(HNM) - Sáng 15-5, thuyền trưởng Bùi Văn Phải đưa tàu QNg - 96169 xuất bến. Lá cờ Tổ quốc hiên ngang bay trên nóc con tàu...
Ra khơi giữa nắng gió
Hôm trước nữa, biết tin tàu của Phải sắp ra khơi, chúng tôi đã tìm sang để trò chuyện. Gần trưa, trời nắng như đổ lửa. Gió ngoài đảo Lý Sơn chỉ thổi nhè nhẹ không đủ để xua đi cái nóng đầu hè. Mặc kệ! Bận mỗi cái quần đùi, Bùi Văn Phải, cùng mấy bạn chài và người nhà chuẩn bị những vật dụng cần thiết cuối cùng cho chuyến ra khơi. Con tàu này Phải mới được nhận bàn giao ngày 11-4 vừa rồi từ Nghiệp đoàn đánh cá An Hải trong chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trên cabin, ông thầy cúng Dương Đầy đang thắp hương cầu khấn thần biển cùng với tổ tiên phù hộ cho thuyền ra khơi được "đầy ghe khẳm chiếc" và trở về bình an. Mấy bữa nay, Phải tất bật ngược xuôi để sắm sửa ngư cụ, trữ dầu, thức ăn, nước uống, đá lạnh cho chuyến đi thường là kéo dài cả tháng.
Ngư dân Lý Sơn kiên trì ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. |
Như mọi ngư dân đang vươn khơi bám biển mưu sinh, Phải cùng các bạn chài luôn mong chuyến đi nào cũng có lãi, nhưng thực tế không dễ trở thành hiện thực, nhất là trong tình cảnh tàu Trung Quốc quấy nhiễu liên tục. Ngồi trong khoang thuyền thấp vừa người cúi, uống mấy miếng nước, Phải kể lại chuyến đi Hoàng Sa lần trước. Lần đó, tàu của Phải đánh bắt ở khu vực đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau hơn một tháng, con tàu có thể chứa được 20 tấn hải sản các loại chỉ thu về hơn 10 tấn. "10 tấn là chỉ đủ bù phí tổn", Phải nói, "còn bạn chài thiếu mỳ tôm, thuốc lá". Thường thì phải thu được hơn 10 tấn hải sản thì mới có lãi tùy theo giá thị trường. Tàu của Phải đánh nhiều loại hải sản từ hải sâm, cá ngừ đại dương, cá chỉ đỏ, cá thu bè, cá hồng...
Giống như bao ngư dân ở đảo Lý Sơn này, Phải theo thuyền đi đánh cá từ khi mới lớn và không nhớ nổi là đã ra khu vực quần đảo Hoàng Sa bao nhiêu lần. Nhưng Phải nhớ nhất là chuyến bị gây áp lực và bắn cháy tàu hồi tháng 3-2013. Chuyến đi đó, như thường lệ, Phải đưa tàu đến khu vực gần đảo Linh Côn và Đá Thấp (thuộc quần đảo Hoàng Sa) để lặn bắt hải sâm và đánh cá. Ngày 13-3-2013, khi các bạn chài đang kéo lưới, một tàu của Trung Quốc chạy tới tấn công tàu của Phải, trên trời, máy bay trực thăng rà thấp sát nóc thuyền gây áp lực. Phải buộc phải thu lưới về và chạy.
Từ bữa đó, các tàu của Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu của Phải vài ba bận. Đến ngày 20-3-2013, khi các bạn chài đang lặn để bắt hải sâm ở gần đảo Linh Côn thì một tàu của Trung Quốc mang số hiệu 786 xông tới. Phải bình tĩnh đưa các bạn chài lên để giảm áp rồi mới cho tàu chạy. Chạy được một lúc, Phải nghe thấy hai tiếng súng bắn mà không biết trúng vào đâu vì đang mải lái tàu. Một lúc sau, Phải lại nghe thấy vài tiếng súng nữa. Lần này có vẻ rát hơn. Bạn chài Trần Văn Bảo phát hiện ra tàu bị cháy thì la lớn: "Cháy tàu rồi!". Phải chạy ra, nhìn lên cabin phía trên thì đã thấy lửa cháy ngùn ngụt vội cho dừng tàu lại, hô mọi người múc nước biển lên để dập lửa. Khi thấy lá cờ Tổ quốc bị sém, Phải bất chấp lửa, nhảy lên cầm lá cờ cuốn vào người rồi đưa thuyền về Lý Sơn.
Trả lời câu hỏi "Chuyến này sẽ đi đánh bắt ở vùng biển nào?", Phải chỉ cười rồi nói bình thản: "Biển của mình, chỗ nào có cá thì đi".
Về bến trong đêm rằm
Trước đó, người dân ở đảo Lý Sơn hỏi thăm nhau về chuyến tàu của ông Lê Khởi đang trên đường về bến. Ai cũng quan tâm vì tàu của ông Khởi cũng bị tấn công liên tục từ năm ngoái đến nay. Quãng mười rưỡi đêm 13-5, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn đánh cá An Hải phóng xe máy đến báo tin nóng: "Tàu của Lê Khởi từ quần đảo Hoàng Sa về cách Lý Sơn gần 5 hải lý, nửa đêm sẽ cập bến". Biết tin, chúng tôi ra bến chờ tàu về.
Nửa đêm, trăng rằm soi rõ từng viên sỏi trên bến tàu An Hải. Bóng những người đàn bà ngồi ngóng chồng về hằn rõ trên đường. Họ lặng lẽ ngồi đợi. Thi thoảng mới có tiếng hỏi thăm qua lại. Mọi con mắt đều hướng ra phía con tàu sẽ vào bến.
Một tiếng trôi qua. Vẫn chưa thấy đèn hiệu tàu hiện ra phía đường chân trời. Quá nửa đêm, sang ngày mới, bến tàu bỗng xôn xao khi có người nhìn thấy đèn tàu hiện ở phía xa. Ánh đèn rõ dần. Hình dáng con tàu cũng rõ dần dưới ánh trăng. Tiếng động cơ đều đều bình thản phá tan không gian tĩnh mịch của bến tàu đêm.
Tàu vừa cập mạn, những người đàn bà lặng lẽ chờ chồng lúc trước giờ bỗng trở nên nhanh nhẹn, thoăn thoát bước qua các tàu khác đang neo đậu sát nhau để đến giúp chồng mang hành lý, đồ đạc lên xe máy. Chỉ khoảng mươi phút, tiếng xe máy cùng hình bóng của những cặp vợ chồng đã khuất sau những rặng cây trả lại không gian tĩnh mịch cho bến tàu.
Ông Lê Khởi, thuyền trưởng tàu QNg - 96697 cố ngồi nán lại để kể cho chúng tôi nghe về những lần bị tấn công trong chuyến đi biển Hoàng Sa này. Tàu xuất bến ngày 15-4 rồi đi thẳng ra vùng biển đánh bắt quen thuộc ở gần đảo Đá Bạc thuộc quần đảo Hoàng Sa để câu cá ngừ và lặn bắt hải sâm. Ra tới nơi, ngày 17-4, mới bắt đầu thả câu thì đã bị tàu Trung Quốc có số hiệu 786 uy hiếp. "Nó rượt thì mình đưa tàu chạy ra phía Đông", ông Khởi kể, "rượt xong thì mình lại cho tàu quay vô làm tiếp". Cứ thế, ban ngày tàu ông Khởi câu cá ngừ, nếu bị đuổi thì chạy ra rồi quay lại. Ban đêm, ông Khởi kiên trì bám ngư trường để các bạn chài lặn bắt hải sâm.
Ông Khởi cho biết, tàu bị tấn công trước tàu QNg - 96416 do ông Nguyễn Lộc làm thuyền trưởng. Khi tàu chạy ra, tàu Trung Quốc quay sang truy đuổi tàu ông Lộc. Ông Khởi có nghe tin tàu ông Lộc bị đâm thủng qua thiết bị ICOM nhưng không thể giúp được vì bị tấn công liên tục và hai tàu chạy hai hướng khác nhau. "Nó không để cho mình yên thân nên chuyến này tàu không đầy được", ông Khởi phàn nàn. Tàu của ông chứa được 10 tấn hải sản. Nếu được 6 tấn thì đủ bù phí tổn. Chuyến này chỉ được khoảng 7 tấn nên có lãi chút đỉnh. "Nếu không hết dầu thì không quay vô đâu", ông Khởi nói chắc nịch. Trong những ngày này, một chuyến tàu đánh bắt ở Hoàng Sa bị rượt đuổi liên tục mà vẫn có lãi như tàu ông Khởi cũng là chuyện hiếm ở Lý Sơn.
Trong những lần bị tấn công, đập phá và bắt giữ, ông Khởi kinh nhất là lần bị bắt năm 2007. Năm đó, ông bị bắt cùng 14 bạn chài trên tàu khác cũng ở gần quần đảo Hoàng Sa, bị giam giữ ở trên boong tàu gần tháng trời. Ngày chịu nắng chói chang. Đêm lại phải chịu rét cùng muỗi đốt. Có hôm mưa gió cả buổi mà không được cho vào cabin. "Đã thế chúng còn bắt gia đình tôi gửi sang 60.000 NDT để nộp phạt thì mới chịu thả người, thả tàu về", ông Khởi bức xúc. Sau lần bị bắt đó, ông vẫn đi Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Và tàu của ông liên tục bị tấn công. Chỉ riêng trong năm 2013, tàu của ông đã bị đập phá tới 3 lần. Còn ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản tới 18 lượt gây thiệt hại cả thảy lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng.
Chuyện đang vào, chúng tôi bỗng nghe tiếng gọi: "Ông Khởi ơi, về thôi". Hóa ra người vợ chờ ông nói chuyện với chúng tôi lâu quá nên sốt ruột gọi. Vội vàng nói lời xin lỗi, chúng tôi, đương nhiên, phải "nhường" ông cho người vợ đã chờ chồng từ đêm đến giờ. Chuyến này về, ông Khởi ở lại cùng gia đình ít ngày rồi ra khơi.
Trăng đã xế. Bến tàu An Hải bình yên trở lại. Nhưng chỉ ba tiếng nữa, một tàu đánh cá khác mang số hiệu QNg - 96272 do ông Trương Văn Hộ làm thuyền trưởng sẽ ra khơi. Rồi ngày 15-5 là chuyến đi của thuyền trưởng Phải.
Tường thuật của PV Báo Hànộimới tại vùng biển Hoàng Sa: Nhiều tàu Trung Quốc hung hãn lao thẳng vào tàu Việt Nam
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.