(HNM) - Nằm khuất trong một con hẻm trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Ngôi nhà thứ hai - số 42, ngõ 433 với cơ sở vật chất còn đơn sơ nhưng luôn ấm áp bởi tiếng cười của các em nhỏ đang được nuôi dưỡng, học hành, vui chơi và được đào tạo nghề để có thể tự nuôi sống bản thân.
Ngôi nhà thứ hai là tên dự án nuôi dưỡng, chăm sóc các em nhỏ mồ côi, khuyết tật do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Ladecen thực hiện dưới sự bảo trợ của Tổ chức Phát triển cộng đồng Đức - Việt. Anh Nguyễn Ngọc Châu, điều phối viên dự án cho hay, ngôi nhà thứ hai chính là gia đình thứ hai của các em, khi gia đình thứ nhất không đủ khả năng nuôi dưỡng, bao bọc các em. Trong ngôi nhà này các em "có" bố, mẹ, anh chị em, các em được học hành, vui chơi, được chia sẻ tình cảm. "Chúng tôi phải tự mình đến từng địa phương khảo sát, tìm ra những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau đó, ký kết thỏa thuận giữa tổ chức - gia đình - chính quyền địa phương và làm các thủ tục liên quan đến vấn đề pháp lý như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Nhưng nhiều gia đình vẫn muốn giữ con mình vì sợ sống cách biệt chúng sẽ bị phai nhạt tình cảm với gia đình, anh Châu tâm sự.
Đối tượng mà Tổ chức Phát triển cộng đồng Đức - Việt tiếp nhận vào ngôi nhà thứ hai là trẻ em từ 6 đến 12 tuổi, mồ côi bố hoặc mẹ và người thân không đủ điều kiện để tiếp tục nuôi các em; hay những em bị khuyết tật ở dạng nhẹ. Các em được nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi, sau đó em nào thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ thì sẽ được tạo mọi điều kiện để học tập, những em không có đủ khả năng học tiếp sẽ được học các nghề... Được sống trong ngôi nhà thứ hai, các em được nhận đầy đủ tình cảm của một mái ấm gia đình, những tình nguyện viên chính là anh chị thân thiết của các em. Ngôi nhà thứ hai không tách biệt cộng đồng mà nằm ngay trong khu dân cư, tạo cuộc sống bình thường như mọi gia đình xung quanh. Ngôi nhà hiện đang có 9 em, trong đó 7 em mồ côi cha hoặc mẹ, 2 em khuyết tật. Em nhỏ nhất 7 tuổi, em lớn nhất 14 tuổi.
Trong một tháng có 2 ngày các em được đi tham quan bảo tàng để nâng cao kiến thức về lịch sử, hay vui chơi ở các công viên, sở thú để hòa đồng với thiên nhiên hoặc đi thăm Lăng Bác, làng gốm Bát Tràng để mở rộng kiến thức xã hội. Trong những chuyến dã ngoại luôn có mặt những tình nguyện viên trong và ngoài nước để giao lưu văn hóa, học ngoại ngữ. Ngoài học văn hóa, các em còn được học kỹ năng sống để phát triển cả về trí tuệ lẫn tâm hồn.
Tôi hỏi em Cao Ngọc Linh, quê ở Nghệ An, về cuộc sống ở đây , Linh hồ hởi khoe: "Vào đây, em được đến Trường THCS Vĩnh Tuy bằng xe đạp. Về nhà - ngôi nhà thứ hai - em được chơi trò chơi cùng với các bạn, được đọc truyện tranh, nhảy dây, đá cầu, chơi cầu lông. Em được bà và mẹ (từ gọi thân thương mà các em dành cho người chăm sóc mình) dạy lễ phép với người lớn, được học, nấu ăn và giặt quần áo cho mình. Biết cách quan tâm với những em bé tuổi hơn mình". Còn em Hoàng Thị Lý, 12 tuổi, quê ở Nam Định cho biết: "Em vào đây từ năm 2009. Ban đầu xa nhà, xa mẹ và em gái, em rất buồn nhưng rồi sống ở đây em cũng dần vơi nỗi nhớ. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này đỡ đần mẹ". Bố Lý mất do tai nạn giao thông, mẹ chỉ có khả năng nuôi mình em gái.
Từ những đứa trẻ mồ côi chịu nhiều vất vả, cực nhọc, bị ngược đãi... Giờ đây, trong Ngôi nhà thứ hai các em đã có cuộc sống mới với một tương lai rộng mở trước mắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.