Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những dấu hiệu bất thường

Thiện Mỹ| 21/03/2016 07:34

(HNM) - Tại cánh đồng Trung, thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự (Thường Tín), điểm giáp ranh với xã Đại Thắng (Phú Xuyên) những tháng đầu năm 2016 tấp nập như một công trường.

Khu nhà xưởng trên cánh đồng Trung, thôn Nguyên Hanh.


Hàng nghìn mét vuông đất ruộng đã bị san lấp và 2 nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông nghễu nghện mọc lên. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan những dấu hiệu bất thường ở đây…

Nhà xưởng rộng trên đất ruộng

Trong vai người đi tìm thuê đất dựng nhà xưởng, chúng tôi đã tiếp cận một trong những người có ruộng ở cánh đồng Trung, thôn Nguyên Hanh. Dẫn phóng viên (PV) đi qua hai nhà xưởng đang được cấp tập hoàn thiện, người phụ nữ tên C. khẳng định chắc nịch: "Tôi có hơn 1.600m2 ruộng. Cần thuê, tôi đứng ra đổ đất san nền, dựng xưởng cho. 16 này (ngày 16 tháng Hai âm lịch - PV) tôi mới san lấp ruộng, xã (UBND xã - PV) bảo 16 làm…".

Khu này sẽ có hai đường vào - ra riêng biệt, hệ thống đường và cống vẫn đang được làm. Để khẳng định thêm độ tin cậy, bà chủ đất đưa chúng tôi vào ngôi nhà 2 tầng khang trang, còn rất mới ở giáp khu đang dựng xưởng và giới thiệu: "Nhà của tôi, xây trên đất ruộng, chẳng giấy tờ gì, mỗi sàn 138m2, xây năm ngoái đấy". Hết màn giới thiệu, người phụ nữ ra giá rõ ràng: Ngoài tiền mua ruộng, phải nộp 25 triệu đồng/sào là tiền điện và đường. Còn để dựng xưởng thì mất thêm 50 triệu đồng/2 sào, trong đó cho xã 30 triệu, huyện 20 triệu… là xong.

Đối chứng thực tế nơi đây với những gì người phụ nữ tên C. nói thì quả thực câu chuyện đó không "ngoa". Chưa biết thực hư "luật lá" dựng nhà, xưởng, nhưng để xây dựng xưởng rộng hàng trăm mét vuông trên đất đất nông nghiệp quả thực không phải là chuyện nhỏ. Diện tích rộng hàng nghìn mét vuông này chia thành hai phần, một bên là bãi để gỗ và một bên là nhà xưởng.

Theo người dân ở đây, khu ruộng này mới được san lấp cách đây một vài năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, các hộ ồ ạt đổ đất, cát san lấp thêm và việc dựng xưởng mới được tiến hành cách đây vài tuần. Sắp tới, một số hộ cũng đang có kế hoạch dựng xưởng tiếp. Xưởng lớn nhất vừa được dựng xong là xưởng của ông Quý với mục đích làm cơ khí và sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày tới. Phía cuối cùng của bãi đất là diện tích ruộng khá lớn mới được san lấp cát, trạm biến áp và nhiều cột điện mới đã được dựng xong.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý

Để làm rõ những thông tin trong câu chuyện của người phụ nữ tên C., chúng tôi đã tìm gặp ông Đào Quang Khắc, Chủ tịch UBND xã Văn Tự. Về khu ruộng Trung bị san lấp, dựng nhà xưởng, ông Khắc khẳng định: Trước đây, khu ruộng này trũng, canh tác không hiệu quả. Phía đất bám mặt đường là đất công, do UBND xã xây ki ốt, cho đấu thầu từ năm 2005. Liền với dãy ki ốt là đất canh tác của các hộ dân. Tuy nhiên, tại đây nhiều hộ đã tự ý san lấp ruộng và UBND xã đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ.

Hiện chỉ có hai công trình vi phạm, dựng nhà xưởng của ông Lê Mạnh Hùng trên diện tích 300m2 và ông Nguyễn Văn Quý. Song, khi đề nghị UBND xã cung cấp biên bản xử lý vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Quý, cán bộ địa chính chỉ cung cấp "biên bản làm việc" giữa đại diện UBND xã với ông Quý vào cuối năm 2014, mà không có biên bản xử lý vi phạm xây dựng nhà xưởng(!?). Để có điện cho xưởng sản xuất của các hộ ở khu vực này, đầu năm 2016, UBND xã Văn Tự xác nhận, đề nghị Điện lực Phú Xuyên đấu nối điện để doanh nghiệp ở xứ đồng Trung lắp đặt trạm biến áp. Tuy nhiên, ngày 5-2-2016, UBND xã nhận ra việc xác nhận là "nhầm" vì đây là đất vi phạm nên UBND xã Văn Tự đã có công văn, đề nghị Công ty Điện lực Phú Xuyên (nơi cấp điện cho khu vực này) không đấu nối điện cho trạm biến áp của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, khi tìm hiểu việc đấu nối điện ở Công ty Điện lực Phú Xuyên, chúng tôi nhận thấy vi phạm nêu trên có dấu hiệu của sự tiếp tay từ phía cán bộ sở tại. Cụ thể, trong rất nhiều đơn (không có ngày, chỉ ghi tháng 1-2016) của hộ kinh doanh cá thể Vũ Văn Thắng (thôn Nguyên Hanh) đề nghị Công ty Điện lực Phú Xuyên khảo sát, cấp điểm đấu nối cho trạm biến áp và đề nghị Sở Công thương xác nhận sự phù hợp công trình điện với "Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội" đều có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn.

Tuy nhiên, xác nhận của vị Phó Chủ tịch này lại "ngược chiều" với quan điểm của Chủ tịch UBND xã khi thừa nhận các hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở cánh đồng Trung là vi phạm pháp luật, đã bị xử lý, đình chỉ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vì thế, ngày 5-2-2016, Chủ tịch UBND xã Văn Tự có Văn bản số 10/UBND, đề nghị Công ty Điện lực Phú Xuyên không triển khai việc lắp đặt trạm biến áp ở khu vực này!

Nhưng cũng rất khó hiểu là chỉ sau đó 1 tháng, ngày 9-3-2016, Chủ tịch UBND xã Văn Tự Đào Quang Khắc lại có bút phê "đề nghị Ban giám đốc Điện lực Phú Xuyên xem xét, giúp đỡ" cho đấu nối điện. Đáng chú ý, tại thời điểm này, chủ thể xin đấu nối điện vào trạm biến áp đã được chuyển giao cho Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nguyên Hanh vì ông Vũ Văn Thắng đã đồng ý cho HTX Nông nghiệp Nguyên Hanh đấu điện vào trạm biến áp của ông Thắng.

Về việc này, ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Phú Xuyên, cho biết: Sau khi kiểm tra hồ sơ trạm biến áp của hộ ông Thắng, Công ty thấy ông Thắng chưa đủ điều kiện đấu nối đóng điện. Mặt khác, ngày 5-2-2016, UBND xã Văn Tự có công văn đề nghị Công ty tạm dừng thi công công trình với lý do công trình đường dây điện trung áp và trạm biến áp của ông Thắng liên quan đến việc chiếm dụng đất công; nhưng ngày 9-3, Công ty lại nhận được đơn của HTX Nông nghiệp Nguyên Hanh, trong đó có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Văn Tự tạo điều kiện đấu nối điện cho HTX. Về mặt pháp lý, UBND xã Văn Tự không có văn bản khẳng định ông Thắng không vi phạm vào quỹ đất công nên chưa đủ điều kiện đấu nối điện cho đơn vị này.

Trong khi vi phạm về đất đai không bị UBND xã Văn Tự xử lý dứt điểm thì việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng cũng bị bỏ ngỏ. Ngày 17-3, PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Dương Đình Tiêu, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Thường Tín để nắm bắt tình hình vi phạm. Song rất tiếc, lúc này ông Tiêu mới gọi điện cho cán bộ phụ trách xã Văn Tự yêu cầu kiểm tra vi phạm?

Từ xa nhìn lại, khu nhà xưởng ở cánh đồng Trung như một điểm công nghiệp, làng nghề thu nhỏ. Đặc biệt, với việc có người đứng ra làm đường, hệ thống cống, hệ thống điện cho cả khu đất ruộng chuyển đổi… cho thấy đây không đơn thuần là vi phạm riêng lẻ của từng cá nhân. Thực tế này khó có thể biện minh cho việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của UBND xã Văn Tự và Đội Thanh tra xây dựng huyện Thường Tín.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những dấu hiệu bất thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.