Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cuộc “di cư” ngược ở Trung Quốc

Quang Huy| 31/01/2016 07:42

(HNM) - Hằng năm, cứ đến dịp này, hàng triệu người lao động nông thôn Trung Quốc lại rậm rịch trở về nhà đón tết Nguyên đán. Đây có lẽ là đợt di chuyển lực lượng lao động lớn nhất thế giới, xảy ra hằng năm mỗi dịp Tết đến.



Tuy nhiên, tình hình năm nay có vẻ sẽ khác khi hàng triệu công nhân, đặc biệt là trong các ngành Xây dựng, sản xuất đã trở về quê từ rất sớm do tác động từ nền kinh tế tăng trưởng chậm và đa phần sẽ ít có khả năng trở lại các thành phố làm việc.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc lo lắng về điều này. Năm 2009, khoảng 20 triệu lao động nông thôn thất nghiệp trên thành phố đã quay trở lại quê hương và gây ra nhiều rủi ro về an sinh xã hội. Mặc dù sau đó, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách kích thích kinh tế, tạo việc làm cho hầu hết số lao động thất nghiệp này, giúp họ trở lại thành phố. Tuy nhiên, tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với năm 2009. Chính phủ Trung Quốc chưa thể đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ như hồi năm 2009 và đặc biệt là lực lượng lao động của quốc gia này đang có xu hướng muốn trở về quê làm việc. Báo cáo của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy lực lượng lao động di cư lên thành phố làm việc năm 2015 đã giảm 5,68 triệu người, năm đầu tiên trong 3 thập kỷ qua.

Một phần nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trên là dân số bắt đầu lão hóa khiến lực lượng lao động suy giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là các ngành kinh tế cần nhiều nhân công của nước này gặp khó khăn, trong khi hoạt động kinh doanh tại nông thôn lại có dấu hiệu khởi sắc. Trong năm 2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 7%. Nền kinh tế giảm tốc và nhu cầu tiêu thụ đi xuống đã khiến nhiều nhà máy phải sa thải nhân công hoặc để nhân viên "ngồi chơi xơi nước". Chi phí sinh hoạt tại thành phố đắt đỏ nên nhiều công nhân Trung Quốc đã lựa chọn về quê thay vì tiếp tục ở thành thị. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác chính là cơ hội làm việc tại nông thôn lại đang trở nên hấp dẫn khi Chính phủ thường xuyên quan tâm và đầu tư trực tiếp cho các dự án tại nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng hay cho hàng trăm triệu nông dân vay vốn.

Một số ý kiến cho rằng tình trạng "di cư ngược" của lao động tại Trung Quốc cũng đem lại những mặt tích cực như làm giảm mật độ dân số tại các thành phố, cân bằng mức thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Những lao động trở về này thường là những người có kiến thức, đời sống khá giả hơn so với lúc họ bắt đầu đi lập nghiệp. Số liệu chính thức cho thấy trong nửa đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp mới tại các vùng nông thôn Trung Quốc đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và trong cả năm đã có khoảng 2 triệu lao động trở về quê để khởi nghiệp.

Tuy nhiên quá trình này liệu có thực sự tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc hay không thì vẫn cần thời gian để kiểm chứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cuộc “di cư” ngược ở Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.