Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những khoản thu đầu năm học: Nỗi niềm ai tỏ?

Thống Nhất| 29/09/2011 07:39

(HNM) - Phụ huynh HS bức xúc trước danh sách dài những khoản thu ngoài quy định mỗi dịp đầu năm học, nhưng có vẻ như cũng chính họ "tiếp tay" cho việc lạm thu khi "tự nguyện" ký tên và nộp tiền. Tại sao lại thế? Làm thế nào để phụ huynh không còn phải băn khoăn mỗi khi tự nguyện đóng góp cho sự học của con em mình?

Đằng sau niềm vui đến trường của các em học sinh là nỗi lo của phụ huynh về những khoản thu mỗi dịp đầu năm học. Ảnh: Nhật Nam


Căn nguyên của nỗi bức xúc

Mặc dù trong Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008 có quy định rất rõ về nhiệm vụ của tổ chức này là "phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục HS", "tổ chức lấy ý kiến cha mẹ HS của lớp về biện pháp quản lý giáo dục HS để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học"… Thế nhưng, sự tồn tại của ban đại diện cha mẹ HS hiện nay dường như chỉ được biết đến với nhiệm vụ tổ chức thu các khoản tiền của phụ huynh trong lớp dưới danh nghĩa thỏa thuận hoặc tự nguyện. Có lẽ bởi vậy mà có người gọi hội này là "hội phụ thu".

Căn nguyên nằm ở cách làm của ban đại diện cha mẹ HS nhiều nơi trong việc triển khai thu các khoản nằm ngoài quy định. Đó là việc xây dựng nhiều khoản thu không thực sự cần thiết cho việc học tập của HS, là sự mập mờ trong các nội dung chi dựa trên nguồn kinh phí từ quỹ chung, là việc làm tắt quy trình để đạt được sự thỏa thuận… Khi trả lời phỏng vấn báo chí, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, không phải các hội phụ huynh tùy tiện đặt ra các khoản đóng góp, mà là từ sự gợi ý của nhà trường. Mà khuynh hướng chung của phụ huynh là không muốn làm mất lòng nhà trường, nên thường cố gắng đóng góp.

Vấn đề ở chỗ việc tổ chức đóng góp ấy được triển khai như thế nào, để vừa thiết thực cho việc học tập mà vẫn phù hợp với khả năng kinh tế của từng gia đình. Rõ là không nên thông báo thu các khoản thỏa thuận với kinh phí "trên trời" mà chính phụ huynh cũng không hay biết mình đã thỏa thuận từ khi nào, với ai. Không nên hô hào đóng góp tự nguyện trong khi phụ huynh phải ký tên và điền số tiền vào từng ô kẻ sẵn trong mẫu biểu tự soạn; giấy trắng mực đen, phụ huynh nào không có tên thì con họ có bị làm sao? Mặc dù Điều 9 trong Điều lệ của Bộ GD-ĐT có ghi: cha mẹ HS có quyền "từ chối mọi khoản đóng góp khi được ban đại diện cha mẹ HS lớp, ban đại diện cha mẹ HS trường yêu cầu nếu không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện", nhưng ít ai dám dũng cảm lên tiếng hoặc phản ứng ra mặt. Phần vì sĩ diện, phần khác - quan trọng hơn - vì sợ ảnh hưởng tới kết quả học tập của con mình.

Cơ chế nào để loại trừ lạm thu?

Có hay không tình trạng HS bị trù úm khi phụ huynh phản ứng trước việc tổ chức đóng góp của ban đại diện cha mẹ HS? Làm thế nào để chấm dứt tình trạng phụ huynh "bảo toàn điểm số" cho con em mình bằng cách đăng ký và nộp tiền theo mọi lịch học thêm của các cô giáo, bất kể cái sự thêm nếm ấy có cần thiết và có phù hợp với HS hay không? Nhiều cán bộ quản lý nhà trường thẳng thắn cho rằng ở đâu đó có giáo viên có biểu hiện khó chịu với HS. Tình trạng giáo viên được tự do "tha" HS đi học tại các nhóm lớp bên ngoài nhà trường ngày càng nhiều, khiến cho việc giám sát của ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ HS lớp, trường khó có thể bao quát hết.

Giải pháp cho tình trạng này? TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần xây dựng quy chế tổ chức hội đồng giám sát cộng đồng trong trường học. Cơ chế hoạt động của tổ chức này là công khai, minh bạch và dân chủ theo quy định tại Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 34/2007/PL-UBTVQH11. Theo đó, phụ huynh HS cần và phải được biết, được tham gia ý kiến, được quyền quyết định thực hiện và giám sát việc thực hiện chi tiêu cho những công việc trong trường. Ông Nguyễn Tùng Lâm đang nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học về vấn đề này nhằm giảm dần những bức xúc không đáng có trong dư luận về vấn đề tiền trường. Thực tế cho thấy, sự minh bạch, công khai luôn là yêu cầu cốt lõi trong việc giải quyết tình trạng lạm thu. Nếu như các trường rạch ròi giữa các khoản thu hộ, nêu rõ đâu là khoản thu tự nguyện, đâu là phần thỏa thuận, và không cố tình dồn thành "một cục" chỉ để tiện cho việc thu thì có lẽ đã không có nhiều bức xúc đến thế.

Một phương án khác được những cán bộ quản lý có kinh nghiệm đề cập là huy động sự tham gia của lực lượng thanh tra nhân dân nhà trường trong việc thực hiện các khoản thu - chi. Đây sẽ là lực lượng kiểm soát tính cần thiết, mức độ của từng khoản thu, thời điểm thu và sự phù hợp với khả năng đáp ứng của phụ huynh. Điều này sẽ tránh được tình trạng đang diễn ra ở nhiều trường, là khi thực hiện thỏa thuận nội dung thu, mức thu chỉ dựa trên quyết định giữa đại diện nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS. Cơ chế này cũng sẽ giúp phụ huynh mạnh dạn bày tỏ ý kiến mà không lo con cái bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sự vào cuộc thường xuyên, có trách nhiệm của tổ chuyên môn khi kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên cũng sẽ giúp HS thoải mái hơn, không lo bị học một đằng, kiểm tra một nẻo.

Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh tại cuộc họp ngày 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Riêng đối với các khoản đóng góp kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Thực tế ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ HS đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp; mua sắm điều hòa… Nhìn chung, việc thu, chi này không được công khai, minh bạch, gây bức xúc đối với phụ huynh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những khoản thu đầu năm học: Nỗi niềm ai tỏ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.