Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những dấu ấn khó quên

Gia Khánh| 24/01/2011 07:40

(HNM) - 5 năm qua (2006-2010), Hà Nội đã xây dựng hơn 10,6 triệu mét vuông nhà ở, riêng năm 2010 là 2,5 triệu mét vuông. Bên cạnh nhà ở thương mại, Sở Xây dựng Hà Nội trực tiếp chỉ đạo hoặc làm chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Mục tiêu trong năm 2011, thành phố (TP) sẽ xây mới 3,5 triệu mét vuông nhà ở.


Hàng ngàn người thu nhập thấp có nhà ở


Một góc Khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội). Ảnh: Nguyệt Ánh


Thực hiện đề án "Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội", năm 2010, Sở đã trình UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 14 dự án. Đồng thời, hướng dẫn Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai tổ chức lựa chọn, ký hợp đồng bán nhà ở cho người thu nhập thấp tại dự án CT1-khu dân cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông). Sở còn làm chủ đầu tư triển khai xây dựng hơn 800 căn hộ nhà ở xã hội, đáp ứng được cho 3.260 người tại Khu đô thị mới Việt Hưng-Long Biên-Hà Nội. Với dự án nhà ở cho công nhân, 19/24 đơn nguyên nhà ở 5 tầng tại xã Kim Chung-Đông Anh (giai đoạn 1) với 769 căn hộ đã được bàn giao, đáp ứng chỗ ở cho 9.000 công nhân. Cùng với đó là việc xây dựng 2 dự án nhà ở tập trung cho học sinh, sinh viên tại các khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp, Mỹ Đình II đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 29.364 sinh viên... Trong giai đoạn năm 2006-2010, TP đã xây dựng hơn 10,6 triệu mét vuông nhà ở (riêng năm 2010 đã xây dựng được 2,5 triệu mét vuông). Thực hiện chủ trương phát triển nhà ở theo dự án đồng bộ hạ tầng kỹ thuật-hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị, phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp, năm 2011, Sở Xây dựng đặt mục tiêu sẽ xây mới 3,5 triệu mét vuông nhà ở. Các dự án nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, Nguyên Khê (Đông Anh); nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Việt Hưng; nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân, Tứ Hiệp-Thanh Trì, Mỹ Đình II-Từ Liêm, Đồng Mai-Hà Đông; nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa-Chương Mỹ, Sóc Sơn, Hòa Lạc và nhà ở cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Sài Đồng; khu Ngoại giao đoàn (Từ Liêm), Thanh Lâm-Đại Thịnh (Mê Linh), khu Ngô Thì Nhậm-Hà Đông... dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015.

Hoàn thành nhiều dự án trọng điểm

Năm 2010 là một năm đầy dấu ấn của Sở Xây dựng khi UBND TP giao làm chủ đầu tư 65 dự án, trong đó có 11 dự án trọng điểm và 29 dự án chỉnh trang kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, với tổng số vốn XDCB được giao là 1.994 tỷ đồng (không kể vốn công trình chỉnh trang). Trong số đó, nhiều dự án từ các chủ đầu tư khác chuyển sang trong tình trạng đình trệ nhiều năm, Sở phải vừa đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện và thực hiện dự án, vừa tháo gỡ hoặc xin ý kiến chỉ đạo của TP để giải quyết các khó khăn, tồn tại, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm, công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Kết quả, các công trình trọng điểm, công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đều đã được hoàn thành kịp tiến độ, bảo đảm chất lượng, được UBND TP gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nổi bật là các dự án Bảo tàng Hà Nội, Cung thi đấu điền kinh trong nhà, thoát nước nhằm cải thiện môi trường (dự án 2); Công viên Hòa Bình; các rạp Đại Nam, Kim Đồng; nhà ở xã hội CT 19A Việt Hưng; Trạm bơm Yên Sở; hồ Bảy Mẫu; các dự án thuộc Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao... Cùng với đó, 37/40 danh mục dự án thuộc chương trình chỉnh trang hạ tầng đô thị (gồm 29 dự án thực hiện bằng nguồn vốn XDCB) được hoàn thành như dự án hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Văn Cao-Liễu Giai-Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng, Nguyễn Thái Học-Kim Mã, góp phần mang lại diện mạo mới cho Thủ đô.

Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn năm 2011-2015. Bám sát tư tưởng chỉ đạo đó, năm 2011, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội, Sở Xây dựng sẽ hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; vườn hoa cây xanh; xử lý chất thải rắn; nghĩa trang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP, như mạng lưới truyền dẫn và phân phối nguồn nước mặt sông Đà; đầu tư, nâng công suất một số nhà máy nước và trạm cấp nước sạch; các dự án cấp nước cho một số khu vực trên địa bàn phía Bắc sông Hồng, quận Hà Đông; thị xã Sơn Tây, huyện Từ Liêm. Nghiên cứu quy hoạch và chuẩn bị đầu tư hệ thống cấp nước cho một số khu vực phía Tây TP. Khởi công trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu (13.000m3/ngày đêm). Đầu tư Khu xử lý rác thải Nam Sơn (giai đoạn 2), Khu xử lý rác thải Sơn Tây (giai đoạn 2) và một số khu xử lý rác thải trên địa bàn một số huyện (Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Xuyên)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những dấu ấn khó quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.