Ngày cuối năm, đa số sinh viên háo hức khăn gói lên đường về nhà, thì không ít bạn trẻ lại chọn cách ở lỳ Hà Nội vì chán Tết hoặc để được
Một số sinh viên tìm cách "trốn" tết để ở lại thành phố chơi. Ảnh chỉ có tính minh họa |
Ngày cuối năm, đa số sinh viên háo hức khăn gói lên đường về nhà, thì không ít bạn trẻ lại chọn cách ở lỳ Hà Nội vì chán Tết hoặc để được "nhàn thân".
Trong xóm trọ có 10 phòng ở khu An Đào (gần trường ĐH Nông Nghiệp I), các nam sinh viên giao tiếp với nhau chủ yếu bằng những ngôn từ đậm chất bạo lực. “Bắn đi”, “gà thế chú!”, “đi chậm thôi, ngu thế’’. Những trận Đế chế thâu đêm dù đến Tết nhưng vẫn không bớt phần hấp dẫn.
Được nghỉ học rồi nhưng Sơn và Duy vẫn chăm chỉ ngồi bên máy tính. Sơn bảo: “Cả hai đứa em đều ở Hà Tĩnh, bây giờ bon chen về được mấy ngày lại ra luôn thì mệt lắm”. Song, đó chưa phải là lý do thật mà các cậu đưa ra. “Về quê em không có máy tính, có thì mạng không ổn định, ở đây chơi điện tử cho vui lại nhàn”, Duy bảo.
Để đối phó với thắc mắc của bố mẹ sao con không về, cậu sinh viên năm 2 Đại học Nông nghiệp thừa nhận đã nói dối là ốm, đi xe mệt, "bố mẹ bảo vậy thì thôi không về cũng được. Sau tết bố mẹ ra”. Vừa trốn được Tết ở nhà, mà vẫn nhận được tiền gửi tẩm bổ của bố mẹ, Duy và cậu bạn tha hồ "cày" game “Đế chế’, “Gunny”, “Halflife”....
Giống như Duy, không ít sinh viên nam các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội cũng không về quê vì chê "Tết chán, chả có gì”. Họ thà ở lại trên thành phố với máy tính còn vui hơn.
Sinh (vừa tốt nghiệp đại học Luật) vẫn về quê, nhưng không chịu về sớm mà nhất định phải là ngày 30 âm. Bạn bè rủ về Sinh đều bảo: “Điên à, về làm gì sớm, phải làm bao nhiêu việc ở nhà, ở đây chơi rồi 30 về, đi xe không phải chen”. Trong khi ở quê Thái Bình của Sinh, bố mẹ cậu đang sửa lại nhà cửa, làm thêm một phòng vệ sinh, lát nền nhà, thay sân gạch…, thì cậu con trai cố thủ ở thành phố. Sinh bảo ở đây vài ngày nữa "vừa được ngủ nướng thoải mái, vừa không bị bố mẹ gọi dậy bê cái nọ, bê cái kia. Thế là nhàn rồi!". Cậu cũng hào hứng khi nói về lợi thế của cái sự muộn giả tạo của mình. “Nhà có mỗi tớ là con trai, về muộn mẹ lại quý và chiều hơn”.
Vừa tốt nghiệp Đại Học Thương Mại, Bình ( 24 tuổi, Cầu giấy) cũng không về quê dịp tết này. Có cô người yêu nhà ở Hà Nội nên năm nay anh tình nguyện ở lại để đưa nàng đi chơi. “Mùng 2 tết là bắt đầu có xe khách chạy rồi, lúc đó về quê vẫn kịp đi thăm họ hàng, về sớm cũng chả được việc gì, cúng cáp thì mẹ làm hết rồi”, Bình tâm sự. Vả lại ở lại Hà Nội những ngày này, anh sẽ cố đi làm để kiếm tiền tiêu thêm, thực hiện lời "thách đố" của bạn gái.
Nhận xét về những trường hợp như vậy, anh Thanh (34 tuổi, nhân viên văn phòng ở Đội Cấn, Hà Nội), quê gốc ở Nam Định, nói: "Trước mình ở độ tuổi như các bạn trẻ này, cũng thích bay nhảy, đôi khi chán về quê vì buồn tẻ, cũng có ý nghĩ bố mẹ đã lo hết cho mình. Song giờ nhiều tuổi hơn, có gia đình, thấu hiểu cảm giác quây quần ấm cúng dịp tất niên nên thấy coi trọng cái Tết hơn nhiều. Bạn trẻ nào có suy nghĩ để mặc gia đình trong dịp Tết nên nghĩ lại, bởi đây không chỉ là dịp đoàn tụ mà còn là dịp báo hiếu với cha mẹ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.