(HNMO) – Vườn hoa trước Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh và tầng B1 nhà ga ngầm Nhà hát thành phố trên tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã lần đầu tiên “ra mắt” người dân thành phố Hồ Chí Minh, sau nhiều năm quây kín để thi công.
Chiều 24-4, Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) cùng đơn vị thi công đã thực hiện tháo dỡ toàn bộ rào chắn đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ. Mặt bằng phía trước Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh đã được tái lập hoàn toàn, trả lại không gian thông thoáng và sạch đẹp cho khu vực này.
Công trình hoàn tất sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch báo cáo UBND thành phố là 30-4 và sớm hơn 127 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu là ngày 2-9.
Cũng trong chiều nay, tầng B1 ga Nhà hát thành phố đã được cơ bản hoàn thiện, về đích sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch báo cáo UBND thành phố là ngày 30-4 và sớm hơn 96 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu là ngày 30-7. Đây là nỗ lực rất lớn của Ban Quản lý và nhà thầu thi công dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong thời điểm còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 thành phố Hồ Chí Minh (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) có chiều dài 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, với 14 nhà ga, bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao được khởi công xây dựng từ tháng 8-2012, với 4 gói thầu chính. Đến nay, dự án đã hoàn thành tổng khối lượng gần 72%.
Ga Nhà hát thành phố là một trong hai ga ngầm của gói thầu CP1b thuộc tuyến metro số 1, được thiết kế ngầm, dài 190 m, rộng 26 m, gồm 4 tầng: Tầng 1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách...). Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Tầng 3 là tầng trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga. Tầng 4 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án như: Lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm nay, hướng tới mục tiêu vận hành khai thác vào cuối năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.