vùng đối với cả nước và thế giới. Từ đây một nguồn lực mới sẽ được huy động mạnh mẽ hơn để đầu tư phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL.
Chuẩn bị cho TLHC, Ban tổ chức đã tập hợp nhiều danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của nhiều tỉnh, thành trong vùng để giới thiệu cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư trong dịp TLHC. Ban tổ chức đang tổng hợp các dự án lớn để các địa phương trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại lễ bế mạc TLHC (tối 30-4-2012). Riêng các doanh nghiệp và ngân hàng đã đăng ký thực hiện khoảng 760 tỷ đồng cho an sinh xã hội. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, công tác an sinh xã hội của toàn vùng từ năm 2011 đến nay đã thực hiện được 7.700 tỷ đồng, năm 2012 kế hoạch huy động khoảng 7.000 tỷ đồng…
Một cơ hội phát triển mới đang mở ra với vùng đất giàu tiềm năng Tây Nam bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.