Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những giá trị không thể đánh mất

Thế Phương| 06/03/2012 06:36

(HNM) - Một dáng vóc mới của đất ngàn năm văn hiến đã hình thành. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để Hà Nội giải quyết các mục tiêu của Quy hoạch phát triển KT-XH.

Có thể nói, một trong những thành công của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là ý tưởng không gian xanh đô thị. Ý tưởng về thành phố sinh thái là xu thế của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong việc xác định mô hình đô thị xanh, không thể tách rời các yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản bởi đây chính là đặc trưng Hà Nội.

Tạo dựng không gian xanh, phát huy bản sắc của một đô thị lịch sử trong tiến trình hiện đại hóa là vấn đề lớn đã được đề cập từ nhiều năm trước và đến nay vẫn mang tính thời sự nóng bỏng. Đây cũng là bài toán khó không chỉ với các nhà quy hoạch.


Tạo dựng không gian xanh là mục tiêu lớn trong quy hoạch phát triển Thủ đô.  
Ảnh: Đàm Duy

Không gian xanh: Điểm nhấn của đô thị

Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, vành đai xanh, nêm xanh và hành lang xanh là những đặc trưng đô thị tương lai trên nền truyền thống của đất Kinh kỳ, Kẻ Chợ và Xứ Đoài. Một không gian xanh mềm mại được hình thành ngay trong đô thị trung tâm và trải rộng ra toàn bộ khu vực nông thôn với hệ thống công viên kết nối liên hoàn cùng hệ thống cây xanh và sông, hồ sẽ đem đến cho Hà Nội một không gian mang đậm nét văn hóa truyền thống và phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Để tạo dựng một "lá phổi xanh" cho Hà Nội, các nhà quy hoạch đã xây dựng ý tưởng về một vành đai xanh đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và Thanh Trì với ý nghĩa xác lập không gian nhằm hạn chế và ngăn chặn sự lan tỏa, tự phát từ nội đô lịch sử, đồng thời tạo nên các không gian mở gắn với công viên cây xanh, mặt nước... Khu vực trung tâm có vành đai xanh sông Nhuệ là không gian đệm xanh, phân tách khu vực nội đô Hà Nội với khu vực phát triển mới phía nam sông Hồng. Ngoài vành đai xanh, Hà Nội còn có hành lang xanh chiếm 70% đất tự nhiên chạy dọc sông Đáy, sông Tích, vùng núi Ba Vì và Hương Tích, theo đường Vành đai 4, vượt qua sông Hồng kết nối với khu vực xanh quanh đền Sóc, phân tách và giới hạn ngưỡng phát triển của đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đây là một ý tưởng đẹp nhưng từ đồ án tương lai mong muốn tới hiện thực là hàng loạt vấn đề.

Hiện nay, khu vực phía nam Hà Nội là huyện Thanh Trì chỉ còn mảng xanh là khu đô thị mới Linh Đàm. Phần còn lại đã lấp đầy. Khu vực phía tây, dọc đường 32, đường Láng Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long)… các dự án đô thị cũng đã mọc lên san sát. Những mảng xanh còn lại nằm xen kẽ giữa đô thị mới, khu dân cư đang đứng trước nguy cơ bị xâm chiếm. Việc quản lý quy hoạch và xây dựng ở Hà Nội thời gian qua đã chứng tỏ sự thiếu khả thi trong việc tuân thủ quy hoạch chung. Bởi thực tế đã có không ít dự án được quy hoạch một cách "ngay ngắn" nhưng sau một vài lần điều chỉnh thì những khối nhà cao tầng đã chiếm chỗ vườn hoa, cây xanh…

Do vậy, việc xác định rõ vành đai xanh, hành lang xanh, trong các đồ án quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng bởi hệ thống chùm không gian xanh và mặt nước chỉ có thể phát huy tác dụng khi được gắn kết với nhau thành một hệ thống. Để bảo đảm một không gian xanh với vai trò " lá phổi" của đô thị, ngay từ việc triển khai quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết cần kiên quyết với những dự án không phù hợp quy hoạch chung, có thể di dời đi nơi khác hoặc chuyển đổi chức năng, mục tiêu đầu tư. Thậm chí, ngay cả các dự án phù hợp với quy hoạch cũng phải có luận chứng khoa học chứng minh lấy đất làm gì, giải quyết lao động, việc làm như thế nào, các khu chức năng ra sao?… Làm được điều này sẽ góp phần giảm tải cho trung tâm.

Di sản văn hóa: Cơ sở cho quy hoạch

Hà Nội đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm, bởi vậy trong tổ chức không gian quy hoạch, yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản phải là cơ sở, là nền tảng. Lịch sử đã để lại cho Hà Nội một khối tài sản vô giá với gần 2.000 di tích, hơn 500 di tích đã được xếp hạng trải đều trên khu vực trung tâm và một khu phố cổ mang đậm dấu ấn đô thị thời phong kiến. Bên cạnh đó là khu phố Pháp với quy hoạch và thiết kế đặc trưng, gắn kết hài hòa với thiên nhiên. Mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm gần 5.200 di tích , hơn 1.000 di tích xếp hạng quốc gia, gần 1.270 làng nghề truyền thống… Trong một không gian rộng tới 3.344km2, Thủ đô có thêm văn hóa "xứ Đoài", làng cổ Đường Lâm… là nền tảng để hình thành một đô thị hội nhập mà không "hòa tan".

Tuy nhiên, bảo tồn những giá trị truyền thống là vấn đề không đơn giản. Nếu xem khu vực 36 phố phường là một bảo tàng về lối sống đô thị thời phong kiến và Đường Lâm là một bảo tàng về lối sống nông thôn xưa (đặc trưng của phố Hà Nội và làng Hà Nội) có thể thấy hàng loạt vấn đề. Hai "bảo tàng" sống động ngay cả trong tâm thức này đang đứng trước những thách thức nghiệt ngã của tiến trình đô thị hóa và nếu tiếp tục phát triển như hiện nay, những di sản có một không hai này sẽ mất dần. Chưa kể tới những tác động không thể lường hết lên lối sống và bản sắc văn hóa Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay, các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi và đồng bộ cho " bài toán" bảo tồn.

Với khu vực 36 phố phường, vấn đề không chỉ là cái gì cần giữ, cần bảo tồn và bảo tồn như thế nào? Để giữ gìn phố cổ, theo các nhà quản lý và quy hoạch, việc đầu tiên và cũng khó nhất là giãn dân. Bởi nếu không thực hiện được việc này thì những dự án liên quan không thể trở thành hiện thực. Việc bảo tồn phố cổ đã được quận Hoàn Kiếm đề cập từ năm 1998 với rất nhiều giải pháp. Trong đó có việc giãn dân sang hai khu đô thị mới Việt Hưng và Ngọc Thụy nhưng không tìm được sự đồng thuận của cư dân nơi đây. Gần đây, dự án giãn dân khu vực 36 phố phường đã được khởi động lại nhưng vẫn là bài toán nan giải nếu chưa tìm được những cơ chế thích hợp cho từng đối tượng phải di dời. Một vấn đề nữa là Quy hoạch chi tiết khu phố cổ năm 1995 cũng như Điều lệ quản lý được thông qua năm 1999 đến nay đã bộc lộ rất nhiều bất cập, cần phải thay đổi.

Với làng cổ Đường Lâm, quy hoạch tổng thể là thứ đầu tiên cần có để mở lối cho việc bảo tồn các ngôi nhà cổ bởi đây là cơ sở pháp lý để khoanh vùng di tích trọng điểm, chấn chỉnh trật tự xây dựng đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân đất cổ. Người Đường Lâm chỉ có thể nghĩ đến bảo tồn và tham gia bảo tồn di sản khi chuyện cơm áo gạo tiền và chỗ "chui ra chui vào" không còn là nỗi lo thường trực. Ở thế kỷ XXI này, một gia đình mấy thế hệ không thể sống trong căn nhà của thế kỷ XVII, dù đó là tường gạch đá ong, khung cửa gỗ điển hình của người Việt vùng Bắc bộ… nhưng những người dân thuần nông lại không thể có tiền xây nhà mới trong khu tái định cư…

Với hai "bảo tàng sống" của Hà Nội đã có quá nhiều vấn đề. Có việc phải làm ngay, mang tính cấp thiết để triệt tiêu những yếu tố phá hoại di sản. Có những việc phải làm cho tương lai. Và chỉ riêng việc giãn dân làm cơ sở cho bảo tồn đã có hàng loạt vấn đề mà một ngành, một địa phương không đủ sức giải quyết.

Không gian xanh và các di sản văn hóa truyền thống là nét đặc trưng của Hà Nội đã được thể hiện trong Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Bảo tồn di sản và cảnh quan không chỉ làm cho thành phố trở nên thân thiện mà chính các yếu tố này sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để những ý tưởng đẹp của đồ án quy hoạch chung trở thành hiện thực, đòi hỏi một lượng công việc khổng lồ từ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đến việc thực hiện và quản lý quy hoạch… Nếu không có sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống và nỗ lực của từng cá nhân, tập thể trong phần việc cụ thể với trách nhiệm cao nhất vì Thủ đô thì những ý tưởng đẹp về một đô thị truyền thống và hiện đại chỉ nằm trên giấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giá trị không thể đánh mất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.