Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những dấu lặng buồn

Lâm Vũ| 04/04/2011 06:44

(HNM) - Theo thống kê, hằng năm có khoảng 800.000 người lao động từ các địa phương đến Hà Nội làm ăn, sinh sống, trong đó phụ nữ chiếm phần lớn. Họ thường làm việc tại các khu chợ đầu mối, bãi đỗ xe… mưu sinh bằng những công việc mang tính thời vụ, không cố định và thu nhập thấp.


Công việc nặng nhọc và cạnh tranh cao


Phần lớn phụ nữ di cư thường làm việc tại các khu chợ đầu mối, bãi đỗ xe...Ảnh: Đ.Duy

Học vấn thấp, trình độ chuyên môn, tay nghề không có, vốn liếng ít nên đa số lao động nông thôn ra thành phố chỉ có thể làm công việc chân tay như giúp việc gia đình, phụ bán hàng thuê, bốc vác hay bán hàng rong. Miêu tả công việc nặng nhọc của mình, chị Dương Thị Loan (Hưng Yên) làm "cửu vạn" ở chợ Long Biên cho biết: "Xô đẩy, tranh nhau là chuyện thường xuyên, nhất là vào ngày rằm và mồng một. Ô tô, xe máy, xe đẩy, gánh gồng chen chúc nhau, ai đi không vững, bị rơi hàng thì đền ốm. Nhiều hôm gánh hàng nặng quá, chân tôi khuỵu xuống, không bước nổi".

Lao động nặng nhọc nhưng mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Có quá đông người di cư làm cùng một loại việc nên xảy ra tình trạng thiếu việc. Ở các "chợ lao động" Phùng Khoang, Lạc Trung, Mai Động... dày đặc người đứng chờ việc và nhiều khi sự cạnh tranh thực sự khốc liệt. Vì miếng cơm manh áo, họ tranh cướp, chửi bới, thậm chí đánh nhau để giành việc. Bên cạnh đó, lao động di cư còn gặp phải vô vàn khó khăn xuất phát từ quan hệ xã hội, người thuê - kẻ làm, chủ - tớ, luật và lệ, môi trường sống... Chị Nguyễn Thị Lan (Hà Tây) kể, có lần chị đi chở cát thuê cho một chủ nhà ven sông Kim Ngưu. Người chủ nói sẽ trả công mỗi xe cát là ba chục nghìn, nhưng đến khi thanh toán, ông ta chỉ trả có hai chục nghìn. Chị uất ức nhưng vẫn phải nhận tiền vì "nếu không nhận thì mất, làm gì có ai bênh vực mình".

Lao động di cư thường xuyên bị miệt thị, chịu sự coi thường của cư dân địa phương. Những lúc đó, họ vẫn phải nén nhịn, cam chịu, tự an ủi rằng "một điều nhịn, chín điều lành", coi phận mình là "con sâu, cái kiến".

Đời sống vật chất và tinh thần đều nghèo


Không có tiền, phụ nữ di cư thường thuê những căn nhà tạm, lợp bằng vật liệu rẻ tiền và không có cả tiện nghi tối thiểu, nhất là giường chiếu. Nhiều nơi còn không có nước sạch và nhà vệ sinh. Có chỗ, hơn một trăm "công dân tạm trú" chia sẻ 2 hố vệ sinh dội nước và 1 nhà tắm công cộng ngoài trời. Để hạ thấp chi phí thuê nhà và cũng để dễ bề đối phó với những bất trắc xảy ra như ốm đau, mệt mỏi, lao động nữ thường thuê phòng theo từng nhóm cùng quê, họ hàng thân thích hay cùng nghề nghiệp. Gian nhà trọ rộng 10-15m2, nhưng có tới 20 người chen chúc là cảnh phổ biến ở các xóm trọ. Họ ngủ ngay trên nền nhà trên những manh chiếu mỏng, nằm san sát, nam lẫn nữ.

Đời sống tinh thần của phụ nữ di cư thua kém rất nhiều so với khi còn ở quê. Bởi, đơn giản là họ không có thời gian cho việc giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần. Sau một ngày lao động vất vả, họ về nhà trọ chỉ để vệ sinh cá nhân, chuyện trò với nhau rồi đi ngủ lấy sức cho ngày làm việc mới. Nỗi nhớ con, nhớ nhà thường xuyên hành hạ họ. Chị Lê Thị Mai (Thanh Hóa) cho biết: "Khổ tâm nhất là phải xa các con. Cháu út nhà tôi mới 3 tuổi. Dạo mới lên Hà Nội, nhớ các cháu quá, tôi toàn khóc thầm. Nhưng ý nghĩ phải chịu đựng để kiếm tiền nuôi con đã giúp tôi vượt qua". Kiếm được tiền đã khổ, nhưng mang tiền về nhà cũng khổ không kém. Nhiều người không nhận được sự thông cảm, còn bị chồng "chửi chó, mắng mèo".

Di cư là dòng chảy tất yếu của đời sống. Làn sóng di cư ngày càng mạnh do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đời sống người dân di cư, đặc biệt là phụ nữ rất khó khăn và thiếu thốn. Hiện đã có một số dự án giúp đỡ người lao động di cư ở Hà Nội. Tiêu biểu là dự án "Nhà sinh hoạt cộng đồng ngày mới" - được triển khai khá thành công tại phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm - bao gồm các khóa đào tạo về chủ đề luật pháp như Luật Cư trú, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; di cư an toàn, phòng chống ma túy, HIV/AIDS… Tham gia dự án này, người di cư được học tập, cấp bằng và làm việc như một nhân viên thực sự. Tuy nhiên, số dự án như thế còn quá ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những dấu lặng buồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.