(HNM) - Nghệ sĩ Hương Dung được biết đến với nhiều vai diễn trên sân khấu, phim nhựa, phim truyền hình. Nhưng, không phải ai cũng biết chị còn góp cho điện ảnh, đặc biệt là phim hoạt hình, một chất giọng
Hương Dung không phải là nghệ sĩ lồng tiếng được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng quan trọng là chị được sống và tự đặt mình sống trong một môi trường điện ảnh chuyên nghiệp. Thế nên, cái chất giọng trời cho mà cố NSND Hải Ninh gọi là "chất giọng bác học", vừa dày, vừa ấm, vừa truyền cảm ấy mới có đất phát huy. Có bí quyết gì không? "Nhìn mọi người diễn, xem mọi người nói như thế nào, rồi học, rồi tự rút kinh nghiệm thôi" - chị chia sẻ.
Một cảnh diễn của nghệ sĩ Hương Dung. |
Nghề lồng tiếng có cái khó riêng, không phải cứ đứng sau "mic" mà nói cho xong việc. Những năm tháng trước đây, khi làm lính thông tin rồi là nghệ sĩ của Đoàn văn công Quân khu 3, Đoàn kịch Công an nhân dân, đã cho Hương Dung môi trường rèn luyện. Chị không ngại khó, không ngại khổ, sống hết mình với nghiệp diễn. Trải nghiệm của nghề diễn viên lúc ấy không cho cảm giác nhung lụa như bây giờ, cũng lội ruộng, gánh gồng, bê vác… Nhưng nỗi vất vả cho chị cảm giác chân thực về cuộc sống, về nhân vật, một cơ sở quan trọng để sau này vào vai lồng tiếng thành công.
Trong lần tham gia lồng tiếng đầu tiên, Hương Dung vào vai Đặng Thị Huệ (diễn viên Lê Vân đóng). Có cái lần đầu tiên ấy là nhờ các nghệ sĩ phát hiện chất giọng "đẹp" của chị trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cho đến nay, khó mà tổng kết chính xác được Hương Dung đã tham gia lồng tiếng cho bao nhiêu phim. Người xem nhớ nhân vật, nhớ tên diễn viên nhưng ít nhớ tới người lồng tiếng cho diễn viên Thu An trong "Mẹ chồng tôi", cho nghệ sĩ Thanh Quý trong phim "Mùa lá rụng trong vườn"…
Nhờ khả năng quan sát, chịu khó học hỏi mà Hương Dung "không ngán lồng tiếng cho bất cứ vai nào". Như bệnh nghề nghiệp, đi đâu chị cũng chú ý đến chất giọng, cách nói của người vùng ấy. Thế nên mới có chuyện một Hương Dung người miền xuôi hẳn hoi mà lồng tiếng Quảng Bình rất ngọt, chữa cháy cho một đoàn phim đang thiếu chất giọng này. Lần khác là một vai hề phải hát lời cổ, chị cũng thành công nhờ vốn tích lũy từ chính những gì đã quan sát, nghe, xem, học theo.
Hương Dung đã góp sức mình cho sự khởi sắc của phim hoạt hình Việt Nam. Ở hội thảo về phim hoạt hình gần đây, Hương Dung đã làm khách mời cười nghiêng ngả bằng màn thoại giả giọng một phụ nữ răng vẩu. Có khi, trong cùng một phim, chị vừa lồng tiếng một bà lão bán nước, thoắt cái đã ra lời của một đứa trẻ, hóa thân thành một chiếc lá, một lọ mực… Tất nhiên, Hương Dung không thể tự mình đảm nhiệm lồng tiếng cho tất cả các vai thiếu nhi, chị thường giữ vai trò lĩnh xướng để tạo đà cho các diễn viên nhỏ bắt theo. Làm "huấn luyện viên" cho thiếu nhi thì vui, nhưng cũng không dễ. Lắm khi, nghe bác Hương Dung cất giọng xong, đám trẻ không vào vai mà há mồm ra nghe.
Đến nay, sau trải nghiệm làm "vợ tướng cướp" (trong phim truyện nhựa "Tướng cướp Bạch Hải Đường"), làm "nữ ký giả" (vở kịch cùng tên), làm "vợ thứ trưởng" (trong phim "Chạy án")… có vẻ như sau cùng thì Hương Dung tỏ ra gắn bó với nghề lồng tiếng nhất. Và cũng phải yêu nghề lắm thì chị mới có đủ tự tin mà rằng: Nghệ sĩ lồng tiếng tốt thì có thể nâng diễn viên lên và ngược lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.