(HNM) - Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen vừa có chuyến thăm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nhằm khởi động những kế hoạch đẩy mạnh các dự án phát triển thiết thực tại Việt Nam trong năm 2019.
Nhìn lại hơn 4 thập kỷ qua, kể từ khi hai nước ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật vào năm 1975, Chính phủ Bỉ đã triển khai nhiều dự án tái thiết và phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Đặc biệt, kể từ sau năm 1990, mối quan hệ hợp tác song phương được tăng cường nhanh chóng, thể hiện qua việc chuyển từ chương trình tập trung vào cơ sở hạ tầng sang chương trình phát triển xã hội và giảm nghèo. Cùng với chính sách đổi mới và mở cửa của Việt Nam, Bỉ đã ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực giáo dục, y tế cộng đồng, nước, vệ sinh để khắc phục những mặt trái có thể xuất hiện trong quá trình cải cách kinh tế.
Đại sứ Bỉ tại Việt Nam P.Jansen thăm công trình kè sông Lũy ngày khánh thành. |
Từ năm 2001 tới nay, các chương trình hợp tác chủ yếu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh xóa đói giảm nghèo, hai bên tập trung đối phó với các thách thức mới như biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh...
Trong đó, Bình Thuận và Ninh Thuận là hai tỉnh được cơ quan Hợp tác phát triển Bỉ lựa chọn để hỗ trợ trong những lĩnh vực như vậy. Một trong những dự án đáng chú ý đang được triển khai giai đoạn cuối ở hai tỉnh này là “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu".
Những năm gần đây, Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương của Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu với những hiện tượng như thay đổi lượng mưa, lũ lụt, khô hạn nghiêm trọng và quá trình sa mạc hóa gia tăng.
Để góp phần khắc phục thực trạng trên, mục tiêu của dự án là lập chiến lược tổng thể, nâng cao nhận thức ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên mô hình hóa thủy lực, quy hoạch bền vững... Sau 5 năm triển khai, những kết quả ban đầu đã được ghi nhận, trong đó có thể kể đến công trình kè chống xói lở bờ sông Lũy tại huyện Bắc Bình (Bình Thuận) vừa được khai trương cách đây ít ngày.
Được khởi công xây dựng vào tháng 11-2017, với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng do Chính phủ Bỉ tài trợ, kè sông Lũy có tổng chiều dài 580m. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp chống xói lở bờ sông, bảo vệ nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đất sản xuất ven sông Lũy tại thị trấn Chợ Lầu và xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.
Đồng thời, các đường giao thông dọc theo tuyến kè sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và nông sản của người dân, góp phần cải tạo môi trường, cải thiện điều kiện sống cho dân cư trong vùng.
Theo Đại sứ Bỉ Paul Jansen, kè sông Lũy sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 1.000 người dân địa phương qua việc giảm xói lở bờ sông, bảo vệ nhà cửa và mùa màng, cải thiện giao thông nông thôn dọc theo bờ sông và môi trường xung quanh.
Ngoài ra, 2.000 người dân sinh sống trên địa bàn xã Phan Thanh và thị trấn Chợ Lầu cũng được hưởng lợi gián tiếp. Tương tự như kè sông Lũy, công trình kênh thoát lũ Cầu Ngòi chuẩn bị được khởi công tại Ninh Thuận cũng sẽ giúp người dân giảm được thiệt hại do thiên tai.
Đại sứ Paul Jansen tin tưởng rằng, sự cộng tác chặt chẽ và hiệu quả của chính quyền các cấp ở Bình Thuận và Ninh Thuận cũng như ở các địa phương khác của Việt Nam, các dự án do Bỉ hỗ trợ sẽ mang lại những thay đổi tích cực và thúc đẩy quá trình phát triển của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.