(HNMO) - Không thể phủ nhận rằng triển lãm thiết bị nhiếp ảnh CP+ năm nay (diễn ra tại Nhật Bản) đã làm mãn nhãn mọi khách tham quan cũng như thoả sự mong đợi của hàng triệu người yêu bộ môn nghệ thuật ánh sáng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những điều thú vị không chỉ dừng lại ở các siêu phẩm đầu bảng được hé lộ.
"Gây sốc" nhất đối với khách tham quan có lẽ là việc Nikon đã "xẻ đôi" chiếc máy ảnh đầu bảng D5 của mình để phục vụ cho việc trưng bày.
Cận cảnh một nửa của chiếc DSLR Nikon D5 mới.
K-1 là mẫu DSLR đầu tiên sử dụng cảm biến full-frame của Pentax với những tính năng hết sức ấn tượng như ổn định cảm biến, hệ thống AF tiên tiến, hỗ trợ ống kính ngàm K của máy Pentax đời trước cũng như màn hình LCD xoay linh hoạt.
Mẫu sản xuất thử nghiệm của Pentax K-1 trước khi các kĩ sư của Ricoh (tập đoàn mẹ của thương hiệu Pentax) nhận ra rằng việc sử dụng nhựa trong không phải ý tưởng phù hợp với một chiếc máy ảnh.
Một mẫu máy cổ điển của Nikon. Được sản xuất từ những năm 60 thế kỉ trước, Nikon F ra đời trong giai đoạn nảy sinh hàng loạt phát kiến ấn tượng của công nghệ nhiếp ảnh như đo sáng TTL, lăng kính tháo rời được, ống kính góc rộng và mô tơ tích hợp.
Được đánh giá cao hơn Nikon F, Canon F1 với ngàm FD ra đời sau chút ít và là mẫu máy thực sự được giới chuyên nghiệp đón nhận. Máy sở hữu cơ chế đo sáng TTL tích hợp thay vì module rời như máy Nikon, tốc độ chụp 3,5 khung hình /giây và tốc độ màn trập nhanh vào hàng đầu thời kì đó.
Sony đã có màn ra mắt sản phẩm hoành tráng tại CP+ 2016 với nhóm sản phẩm ống kính cao cấp G Master mới. Trong đó, hãng đã chọn "xẻ" đôi chiếc ống FE 70-200mm f/2.8 GM OSS để gây ấn tượng cho khách hàng. Ống kính mới sở hữu 32 thành phần chia làm 18 nhóm - thuộc dạng phức tạp và cầu kì nhất từ trước tới nay.
Một trong những ống kính được chú ý nhất trong dải sản phẩm mới của Sony là FE 24-70 F2.8 GM - dải tiêu cự được sử dụng phổ biến với các tay máy chuyên nghiệp. Với cơ cấu mô tơ Direct Drive SSM mới, khi kết hợp cùng A7R II, ống kính này cho phép người chụp bám chủ thể với tốc độ cực nhanh.
Ống kính thế hệ mới Leica DG Vario-Elmar 100-400mm F4.0-6.3 ASPH Power OIS dành cho dòng máy ảnh không gương lật Micro Four Thirds của Panasonic. Với thiết kế quang học đơn giản hơn so với Sony FE 70-200mm, ống mới này có tiêu cự tương đương 200-800mm trên thân máy full-frame.
Trong ba ống kính mới của Sony, có lẽ FE 85mm F1.4 GM được nhiều tay máy chân dung quan tâm nhất. Kết cấu ống mới gồm 11 thành phần quang học chia làm 8 nhóm. Trong đó có cả thấu kính Extreme Aspherical mới.
Bức hình cắt ngang của ống kính Olympus M.Zuiko Digital 300mm F4 IS Pro - tương đương tiêu cự 600mm trên máy full-frame. Những thử nghiệm thực tế cho thấy ống mới có độ sắc nét, sự bền bỉ tốt và trọng lượng nhẹ.
Khi nhắc tới ống kính Zeiss, thiết kế quang học của các sản phẩm này luôn gây ấn tượng mạnh với người dùng. Hình trên đây được chụp từ mẫu ống kính Milvus 21mm F/2.8 - vốn có giá thường ở mức 2.000 USD - bị cắt ngang.
Ống kính nhỏ nhắn này là Voigtländer VM 40mm F2.8 Heliar, tuy nhiên nó cũng chịu chung số phận như các đàn anh to lớn hơn.
Cận cảnh một nửa của ống kính Voigtländer VM 40mm F2.8 Heliar.
Dù không nhỏ gọn bằng Voigtländer VM 40mm F2.8 Heliar nhưng ống SP 90mm F2.8 Di VC USD 1:1 Macro mới của Tamron cũng được đánh giá rất cao sau hàng chục năm phát triển với nhiều thế hệ "tiền bối". Ống được trang bị gioăng chịu bụi nước, cơ chế chống rung...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.