Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những dấu ấn nổi bật

Hà Phong| 23/03/2016 08:01

(HNM) - Khối lượng văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, hoàn thiện lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng nâng cao; kinh tế vĩ mô đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011-2015, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Đó là những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XIII Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội ngày 22-3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các đại biểu Quốc hội.Ảnh: Nhan Sáng


Khung pháp lý ngày càng hoàn thiện

Mặc dù nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII hoạt động trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tuy nhiên theo khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhiệm vụ lập hiến, lập pháp đã được Quốc hội nỗ lực thực hiện hiệu quả, góp phần ngày càng hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng Hiến pháp 2013.

Bản Hiến pháp mới được thông qua với tỷ lệ ĐBQH tán thành gần như tuyệt đối, đã kế thừa và phát triển các giá trị cốt lõi, nền tảng của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời bổ sung, làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều nội dung mới, là cơ sở quan trọng cho công cuộc tiếp tục thực hiện cải cách và phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước. Ngay sau đó, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua trong cả 3 lĩnh vực trụ cột: Tổ chức bộ máy nhà nước; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; luật pháp về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân. "Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong công tác giám sát, chất vấn là hình thức giám sát hiệu quả nhất, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều tầng lớp nhân dân. Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, thể hiện quyết tâm giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, nhiều quyết sách của Quốc hội đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc như: Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm; dành ngân sách hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn... "Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội được thể hiện rõ nét. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Thực hiện hiệu quả công tác đối nội và đối ngoại

Nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và là ĐBQH khóa XIII, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành, địa phương, nhân dân và cử tri cả nước thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã triển khai tích cực và có hiệu quả chương trình công tác đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của nước ta; đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực và xác lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước lớn, củng cố và tăng cường mối quan hệ với bạn bè truyền thống, đồng thời mở ra quan hệ với các đối tác tiềm năng.

Thành công nữa được nêu tại báo cáo là Chủ tịch nước đã tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém của đất nước, khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tham gia hoàn thiện các luật về tổ chức bộ máy, quyền con người, quốc phòng - an ninh… Liên quan đến công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm việc giảm thiểu oan sai ngay từ khâu xét xử. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn đối với 43.999 phạm nhân, chỉ đạo Hội đồng tư vấn đặc xá, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để người được đặc xá trở về đoàn tụ với gia đình sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Kết quả công tác đặc xá được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đánh giá tích cực.

Chủ động, linh hoạt trong điều hành hoạt động kinh tế - xã hội

Trong quản lý kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khái quát, cá nhân người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011-2015.

Về lĩnh vực đối ngoại, trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình, ủng hộ. Một thành tựu khác được Thủ tướng chỉ ra là xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước. Báo cáo khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trình và được Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; không thành lập mới và đã giảm 1 tổng cục so với đầu nhiệm kỳ; ban hành quy chế làm việc của Chính phủ; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và đặc thù của địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành...

Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước cũng nhận trách nhiệm trước những bất cập, yếu kém của đất nước: Với Quốc hội là việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục; việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Chủ tịch nước cũng thẳng thắn nói: "Là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực". Tồn tại được nêu tại báo cáo Chính phủ gồm: Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những dấu ấn nổi bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.