Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điều còn mãi

Nhóm PV Hànộimới| 24/10/2011 06:18

(HNM) - Liên tiếp ba năm qua, cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới vinh dự tham gia những đợt tuyên truyền lớn. Năm 2009 là tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Sang năm 2010 là đợt tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và năm 2011 này là một chương trình tuyên truyền sự kiện đặc biệt nữa - kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta.

Mỗi chuyến đi một vẻ, giàu cảm xúc, nặng ân tình và với những cán bộ, phóng viên được tham gia hành trình tìm kiếm thông tin dài ngày ấy, sau những ngày tháng miệt mài không thiếu vất vả là niềm vui, sự tự hào với những kỷ niệm đầy ý nghĩa còn mãi trong tâm trí mỗi người.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 cùng vợ chồng Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, Anh hùng LLVTND, Thuyền trưởng tàu “không số” trao đổi với nhóm PVHNM.

Đầu tháng bảy, trước ngày lên đường, nhóm phóng viên được Ban Biên tập Báo Hànộimới giao nhiệm vụ tìm nhân chứng đoàn tàu "không số" để thực hiện loạt bài tuyên truyền kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, họp lại. Kế hoạch tuyên truyền được gửi tới các thành viên, xin ý kiến tập thể về "quy hoạch" tin bài. Đại thể là phải đưa được hai vấn đề chủ đạo: Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của những chiến sĩ Đoàn 125 ra đi với niềm tin tất thắng, không quản hy sinh; Bến cảng lòng dân dọc bờ biển Nam Trung bộ, Nam bộ, nơi cách nay gần nửa thế kỷ có biết bao tấm gương quên mình vì nhiệm vụ đón tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Tàu và bến bãi như môi với răng, bến có yên thì tàu mới có chỗ cập bờ an toàn, không nhiệm vụ nào là bé mọn.

Rồi là báo cáo Ban Biên tập thông qua kế hoạch tuyên truyền, phân tổ nhóm, địa bàn, ấn định thời gian xuất phát, đầu mối liên lạc ở nơi đến… Kinh phí được giao, nhiệm vụ đã rõ, quan điểm là xong nhiệm vụ mới về, có gì phát sinh so với kế hoạch tuyên truyền đã được duyệt thì trao đổi với lãnh đạo Ban Phóng sự - Điều tra, nơi giữ quyền điều chỉnh hay không, "to" lắm, chỉ sau Ban Biên tập báo và Thư ký tòa soạn trong việc chỉ đạo chiến dịch tuyên truyền.

Nhóm PVHNM nhờ một đồng bào dân tộc bấm máy tại cửa đường hầm A Roàng trên đỉnh Trường Sơn.

Vài ngày sau, hai nhóm đầu xuất phát, cách nhau 3-4 ngày. Một nhóm gồm Trần Chiến và Xuân Trường trực chỉ Nam Trung bộ, "vét" từ Quảng Nam vào đến Tuy Hòa với điểm nhấn là Vũng Rô, bệnh xá Đức Phổ, kèm nhiệm vụ tìm hiểu ban đầu về kinh tế biển, hình thành ý tưởng về một đề tài mới. Đất từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng giao lại cho nhóm hai tìm hiểu, gồm Ngọc Thanh, Dương Hiệp, Huy Anh, trọng tâm là tìm kiếm những gì còn lại của "Tập đoàn Đánh cá sông Gianh", tuyến cán bộ, chiến sĩ người Bắc đầu tiên được tuyển lên tàu "không số", gặp nơi sống tốt nhờ biển thì thu thập tư liệu cho đề tài sau này. Phương tiện của cả đoàn có một chiếc xe, Trần Chiến, Xuân Trường chọn cách bay vào Nha Trang rồi leo xe ôm, nhảy xe khách, nhường ô tô lại cho nhóm hai di chuyển, ra chiều "lính cũ" nhiều kinh nghiệm, tự lo được.

Khoảng cuối tháng bảy thì nhóm Ngọc Tiến, Nguyên An vào thay, địa bàn được giao là Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh, triển khai tiếp những gì liên quan ở TP Cần Thơ, nơi có những tên tuổi gắn liền với lịch sử Đoàn 962 phụ trách bến bãi như Đại tá Khưu Ngọc Bảy, chuyện tình như mơ của cặp vợ chồng anh Thắng - chị Thùy, người trên bến, người dưới tàu "không số" suốt bao năm.

Chuyến đi cuối từ đầu tháng tám. Ngọc Thanh, Huy Anh vào trước, đón xe đi suốt Bà Rịa, Vũng Tàu cùng với tác giả cuốn "Ký ức tàu không số" - nữ nhà văn Mã Thiện Đồng để tìm những nhân chứng tham gia chuyến vượt biển ra Bắc xin vũ khí của nhóm chiến sĩ Bà Rịa. Rồi Nguyễn Triều, Lê Hoàng Anh, Đoàn Anh Tuấn tiếp quản phần việc ở miền Tây Nam bộ, không có gì khác hơn là tìm hiểu về Đoàn 962 xứng đáng được gọi tên anh hùng bởi những chiến công thầm lặng bảo vệ bến bãi cho tàu "không số".

PVHNM viếng mộ những người hy sinh để mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre. 

Ít dòng nói lại, thực tế phải mất hơn tháng trời chúng tôi mới tạm hài lòng về những gì thu nhận được.

Đi một ngày đàng…

Những người tham gia chuyến đi này hầu hết đã có mặt trong hai đợt tuyên truyền dài ngày năm 2009, 2010, ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm.

Hai nhóm đầu mới qua ba ngày ở Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang đã phát hiện những điều đáng quan tâm ngoài kế hoạch. Từ miền trong, Trần Chiến điện ra: "Nghe trong này kể chuyện nhiều anh em tàu "không số" không may mắn, một số giờ khá vất vả. Ngoài ấy nhớ tìm hiểu xem thế nào. Vào Đà Nẵng thì tìm anh Vũ Tấn Ích, hỏi xem sao". Đến tối hôm sau, Xuân Trường "đốt" điện thoại: "Em đã qua vài nơi trong này, càng thấy kinh tế biển không chỉ là chuyện đánh bắt, ngư dân bám biển thế nào. Nó còn là chính sách trợ giúp họ. Dầu mỡ ra sao, hướng dẫn thông tin về ngư trường mới thế nào. Cái chính là tư duy văn hóa biển anh ạ, chứ không chỉ là quan niệm cộng sinh, giúp nhau lúc hoạn nạn đã là đủ. Rồi còn quy hoạch đô thị ven biển nữa. Ngoài ấy vào Huế, Đà Nẵng nhớ xem thế nào".

Qua Nghệ An, Quảng Bình, nhóm hai điện thoại xin ý kiến của Nguyễn Triều, Đoàn Anh Tuấn. Vào Đồng Hới rồi nhưng đề nghị một ngày quay ra Nam đèo Ngang, vào xã Cảnh Dương tìm nhân chứng mới xuất hiện, tiện thể tìm ý tứ có thể giúp bồi đắp nên phóng sự về làng biển. Lúc gặp "ông chủ" cảng cá Cảnh Dương, lại được nghe chuyện của hai thuyền trưởng đang ấp ủ dự định theo đuổi ngư trường mới ở gần Trường Sa, mới rõ hơn điều Xuân Trường trao đổi tối hôm trước, rằng kinh tế biển hay bám biển đâu chỉ là giúp những đoàn tàu cá nổi trên đại dương, giúp ngư dân bảo đảm những chuyến đi về đều đặn. Chủ trương lớn cần những dự định dài hơi, tạo tác điều kiện cơ bản cho vùng ven biển phát triển bền vững…Tối muộn hôm ấy Dương Hiệp lái xe tiếp tục tìm nhân chứng tàu "không số", Huy Anh ra bến xem phụ nữ làng biển đón chồng con trở về sau một chuyến xa bờ. Tống Ngọc Thanh được nghỉ, lấy lại sức sau hành trình dài qua Hồng Lĩnh, Can Lộc, Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh.

Nhóm đi miền Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ được việc nhưng vất vả. Sốt rét vật Ngọc Tiến phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy, có lẽ chỉ một hai ngày sau khi tìm được những nhân chứng "xịn" ở TP Hồ Chí Minh, bỏ lại Nguyên An một mình một xe vào Cần Thơ tìm gặp cặp vợ chồng CCB Thắng - Thùy.

Nhóm cuối đi miền Tây Nam bộ có lẽ may mắn nhất, dù Nguyễn Triều không được khỏe, chủ yếu hướng dẫn anh em ít tuổi nghề hơn nên tập trung vào những vấn đề gì, dù có nhiều ngày liên tục trên đường, ăn nghỉ quấy quá, xong việc là lại lên đường.

Bởi chẳng gì cũng được tới Đất Mũi Cà Mau thăm viếng người anh hùng tàu "không số" Bông Văn Dĩa, nghe chuyện đón tàu ở Thạnh Phú - Bến Tre… Lê Hoàng Anh và Đoàn Anh Tuấn tham việc, hết xuống xã lại ra biển tìm bến cũ, một ngày đường lắm khi qua bốn năm tỉnh liền.

Các cựu chiến binh cụm bến Trà Vinh cung cấp tư liệu cho PVHNM.

Sau này, khi về lại Thủ đô, nhiều người nhận ra chuyến đi cho nhiều điều bổ ích hơn họ tưởng. Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ có những thuyền trưởng, chính trị viên, mà còn những anh hùng vô danh khác, những thợ máy, lái tàu, báo vụ… đến nay chưa được nhắc tới. Cuộc chiến khốc liệt không chỉ có những chuyến tàu cặp bến an toàn, còn những người đã hy sinh, những người dũng cảm nhưng không may mắn, giờ còn sống nhưng có thể đã mất rất nhiều.

Nghĩ về họ, lại thấy mình phải sống tốt hơn

Ngày về lại Hà Nội, lúc qua đỉnh A Roàng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, khi đợi phà qua sông lớn gần bến Hàm Luông, hay đơn giản là phút dừng chân giữa đường, chuyện tìm nhân chứng tàu "không số" thường trở về trong tâm trí nhóm phóng viên Hànộimới.

Giờ vẫn nhớ những giờ phút đối diện với CCB tàu "không số" Nguyễn Văn Vinh ở Mỹ Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Căn nhà nhỏ giữa vùng cát trắng, ba con người nương nhau vượt qua gánh nặng nợ nần từ một món vay nhỏ để sửa nhà. Muốn giúp họ một chút gọi là, chẳng thấm tháp gì, mà lại không dám ngỏ lời trước sự kiêu hãnh của gia đình người CCB.

Giờ vẫn nhớ hình ảnh người vợ Đại úy Phạm Quốc Hồng ở Cảnh Dương - Quảng Bình, lưng còng, tóc bạc trắng sau những năm tháng bồng con đi xin ăn giữa lúc chồng biền biệt cùng tàu "không số". Vẫn nhớ hình ảnh má Mười Rìu, người sinh ra CCB Lê Hà từng có mặt trên chiếc thuyền từ Bà Rịa ra Bắc xin vũ khí năm nào, cũng là người chẳng chút đôi hồi khi bỏ ra chục cây vàng sắm thuyền cho các con vượt biển tìm về miền Bắc. Nhớ người CCB vóc người nhỏ thó ở Cẩm Xuyên, vào sinh ra tử là thế mà giờ không thoát khỏi cảnh đi ở nhờ. Nhớ câu nói của CCB Nguyễn Đình Sin ở Nghệ An, rằng anh em chẳng muốn gì cao xa, chỉ mong một tấm giấy ưu tiên khám bệnh lúc trái gió trở trời, mong những người còn quá khổ được xã hội nhớ đến…

Giữa đời thường sống dậy miền ký ức như mới hôm qua, bên những anh hùng một thời xả thân vì Tổ quốc nay thiếu may mắn giữa đời thường. Chợt thấy mình có nghĩa vụ phải sống tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều còn mãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.