(HNM) - Những ngày qua, bão lũ đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của cho dải đất miền Trung. Trước những thiệt hại to lớn đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ủng hộ 4.000 tấn gạo cho nhân dân nơi đây.
Người dân Quảng Nam vui mừng nhận gạo ủng hộ của VietinBank. |
Với tinh thần khẩn trương, với ý thức trách nhiệm xã hội cao nhất, toàn bộ nhân sự cấp cao của ngân hàng và đông đảo nhân viên của VietinBank tại khu vực miền Trung đã tham gia chiến dịch. Vậy là chỉ sau hơn hai ngày ra quyết định, sáng 20-11, đồng loạt tại 3 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, VietinBank đã khởi động chiến dịch ủng hộ 4.000 tấn gạo trị giá 36 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng trao hỗ trợ gạo tại tỉnh Quảng Ngãi; Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thắng trao tại tỉnh Bình Định và Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Du trao tại tỉnh Quảng Nam.
Sáng sớm 20-11, 20 xe tải chở gạo đã có mặt tại 3 tỉnh nói trên. Trên đường Trần Phú, trước cửa trụ sở MTTQ tỉnh Quảng Nam, 5 xe chở gạo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà tập kết từ sớm. Anh Nguyễn Trí Dũng, lái xe 51C-16873 cho biết, tất cả số gạo này được mua từ Sa Đéc (Đồng Tháp) và xuất phát lúc 15h ngày 18-11. Xe đã chạy liên tục để sáng nay có mặt tại Quảng Nam. "Anh em chúng tôi tuy hơi mệt nhưng đều động viên nhau phải cố gắng, vì biết số gạo này đem ra cứu trợ đồng bào miền Trung" - anh Dũng nói.
Có mặt tại trụ sở MTTQ tỉnh Quảng Ngãi từ sáng sớm để tham dự khởi động chiến dịch ủng hộ 4.000 tấn gạo cho nhân dân miền Trung mới thấy được không khí hối hả, khẩn trương của các cán bộ VietinBank khu vực miền Trung nói chung và của Chi nhánh Quảng Nam nói riêng. Ông Vũ Khắc Trọng, Phó ban cứu trợ lũ lụt tỉnh Quảng Nam cho biết: "Hiện Quảng Nam có 4 người chết, một người mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua. Hàng chục nghìn ngôi nhà và 58 trường học của tỉnh bị ngập; 150ha lúa vụ đông của huyện Duy Xuyên, 1.045ha rau màu của TP Hội An, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và Điện Bàn bị ngập. Lũ cũng cuốn trôi 935 gia súc và 23.750 gia cầm; 17 tấn cá lồng bè tại huyện Điện Bàn và 10 tấn cá tại huyện Đại Lộc". Thiệt hại ở Quảng Nam là quá lớn, chẳng kém trận lụt lịch sử năm 1999 là bao.
Trong đợt lũ này, Quảng Ngãi là địa phương thiệt hại nặng nhất, kế đến là Bình Định và Quảng Nam. Dựa trên những báo cáo thiệt hại này, VietinBank quyết định ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Ngãi 2.000 tấn, Quảng Nam và Bình Định, mỗi địa phương 1.000 tấn gạo. Với tinh thần khẩn trương cứu trợ đồng bào vượt qua cái đói, VietinBank quyết định mua toàn bộ số gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long và được chuyên chở trên 20 xe ô tô. Số gạo còn lại sẽ đến với đồng bào chậm nhất là cuối tuần này.
Tại buổi trao tặng gạo cho tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn VietinBank cho biết: "VietinBank hỗ trợ Quảng Nam 1.000 tấn gạo, tương đương 9 tỷ đồng với mong muốn giúp đỡ bà con không thiếu đói, có thêm nghị lực, sức khỏe để sớm vượt qua những tổn thất, ổn định cuộc sống". Sau lễ trao tượng trưng tại trụ sở MTTQ tỉnh, 5 xe gạo đã về 5 huyện: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình để kịp cấp phát cho bà con. Chúng tôi theo xe 51C-16873 đi cứu trợ tại 5 điểm của huyện Đại Lộc. Đoàn xe phát gạo của VietinBank đã có mặt tại UBND huyện Đại Lộc, sau một giờ xe chạy từ thành phố Tam Kỳ. Hàng trăm người dân với vẻ mặt khắc khổ, tay cầm sẵn bao tải đã có mặt đợi đoàn cứu trợ. Bà Phan Dần, thôn Bàu Tròn và ông Nguyễn Văn Anh, thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa không giấu nổi niềm vui, bởi trận lũ vừa qua gia đình họ hầu như tay trắng. Những người phụ nữ vùng quê nghèo thật xúc động vì có gạo nghĩa là họ sẽ không còn bị đói. 25kg gạo với những gia đình có từ 5 đến 7 khẩu cũng giúp họ đủ ăn chừng nửa tháng. Anh Hoàng Văn Quý, ở thôn Bàu Tròn cho biết: Lũ về nhanh khiến chuối gãy đổ hết, rau màu cũng không còn gì, muốn gieo sạ vụ đông xuân cũng phải cả tháng nữa.
Chiếc xe 51C-16873 đã chở 1.000 bao gạo, mỗi bao có trọng lượng 25kg được cứu trợ tại 4 xã: Đại Hòa, Đại An, Đại Nghĩa, Đại Quang và thị trấn Ái Nghĩa, mỗi địa phương 200 bao. Tổng số gạo mà VietinBank cứu trợ sáng 20-11 tại huyện Đại Lộc là 25 tấn. Lượng gạo ấy tuy chưa nhiều nhưng cũng làm ấm lòng nhân dân vùng lũ nơi đây. Ông Đặng Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa thay mặt những người dân bị mất mát quá lớn do lũ lụt đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tấm lòng của cán bộ, nhân viên VietinBank. Những hạt gạo nghĩa tình đã vượt cả nghìn kilômét để đến với bà con, giúp họ qua đận khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Người viết bài này đã từng tham gia hoặc từng trực tiếp điều hành không ít chuyến hàng cứu trợ, nhưng quả thực đợt ủng hộ 4.000 tấn gạo của VietinBank cho người dân 3 tỉnh miền Trung thật xứng tầm chiến dịch. Riêng tại Quảng Nam, bà Bùi Thị Xuân Lan, Giám đốc Chi nhánh Quảng Nam cho biết: “25 nhân viên Chi nhánh Quảng Nam, 5 từ Hội An, 10 từ Văn phòng miền Trung và 5 cán bộ của VietinBank trung ương đã trực tiếp tham gia điều hành chiến dịch này để những hạt gạo sớm đến với bà con. Mọi công tác chuẩn bị chỉ kết thúc vào lúc nửa đêm hôm trước. Được biết tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, cả hệ thống của VietinBank tại địa phương đã vào cuộc. Lãnh đạo điều hành tầm vĩ mô, cán bộ, đoàn viên thanh niên làm những việc cụ thể như chốt danh sách, bốc xếp và trao gạo. Tất thảy đều hối hả, mỗi người mỗi việc".
"Trách nhiệm cộng đồng" là cụm từ được chú trọng trong tập thể lãnh đạo VietinBank. Trong những năm qua, VietinBank đã đóng góp hơn 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân những vùng khó khăn. Riêng với Quảng Nam, VietinBank đã tài trợ trên 76 tỷ đồng để xây dựng 14 trường học, 304 nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng 5 trạm y tế và trao tặng 1 xe ô tô cứu thương. Trên những con đường mà tôi theo đoàn cán bộ của VietinBank đi trao gạo cứu trợ đợt này vẫn còn đó những mái nhà có các bao cát ở trên được nhân dân sử dụng nhằm phòng gió bão; những bụi tre bị bật gốc đổ ngổn ngang; các đường liên xã còn đó những lớp bùn non vẫn chưa kịp dọn và những bức tường ẩm thấp còn in rõ mực nước lũ lúc lên cao tới cả mét. Công việc dọn dẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm và nhà cửa vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Nhưng đáng lo ngại là đến hôm qua 20-11, Quảng Nam vẫn đang mưa và trời xám xịt. Rồi đây không biết đến 23 tháng Mười âm liệu trời còn mưa, lũ còn lên không? Người dân bảo với tôi phải qua cữ 23 mới được yên thân.
Miền Trung đó, nắng thì gay gắt, mưa thì xối xả, lại thêm thủy điện xả lũ vô tội vạ làm khổ người dân, chưa biết bao giờ mới vượt qua được thiên tai và nhân tai. Thương quá miền Trung ơi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.