Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những "cú hích" tích cực

N.Hạ| 06/08/2010 14:22

(HNMO)- Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban tài chính và Ngân sách Quốc hội cho rằng Cuộc vận động (CVĐ) đáng lẽ phải diễn ra từ lâu, nhưng chậm còn hơn không vì đây là chủ trương đúng hướng của Bộ Chính trị. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quang A thì nhấn mạnh đây là một CVĐ mất nhiều thời gian, công sức nhưng phải làm liên tục...

Những ý kiến trên được nêu ra tại cuộc Toạ đàm "Một số giải pháp thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do báo Đại Đoàn Kết - UB TƯ MTTQ Việt Nam" tổ chức sáng nay (6/8) tại Hà Nội.

Người tiêu dùng "mặn mà" hơn với hàng Việt


Gần 60% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt


Theo nhận định của đại diện Bộ Công thương, bước đầu việc triển khai chương trình hành động thu được những kết quả khả quan. Do hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động đưa hàng về nông thôn liên tục, tần suất cao nên người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trong nước.

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... đã giúp người tiêu dùng Việt Nam trên cả nước được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, DN Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Cụ thể, Sở Công thương các tỉnh, TP đã tổ chức được 68 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt DN tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 1.467 tỷ đồng. Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đã tổ chức được 46 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với gần 500 DN tham gia, đào tạo kỹ năng bán lẻ cho hàng trăm thiểu thương và thu hút hơn 500.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

Hoạt động bán hàng khuyến mại trên cả nước thời gian qua cũng diễn ra sôi động. Trong đó, hàng hoá chủ yếu là đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ngân hàng, điện thoại... với giá trị khuyến mại, giải thưởng ngày càng tăng, thu hút được lượng lớn người tiêu dùng mua sắm. Ngoài ra, các Sở Công thương đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu, thông qua đó thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân.

Trước đây, theo kết quả điều tra tiến hành tại 16 nước châu Á của Tập đoàn Grey Group (Mỹ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ có 23% người dân tin dùng các sản phẩm trong nước. Vừa qua, theo điều tra của Công ty TV Plus thì sau gần 1 năm thực hiện CVĐ, đến nay đã có 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt.

Đừng để "Đầu voi đuôi chuột"


Người tiêu dùng cần những thông tin trung thực về sản phẩm


Hầu hết các đại biểu tham gia toạ đàm đều đồng tình với việc thời gian 1 năm mà CVĐ vừa mới đi qua là quá ngắn, chưa thể tạo ra được những chuyển biến, cũng như kết quả nhất định, mà còn phải tiếp tục thực hiện trong một thời gian dài tiếp theo. Do đó, các ý kiến đưa ra đều tập trung đưa ra những tồn tại đang ảnh hưởng tới hiệu quả của CVĐ, cũng như kiến nghị những giải pháp trong thời gian tới.

Ông Đỗ Gia Phan, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nêu ra bất cập từ những thông tin, hướng dẫn cho người tiêu dùng, còn nghèo nàn, không thường xuyên. "Người tiêu dùng cần được thông tin trung thực để biết được thực chất của hàng hoá, dịch vụ nhưng nhu cầu này chưa được đáp ứng như việc quảng cáo vòng Titan chữa bệnh đã lừa được một số người nhẹ dạ và thiếu kiến thức khoa học" - ông Phan minh chứng.

Cũng theo ông, bên cạnh việc cần đưa hàng Việt Nam vào các siêu thị để tạo thói quen mua sắm cho người tiêu dùng thành thị thì cũng cần phải tăng cường đưa hàng về nông thôn. Công việc này hiện chưa được thực hiện nề nếp và chưa đi sâu về được các vùng sâu, vùng xa.

Đồng tình với vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết: "Người tiêu dùng nông thôn có nhu cầu tiêu dùng hàng Việt và sẵn sàng ủng hộ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt, với điều kiện hàng phải có mức giá ngang bằng và dễ mua. DN trong nước cũng có nhu cầu bán hàng, có khả năng đáp ứng thị trường. Cung có, cầu có, nhưng thực tế cuộc tiếp cận và chinh phục thị trường nông thôn không đơn giản. Số đông DN vẫn còn ngần ngại bởi chi phí xây dựng hệ thống phân phối lớn và quản lý và hỗ trợ hệ thống phân phối đòi tính chuyên nghiệp cao"

Đánh giá những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện CĐV, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quang A cho rằng tất cả mới chỉ bắt đầu. "Thời gian tới, khó khăn sẽ lớn hơn nhưng dù có khó tới đâu cũng phải làm vì đây là vấn đề sống còn của DN, là tương lai của đất nước. CVĐ sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nhưng phải làm liên tục và liên tục, không để đầu voi đuôi chuột" - TS A nhấn mạnh.

Từ những kinh nghiệm thực tế sau khi thực hiện 46 phiên chợ tại nông thôn, bà Hạnh rất tin tưởng đây chính là những "cú hích" để hàng Việt giành lại được thị trường nông thôn. Nhìn rộng ra, sau một năm thực hiện, CVĐ đang nhận được nhiều "cú hích" tích cực và bản thân cũng tạo ra sự chuyển biến đối với cả DN và người tiêu dùng, tác động tích cực cho nền kinh tế và lợi ích thiết thực cho mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "cú hích" tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.