Hành vi tàng trữ vũ khí nóng nếu không chứng minh được mục đích sử dụng thì vẫn dừng lại ở mức xử phạt hành chính, vì thế vô hình trung vẫn khiến các đối tượng nhờn thuốc, coi việc tàng trữ và sử dụng các loại súng như một thứ đồ bất ly thân…
Thời gian gần đây, gia tăng tình trạng dùng súng để giải quyết mâu thuẫn cá nhân; bắn nhau giữa phố; mang súng để phòng thân và mới đây có đối tượng bị phát hiện đã vô tư khai nhận rằng mang súng ra chợ Giời để bán hộ bạn với giá 3 triệu đồng… Một câu hỏi đặt ra là, nguồn gốc của các loại súng (gồm cả súng thể thao, súng bắn đạn hoa cải, súng bút) từ đâu ra và quản lý như thế nào, đó là một bài toán không dễ có lời giải.
Lực lượng 141 Hà Nội phát hiện đối tượng mang súng ra chợ Giời bán. |
1. Cơn lốc tín dụng "đen" vô tình hay hữu ý cũng trở thành một tác nhân khiến tình trạng sử dụng súng có chiều hướng gia tăng.
Thực tế các vụ đòi nợ bằng súng đã chứng minh điều đó: Khoảng 13h40' ngày 10/7, tại quán nhà ông Nguyễn Văn Năng (ở huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) đã xảy ra vụ nổ súng nghiêm trọng, khiến nhiều người bị thương, trong đó có một cô gái đang mang thai. Các đối tượng trong vụ án này, hiện đang được Công an huyện Từ Liêm khẩn trương truy tìm, nguyên nhân của vụ việc được xác định là do việc vay nợ tiền giữa con trai ông Năng, với một đối tượng ở bên ngoài xã hội ước tính khoản tiền khoảng 50 triệu đồng, với lãi suất là 10 nghìn đồng/ triệu/mỗi ngày.
Đòi nợ tiền của con trai ông Năng không được, chúng hung hãn kéo đến gia đình uy hiếp... ông Năng buộc phải đứng ra nhận nợ. Ông Năng đã trả được cho các đối tượng này một phần tiền, số còn lại chưa kịp lo thì 6 tên nhằm đúng bữa cơm của gia đình xả súng, khiến nhiều người bị thương, tài sản của gia đình cũng bị hư hỏng nặng.
Hay vì không đòi được tiền bảo kê quán nước, có đối tượng còn dùng súng tự chế, gây trọng án.
Sự việc xảy ra vào khoảng 22h một ngày giữa năm 2012, tại ngõ 323 đường Phạm Văn Đồng (Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ. Mới đây, vào cuối tháng 7/2012, vì đòi tiền, chủ nợ cũng dùng súng dọa bắn nát tay "con nợ".
Kẻ chủ mưu là Nguyễn Văn Xuân, 44 tuổi, trú tại thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), sau đó đã bị Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt giữ, khi đang lẩn trốn tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trước đó một tháng, Xuân đã dàn dựng vụ bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản. Nguyên nhân của vụ việc này là do Sơn nghi ngờ anh Nguyễn Đức Nghi, ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn đánh bạc bịp, chiếm đoạt 9 triệu đồng…
2. Xuất hiện từ khoảng năm 2006, bắt đầu ở Hải Phòng… đối tượng sử dụng ban đầu chỉ là các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" hoạt động trong các lĩnh vực như bảo kê nhà hàng, khách sạn, các đối tượng khai thác khoáng sản. Đến thời điểm này, số các vụ trọng án do sử dụng súng bắn đạn hoa cải, súng bút gây án ngày càng gia tăng. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, vì nhiều nguyên nhân mà tình hình ANTT nhất là tội phạm rất phức tạp, các đối tượng phạm tội rất liều lĩnh, manh động, sử dụng các loại vũ khí tấn công các lực lượng thi hành công vụ, nhất là vi phạm TTATGT, phạm tội về tài sản, kinh tế, ma túy, bảo vệ rừng...
Bên cạnh đó, số lượng súng hơi, công cụ hỗ trợ đã được một số tổ chức, cá nhân mua và sử dụng vẫn còn khá nhiều, nhất là súng săn tự chế của đồng bào dân tộc miền núi.
Vụ bắt giữ Nguyễn Việt Anh, đối tượng đang có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm của Công an tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ. 17h chiều 6/8, phát hiện bị Công an tỉnh Thanh Hóa bao vây, Việt Anh dùng súng bắn trả quyết liệt. Sau khi khống chế đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 1 khẩu súng Colt, 1 băng đạn, 2 bình xịt cay, 3 Colt điện và nhiều tang vật của Việt Anh.
Hay vụ ngày 8/8, cán bộ, chiến sĩ Đội tuần tra kiểm soát 1-18, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt được 2 tên cướp manh động, liều lĩnh, sử dụng súng đi cướp giật tài sản và chống trả lại lực lượng thi hành nhiệm vụ.
3. Không dừng lại ở đó, tình trạng tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép trên đường phố và sử dụng như một vật để phòng thân, sẵn sàng xả súng nếu xảy ra mâu thuẫn, vẫn đang có diễn biến phức tạp và được coi là một trong những nguyên nhân phát sinh những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng.
Theo báo cáo của lực lượng 141 CATP Hà Nội (các tổ công tác đặc biệt với liên quân gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động) thì một ngày, lực lượng này phát hiện, bắt giữ gần chục vụ tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép. Các loại hung khí và công cụ hỗ trợ thu được chủ yếu là: Bình xịt hơi cay, dùi cui điện, kiếm, dao, đao, dao phóng tiết lợn, ống nước gắn dao nhọn, súng tự chế, súng hoa cải…
Đối tượng tàng trữ và sử dụng các loại súng tự chế này không chỉ là các đối tượng cộm cán ngoài xã hội mà còn là những thanh niên mới lớn, tuổi từ 18 - 35. Các loại súng sử dụng cũng rất phong phú, từ súng tự chế gồm súng bút, súng bắn đạn hoa cải và một phần trong số đó được nhập lậu từ biên giới về Việt Nam, đa phần trong số đó là các loại súng quân dụng.
Về những điểm mới trong pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết: So với các quy định của pháp luật đang có hiệu lực thi hành (như Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 về vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ), Pháp lệnh có một số nội dung mới.
Có thể nêu một số ví dụ như: Pháp lệnh quy định các loại súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng được coi là vũ khí quân dụng và giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể về vũ khí (điểm d khoản 2 Điều 3). Pháp lệnh cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đặc biệt là quy định kể từ ngày 1/1/2012 nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh này (khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh quy định vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ...).
Pháp lệnh cũng quy định cụ thể về nổ súng. Đây là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân (Điều 22 Pháp lệnh đã quy định cụ thể về nguyên tắc nổ súng khi thi hành nhiệm vụ độc lập và 7 trường hợp được nổ súng). Có thể khẳng định rằng, pháp lệnh này phần nào đã giúp cho lực lượng Công an có thêm chế tài để xử lý đối với các hành vi tàng trữ, mua bán và sử dụng các loại súng và công cụ hỗ trợ...
Thực tế cho thấy các loại súng gồm súng bắn đạn hoa cải, súng tự chế, súng bút… khi bắn đều có thể gây thương tích nghiêm trọng cho người bị hại. Và khi đã xảy ra trọng án, thì phần lớn kẻ thủ ác cũng bị sa lưới pháp luật. Nhưng hành vi tàng trữ nếu không chứng minh được mục đích sử dụng thì vẫn dừng lại ở mức xử phạt hành chính, vì thế vô hình trung vẫn khiến các đối tượng nhờn thuốc, coi việc tàng trữ và sử dụng các loại súng như một thứ đồ bất ly thân…
Vì thế, để hạn chế các vụ án đau lòng có thể xảy ra, ngoài công tác tuyên truyền cũng cần phải phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm và hơn hết cần phải xử lý nghiêm minh các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.