(HNM) - Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, năm học 2009-2010 là năm mà lẽ ra tất cả các trường đại học (ĐH) phải chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ. Đây vốn được coi là một giải pháp đột phá để thay đổi chất lượng giáo dục ĐH.
Những ngày cuối cùng của năm học đang trôi qua và kế hoạch trên đã không thể hoàn thành, bởi cả nước hiện chỉ có 40 trường thực hiện đào tạo theo tín chỉ.
Người vượt bậc, kẻ hụt hơi
Trong những ngày cuối cùng của năm học 2009-2010, chuyện 5 cô SV Khoa Triết Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) "đi tắt qua giảng đường" với việc rút ngắn một năm thời gian học, được nhiều người nhắc đến như một ví dụ chứng minh sự thành công của việc học tín chỉ. 5 SV trên đã hoàn thành tới 90% trong tổng số 136 tín chỉ với kết quả học tập khá. Họ tiếp tục hoàn thành những tín chỉ cuối cùng trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp để bảo vệ trong tháng 6.
Đào tạo theo tín chỉ cần được áp dụng phù hợp với điều kiện của từng trường ĐH. Ảnh: Bích Ngọc |
Nhưng cũng chỉ tháng trước thôi, hơn 200 SV của Trường ĐH Khoa học Huế (ĐH Huế) đứng trước nguy cơ phải thôi học do không hoàn thành đủ khối lượng học tập. Cùng thời điểm, hơn 50 SV của Trường ĐH Thương mại cũng đã bàng hoàng nhận thông báo đuổi học do không tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết...
Khác với phương thức đào tạo theo niên chế, điểm của một môn học tín chỉ đối với SV không chỉ là điểm thi giữa kỳ và cuối kỳ nữa mà là kết quả tổng hợp từ rất nhiều bài kiểm tra, điểm thảo luận, điểm làm bài tập nhóm… đòi hỏi SV có ý chí học tập, tinh thần tự học rất cao cũng như có sự hỗ trợ tốt từ phía giảng viên, giáo trình, hệ thống quản lý và cơ sở vật chất. Những SV tận dụng tốt các yếu tố này có thể có những bước tiến vượt bậc như 5 SV nói trên và ngược lại, những SV không thích nghi được với hình thức mới sẽ không tránh khỏi bị hụt hơi.
Tuy nhiên, trước khi "hụt hơi" để rồi bị loại khỏi trường ĐH, liệu họ đã nhận được sự tiếp sức cần thiết? Theo một nghiên cứu của nhóm SV Khoa Thông tin - Thư viện (ĐH KHXH&NV) thì một số không ít SV thậm chí không có đủ tài liệu bắt buộc chứ chưa nói tới học liệu tham khảo. Số SV có tài liệu chủ yếu qua thư viện chiếm 34%, qua giảng viên chiếm 26%, qua internet chiếm 20%... Thế nhưng, trên thực tế, sinh viên gặp không ít khó khăn trong việc tìm tài liệu. 37% SV chỉ tìm thấy từ 10-20% tài liệu mình cần trong thư viện, chỉ có 5% số người tìm được từ 81-100% tài liệu. Có đến 60% SV được hỏi cho rằng tài liệu trên thư viện lạc hậu.
Hài hòa các tiêu chí
Bên cạnh đòi hỏi sự chủ động rất cao của SV trong học tập, điểm khác biệt rõ nhất giữa phương thức đào tạo theo niên chế và theo tín chỉ chính là cách dạy của đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Theo PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV: "Đó là sự thay đổi quá lớn trong việc giảng dạy đối với giảng viên. Qua thử nghiệm, có thể thấy những giảng viên lớn tuổi không thay đổi được cách dạy, trong khi đó những giảng viên trẻ lại rất thích. Chúng ta phải tìm ra biện pháp để hài hòa các đối tượng rồi mới tính tiếp". Nếu như đào tạo theo niên chế, một chuyên ngành có thể chỉ cần một giảng viên phụ trách, thì đào tạo tín chỉ ít nhất phải có 2 giảng viên trở lên để SV có thể lựa chọn giảng viên, lựa chọn thời gian học tập hợp lý. Với tình trạng giảng viên dạy quá tải như hiện nay thì đòi hỏi này lại càng khó thực hiện.
Việc bố trí phòng học cho SV cũng cần linh hoạt hơn với những thời khóa biểu mềm dẻo, trong khi cơ sở vật chất ở hầu hết các trường đều còn quá thiếu thốn để có thể tổ chức lớp học theo tín chỉ. Dù là giờ thực hành, lý thuyết hay thảo luận thì số SV vẫn quá đông.
Trước những khó khăn vượt ngoài tầm giải quyết của mình, các trường đã phải "hài hòa" nhiều tiêu chí của đào tạo tín chỉ. Trên một diễn đàn của SV Trường ĐH Thủy lợi, có người đã băn khoăn "tín chỉ trở về niên chế " khi tới học kỳ thứ 6 khóa 49, SV không còn được chọn giờ học, lịch học, giáo viên theo ý muốn nữa. Tất cả SV lại được nhà trường bố trí cả lịch học lẫn giáo viên. Tuy nhiên, cũng có SV cho rằng đây là một cách khắc phục nhược điểm của hình thức đào tạo tín chỉ, dễ quản lý lớp học, tạo điều kiện cho SV tạo lập quan hệ bạn bè theo lớp.
Liên quan tới chương trình học, GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, không thể áp dụng ngay 100% mô hình tín chỉ mà phải thực hiện từng bước sao cho phù hợp với từng trường. Trước mắt, với ĐH Quốc gia, tất cả môn học trong kiến thức chung thì do ĐH Quốc gia đảm nhiệm, còn các môn liên thông là do các trường, khoa duy trì và bố trí sao cho hợp lý. GS-TS Nguyễn Hữu Đức cũng thừa nhận: Có nhiều đề cương môn học nhìn rất hoành tráng nhưng về tổng thể lại không ra một bộ giáo trình chuẩn. Còn ở Trường ĐH Xây dựng, sau 10 năm triển khai học tín chỉ, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Minh Hùng cũng cho rằng: Thiết kế các môn chưa đủ nhiều và cũng thiếu giảng viên dạy được các môn mới. Điều này dẫn tới SV có rất ít môn tự chọn và chỉ là chọn theo chuyên ngành, theo nhóm.
Thực tế trên cho thấy, giữa mong muốn và khả năng để thực hiện mục tiêu vẫn còn khoảng cách khá xa, khó có thể lấp đầy trong một sớm một chiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.