Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những giá trị cốt lõi của Châu Âu đang bị đe dọa

Thùy Dương| 19/01/2016 05:57

(HNM) - Mới đây, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã tuyên bố tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 quốc gia thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU.

Thủ tướng Áo Werner Faymann


Theo đó, Áo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và kiểm tra từng người nhập cảnh, tăng cường kiểm tra người di cư và trục xuất những người không có quyền tị nạn. Từ nay, bất kỳ ai muốn nhập cảnh vào Áo đều phải xuất trình thẻ căn cước hợp lệ tại các trạm kiểm soát biên giới. Điều này đi ngược với quy định của Hiệp ước Schengen, cho phép công dân có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối. Tuyên bố của Thủ tướng W.Faymann đưa ra giữa lúc mỗi ngày Đức phải trao trả hàng trăm người di cư xâm nhập vào nước này từ Áo. Trong khi đó, số người di cư bị đưa lại Áo đã tăng từ 60 người/ngày vào tháng 12-2015 lên 200 người/ngày kể từ đầu năm 2016.

Trước đó, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển đã có những biện pháp nhằm siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt. Trong khi đó Đức phải gánh chịu số lượng kỷ lục những người di cư đã cảnh báo rằng khu vực đi lại tự do Schengen "đang bị đe dọa". Dễ dàng nhận thấy, một năm kiểm soát nạn nhập cư và khủng bố đã đe dọa nghiêm trọng một Châu Âu không biên giới, nơi người Châu Âu có thể đi từ phía Nam Tây Ban Nha đến phía Bắc Na Uy mà không cần phải xuất trình hộ chiếu. Sự tự do đi lại giữa 26 quốc gia thuộc khối Schengen vốn được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker gọi là "biểu tượng độc nhất về sự hội nhập của Châu Âu" đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Các vụ tấn công ở Paris đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện. Khi các nhà điều tra lần lại bước đi của những kẻ khủng bố và con đường vận chuyển vũ khí, họ nhận ra có nhiều liên kết trong nội khối Châu Âu và những điểm yếu của Schengen. Trước tình hình này, một số nước tham gia Hiệp ước Schengen, gồm Đức, Áo và Pháp, đã phải tái áp đặt việc kiểm soát biên giới hồi năm ngoái. Đặc biệt tại Đức, theo thông báo mới nhất từ cảnh sát nước này, số vụ tấn công, cướp và quấy rối phụ nữ trong đêm giao thừa vừa qua tại thành phố Cologne đã tăng lên 516 trường hợp. Nhiều kẻ tình nghi liên quan đến loạt vụ việc có nhiều người xin tị nạn và người di cư bất hợp pháp. Sự việc khiến dư luận xã hội Đức và Châu Âu dậy sóng.

Năm 2015, Lục địa già chao đảo trước làn sóng người nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi. Khi các nền kinh tế còn chưa phục hồi sau khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn nạn người nhập cư đúng là "họa vô đơn chí", tạo thêm gánh nặng cho Châu Âu không chỉ về kinh tế, mà còn về các vấn đề an ninh, xã hội. Dòng người di cư tràn qua biên giới các quốc gia cửa ngõ đã khiến Châu Âu "rối như canh hẹ". Nhiều nước đã thực thi các biện pháp mạnh để ngăn dòng người di cư tràn vào bằng cả đường thủy và đường bộ như đóng cửa biên giới, dựng hàng rào để ngăn dòng người tị nạn. Các cuộc họp bất thường của EU liên tục được tổ chức nhưng vẫn không thể đạt được đồng thuận để giải quyết vấn đề.

Thế nên, việc Áo tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen cho thấy dự án hội nhập 20 năm tuổi bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ "dòng thác" hơn 1 triệu người di cư đổ vào EU. Quan trọng hơn, nó sẽ đặt ra một tiền lệ cho những quốc gia tiếp theo trong liên minh có động thái tương tự nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư chưa có hồi kết. Và như vậy, cuộc khủng hoảng di cư đang chạm tới những giá trị cốt lõi của Châu Âu là "tự do, bình đẳng và bác ái", đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước Schengen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giá trị cốt lõi của Châu Âu đang bị đe dọa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.