Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điều cần nhớ trước giờ “G”

Bài, ảnh: Thống Nhất| 31/05/2018 06:44

(HNM) - Một tuần nữa, gần 95.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018-2019. Đây là kỳ thi có tính cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi học sinh phải thận trọng trong mọi khâu.

Thí sinh cần lắng nghe giám thị phổ biến quy chế trước khi làm bài thi để tránh mắc sai sót.


Tập trung rà soát các điều kiện tổ chức thi

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 7-6. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, cách đây ít ngày, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh TP Hà Nội do đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo đã họp với các thành viên để rà soát lại từng phần việc. Các vấn đề về bảo đảm cơ sở vật chất, an ninh, an toàn cho kỳ thi được đặc biệt quan tâm.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, 185 điểm thi với gần 4.000 phòng thi đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết đã được “chốt” để phục vụ kỳ thi. Từ nay tới sát ngày thi, các đoàn kiểm tra sẽ liên tục đi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điều kiện tổ chức thi tại từng điểm thi, phòng thi, bảo đảm không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào. Các điểm thi nằm ở khu vực đông dân cư, gần đường giao thông; các phòng thi có cửa sổ sát nhà dân hoặc gần đường, sát ruộng... được đặc biệt lưu tâm trong quá trình kiểm tra.

Trước đó, khi có thông tin từ công an thành phố về việc phát hiện một số đối tượng tàng trữ, mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ cho hành vi gian lận trong kỳ thi, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát các đối tượng nghi vấn trong phạm vi quản lý.

Các điểm photocopy xung quanh khu vực thi bị kiểm soát chặt chẽ và sẽ bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian diễn ra kỳ thi. Lực lượng công an phục vụ phân luồng, giữ gìn trật tự an toàn giao thông sẽ có mặt tại nơi thực hiện nhiệm vụ ít nhất 1 giờ trước khi thực thi nhiệm vụ, bảo đảm giao thông cho những trục đường dẫn đến các điểm thi thông suốt.

Việc lựa chọn giáo viên làm công tác coi thi được đặc biệt quan tâm trong kỳ thi này. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điều động hơn 8.300 giáo viên đáp ứng đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chuyên môn làm nhiệm vụ coi thi.

“Nhằm tăng tính nghiêm túc, giảm nguy cơ phát sinh các hành vi tiêu cực, năm nay Hà Nội tiếp tục duy trì việc đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn. Trong tổng số giáo viên được điều động làm nhiệm vụ coi thi, 50% số người là giáo viên cấp THCS không dạy ngữ văn, toán lớp 9 năm học 2017-2018, số còn lại là giáo viên cấp THPT không dạy ngữ văn, toán. Ngoài cán bộ coi thi, tại các điểm thi còn có đội ngũ giám sát thi, trật tự viên, công an, nhân viên y tế... với tổng số khoảng 1.000 người” - ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh.

Một số điều thí sinh cần lưu ý: Nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi; khi nộp bài thi phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi; không làm được bài cũng phải nộp giấy thi, không phải nộp giấy nháp; có thể được ra khỏi phòng thi sau khi đã hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi, nhưng trước khi ra phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.


Cẩn trọng để tránh trượt oan

Tính cạnh tranh của kỳ thi năm nay được dự báo sẽ gay gắt hơn khi toàn thành phố có 94.964 học sinh đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu của các trường THPT công lập là 63.050. Một số trường THPT có tỷ lệ thí sinh đăng ký/chỉ tiêu ở mức cao như Nguyễn Gia Thiều 1,6/1; Việt Đức 1,8/1; Trần Phú - Hoàn Kiếm 1,84/1; Yên Hòa 2,5/1; Sơn Tây 2,66/1; Cầu Giấy 2,7/1; Chu Văn An 2,75/1...

Bà Nguyễn Thị Lê Nga (phụ huynh học sinh Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Với tỷ lệ "chọi" cao như vậy, ngoài việc ôn tập thật tốt, các con phải thuộc nội quy thí sinh để tuân thủ đúng, cố gắng đến mức tối đa để không bị phạm quy. Các bố mẹ cần quan tâm nhắc nhở con, bởi chỉ cần một sơ suất hoặc lơ đễnh, các con dễ có nguy cơ trượt oan vì những điều tưởng chừng rất nhỏ".

Đề cập đến điều này, ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) xác nhận: "Chỉ riêng quy định không được mang điện thoại vào phòng thi cũng đã có không ít trường hợp mắc lỗi rất đáng tiếc, dù được thầy, cô giáo nhắc nhở kỹ. Có em đã làm xong bài, chỉ còn vài phút nữa là hết giờ, đúng lúc bố mẹ ở ngoài chờ sốt ruột nên gọi điện thoại hỏi thăm; có em đang giờ thi thì điện thoại kêu báo thức trong túi quần, lúc đó mới nhớ là chưa gửi điện thoại ngoài phòng thi..." Theo quy chế thi, chỉ cần mang điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện thì dù không sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ thi.

Theo ông Phạm Quốc Toản, chỉ còn một tuần nữa là tới ngày thi, đây là lúc học sinh cần rà duyệt lại danh mục những điều cần lưu ý, trong đó có nội quy thí sinh, danh mục các vật dụng không được phép mang vào phòng thi để tránh mắc sai sót. Tuy nhiên, cũng không nên quá căng thẳng, nếu gặp bất cứ sự cố nào trong quá trình dự thi, các em nên mạnh dạn báo cáo với cán bộ coi thi hoặc thành viên của hội đồng thi để được hỗ trợ kịp thời.

Ngày 30-5, các phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành việc in “Phiếu báo thi lớp 10 THPT năm học 2018-2019” và gửi về các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn để phát cho học sinh.

Học sinh lưu ý, khi nhận phiếu này phải kiểm tra tất cả các thông tin, nếu thấy sai sót phải báo cáo ngay cho giáo viên chủ nhiệm. Học sinh sẽ nhận lại “Phiếu báo thi lớp 10 THPT năm học 2018-2019” sau khi được đính chính, chỉnh sửa trước ngày 4-6-2018. Thí sinh tự do nhận “Phiếu báo thi lớp 10 THPT năm học 2018-2019” tại các phòng GD-ĐT, nếu phát hiện có sai sót thì phản hồi ngay với cán bộ phụ trách tuyển sinh của phòng GD-ĐT. Học sinh sử dụng “Phiếu báo thi lớp 10 THPT năm học 2018-2019” để tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội vào các ngày 7, 8 và 9-6-2018.


Minh Đức
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần nhớ trước giờ “G”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.