(HNM) - Tồn đọng cũ chưa giải quyết dứt điểm thì lại xuất hiện những vi phạm mới khiến cho các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này đến giờ vẫn loay hoay, chưa tìm thấy biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề.
Nhức nhối vi phạm
Thị sát dọc tuyến sông Nhuệ cùng Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Trần Thị Tuyết Hạnh mới cảm nhận được nỗi trăn trở của những người trong cuộc. Gắn bó với công việc này vài chục năm, nằm lòng từng dòng chảy, đoạn nông - sâu, bà Hạnh cho biết, với chiều dài 72km, khi xưa sông Nhuệ sôi động lắm. Tàu buôn từ Hà Nam ngược lên bán mắm muối, vật dụng thiết yếu rồi mua lại vải vóc, quần áo của dân khiến khúc sông luôn tấp nập. Giờ thì cảnh "trên bến dưới thuyền" không còn. Mỗi khi mùa khô đến, đất bồi lắng, dân lấn chiếm khiến nhiều đoạn sông như những dòng kênh đen, đặc sánh, bốc mùi hôi thối. Ngay tại địa phận tiếp giáp với quận Hà Đông đến hết địa phận xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng công trình lấn chiếm, đổ phế thải... tràn lan. Đoạn từ cầu Đen ngược lên phố Thanh Bình (quận Hà Đông), tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa "bức tử" lòng sông khá nhiều…
Nhiều hộ dân “nhảy dù” lấn chiếm lòng sông Nhuệ tại xã Mễ Trì, Từ Liêm. |
Bà Hạnh tâm sự: "Là người trong nghề, nhìn dòng sông đang bị "bức tử" từng ngày, đau lắm chứ! Nhưng cũng lực bất tòng tâm, bởi vai trò của công ty chỉ là phát hiện vi phạm, thông báo và phối hợp với chính quyền sở tại để lập biên bản, kịp thời ngăn chặn ngay khi phát sinh. Quyền cưỡng chế, giải tỏa vi phạm là ở chính quyền cơ sở. Thế nhưng hầu hết chính quyền các xã, phường nơi dòng chảy đi qua đều buông lỏng quản lý, không xử lý triệt để ngay từ đầu nên vi phạm cứ ngày một nhiều".
Điều đáng bàn là trong số gần 15 nghìn vụ vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội, số vụ giải tỏa mới chỉ dừng lại ở mức hơn 1.500 vụ (chiếm hơn 10%), tập trung phần lớn ở các huyện Phú Xuyên, Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa. Việc xử lý chỉ dừng ở các vi phạm trồng cây trên bờ, mái kênh, hành lang công trình thủy lợi... làm cản trở dòng chảy. Trong khi đó, với những nhà cấp bốn, kiên cố xây dựng trái phép, việc xử lý rất khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Lê Xuân Uyên cho biết, vi phạm phần lớn nằm ở trục sông Nhuệ (chiếm 2/3 số vụ vi phạm). Đáng nói là tính chất vi phạm ngày càng phức tạp. Nếu như trước thường là lấn chiếm, đổ đất, trồng cây thì nay nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng nhà cấp bốn, thậm chí xây cả nhà kiên cố trên hệ thống công trình thủy lợi. Nhưng, như ông Uyên giãi bày, việc giải quyết không hề đơn giản, do những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Hậu quả là sông Nhuệ nói riêng và hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố nói chung đang ngày càng bị thu hẹp, không chỉ gây khó khăn cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.
Nói về nguyên nhân, ông Uyên cho biết, kinh phí cấp cho các đơn vị quản lý công trình thủy lợi là nhằm nạo vét, duy tu lòng sông, kênh vào bể chứa, sửa chữa khơi thông dòng chảy chứ không có việc cấp cho chi phí giải tỏa các hộ lấn chiếm. Thế nhưng, một số chính quyền địa phương, khi đơn vị quản lý thông báo các vụ vi phạm, yêu cầu cưỡng chế, có xã còn vin lý do "Ai sẽ trả kinh phí cho việc giải tỏa này?". Vì vậy, vi phạm ngang nhiên diễn ra mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý. Theo ông Uyên, một số hộ lấn chiếm có cả "quy trình bài bản". Từ đổ đất, trồng cây, làm lều lán tạm bợ, dần dần từng bước cải tạo, xây dựng thành nhà cấp bốn, nhà kiên cố và khi cơ sự đã đến mức này thì rất khó giải tỏa. Thậm chí, có trường hợp, người vi phạm còn ngang ngược kiện cả đơn vị quản lý công trình thủy lợi khi tiến hành nạo vét lòng sông, kênh đã làm sụt lún nhà của họ.
Cũng theo ông Uyên, có không ít trường hợp xâm phạm là do cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho dự án đã chồng lấn lên phạm vi công trình thủy lợi. Cụ thể như tại đoạn kênh Thường Lệ thuộc huyện Mê Linh, dự án khu vui chơi nghỉ dưỡng đã xây dựng kè lấn mái đê dài tới 180m, làm cầu, xây trụ cầu qua kênh không xin phép đã tác động, ảnh hưởng đến lưu lượng của dòng chảy.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Minh Giảng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm cho biết, một nguyên nhân nữa dẫn đến việc xử lý vi phạm công trình thủy lợi trở nên khó khăn là do "lịch sử để lại". Cụ thể là có không ít vụ việc vi phạm đã diễn ra từ trước năm 2001 (trước khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi). Với những vụ vi phạm mới, chính quyền xã cũng đã xử lý nhưng những hộ lấn chiếm vẫn cố tình vi phạm. Họ làm ngày làm đêm, lén lút dựng lều lán trong phạm vi công trình thủy lợi.
Giải pháp quản lý: Chưa đủ!
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 37/2013/ QĐ-UBND, về việc ban hành Quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố. Trong quyết định đã chỉ rõ trách nhiệm của từng ban, ngành, chính quyền, đoàn thể trong việc quản lý và khai thác công trình thủy lợi. Cụ thể, đối với đất ở, công trình kiến trúc không được cấp phép nằm trong phạm vi vùng bảo vệ công trình thủy lợi, phải xem xét, tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời có biện pháp xử lý vi phạm kiên quyết đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm công trình thủy lợi; ký cam kết với các hộ dân sống lâu trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi để lập hồ sơ quản lý và giám sát chặt chẽ.
Thành phố chỉ đạo là vậy, thế nhưng đến nay việc triển khai vẫn rất hạn chế. Để đẩy nhanh việc thực thi quyết định của thành phố và tiến hành giải tỏa các vụ vi phạm, Chi cục Thủy lợi Hà Nội cũng nêu kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi gồm các phòng, ban chuyên môn của quận, huyện, các lực lượng chức năng và công ty thủy lợi. Trước mắt, giải tỏa các vụ vi phạm phát sinh từ năm 2011 đến nay và các vụ vi phạm trực tiếp cản trở dòng chảy, giải tỏa các vụ vi phạm trong lòng kênh, sông, sau đó giải tỏa vi phạm trên mái, mặt đê (bờ kênh), từng bước giải tỏa dần các vụ tồn đọng. Kiên quyết ngăn chặn không để tái vi phạm sau giải tỏa và chấm dứt vi phạm mới phát sinh...
Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên khẳng định, trong năm 2014, việc xử lý các vi phạm sẽ được tiến hành quyết liệt. "Chúng tôi sẽ phân rõ trách nhiệm của các bên đến đâu, khó ở đâu để đề xuất, kiến nghị tháo gỡ. Với những vi phạm, chi cục sẽ khoanh vùng theo từng năm và phân loại rõ vi phạm ở mức độ nào, đồng thời, trong năm tới sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, tiến hành xử lý những vụ nóng làm điểm để xử lý dứt điểm" - ông Liên khẳng định.
Sự mạnh tay, kiên quyết của cơ quan quản lý xem ra là những giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, làm được hay không lại là một vấn đề khác. Rõ ràng, chỉ có cơ quan quản lý thôi thì chưa đủ, mà phải có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, ngành, nhất là sự kiên quyết từ chính quyền cơ sở mới hy vọng giải quyết dứt điểm được tình trạng xâm phạm các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố hiện nay.
Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 10-2013, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra gần 15 nghìn vụ vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Cụ thể, thống kê của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết còn tồn tại 7.810 vụ, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy 3.814 vụ, Công ty Thủy lợi sông Tích 1.087 vụ, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội 541 vụ, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh 56 vụ... Riêng trong tháng 10-2013, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 43 vụ vi phạm, mới chỉ giải tỏa được 9 trường hợp. Các đơn vị để xảy ra nhiều vụ vi phạm công trình thủy lợi nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ với 18 vụ, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy 12 vụ, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích xảy ra 13 vụ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.