(HNM) - Mỗi chuyến đi của chúng tôi không chỉ là kỷ niệm tác nghiệp, mà còn là tình cảm gửi tới bạn đọc, tình cảm dành cho chính những nhân vật, những vùng đất mà phóng viên đặt chân đến.
Phóng viên Ngọc Hải tác nghiệp ở huyện Lệ Thủy - Quảng Bình. Ảnh: Tống Thanh |
Tác nghiệp nhờ... Facebook
Ngay sau khi chính thức có tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhận chỉ đạo của Ban biên tập, chiều 7-10-2013, nhóm phóng viên lên đường đi Quảng Bình. 4h chiều xuất phát tại Hà Nội, vào đến Nghệ An đã gần 10h đêm. Rẽ vào quán cơm ven đường kiếm chút lót dạ, chủ quán bảo: "Các bác nên ngủ lại Vinh, sáng mai vào Quảng Bình vẫn kịp. Chạy đêm, quốc lộ 1 đang nâng cấp, nguy hiểm lắm". Nghe thấy chờn, nhưng nhớ tới lời dặn của lãnh đạo cơ quan "vào Quảng Bình càng sớm càng tốt, kịp đưa tin về công tác chuẩn bị cũng như ghi nhận tình cảm của người dân Quảng Bình với Đại tướng", chúng tôi liền lên xe chạy một mạch. Đến thành phố Đồng Hới lúc 4h sáng, các khách sạn đều đóng cửa, không nhận khách. Cảm giác vừa trân trọng, vừa tiếc thương Đại tướng như tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi. Phóng viên Ngọc Hải đề xuất: "Chạy luôn đi các anh, giờ này ngủ nghê gì nữa. Vào Lệ Thủy, đến chân cầu Kiến Giang nghỉ ngơi chút rồi mình vào xã An Lộc (quê Đại tướng) là vừa". 7h đến nơi, ngỡ còn sớm, ai dè bà con xóm giềng đã đến tự bao giờ, chật kín nhà Đại tướng… Trong 6 ngày liền sau đó, khi thì tác nghiệp ở Lệ Thủy, lúc về Vũng Chùa (nơi an táng Đại tướng) với khoảng cách hơn 100km nhưng tình cảm yêu kính, tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của Đại tướng đã khiến chúng tôi quên cả mệt. Trên Facebook, bạn bè chia sẻ, động viên, nhắn nhủ phải thường xuyên cập nhật tin tức ở "đầu cầu Quảng Bình".
Ngày tổ chức an táng Đại tướng tại Đất Mẹ Quảng Bình đã đến. Nhóm chúng tôi chia nhau mỗi người một hướng. Phóng viên Ngọc Hà đi theo chuyên cơ rước linh cữu Đại tướng từ Hà Nội vào, Ngọc Hải phụ trách thông tin tại khu vực sân bay Đồng Hới và quá trình di chuyển của đoàn linh xa, tôi đảm nhận tác nghiệp tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến. Kế hoạch tưởng đâu ra đấy, ai ngờ đến phút chót bị "đổ". Trước giờ chuyên cơ rước linh cữu Đại tướng hạ cánh, toàn bộ tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ sân bay Đồng Hới đến chân đèo Ngang) kẹt cứng. Hàng vạn người dân đứng hai bên đường chờ tiễn biệt Người. Tôi may mắn "bám càng" xe có phù hiệu A của Ban tổ chức Lễ tang nên vào được Vũng Chùa từ sớm. Ngọc Hải và Ngọc Hà ra khỏi sân bay, cố bám theo đoàn linh xa được chừng 20km thì tôi nhận được tin nhắn: "Bọn em bị cắt đuôi. Tắc đường không thể đi tiếp được". Tôi bấm máy gọi cho cả hai người nhưng chỉ nghe tín hiệu "tò te tí" sau đó máy điện thoại của tôi cũng tịt luôn. Nhìn thấy còn sóng 3G, tôi nhắn trên Facebook. Ngọc Hải nhận được tin, xuống xe ô tô cuốc bộ gần 3km mới thoát được đám đông, rồi đi nhờ xe vào Vũng Chùa. Báo Hànộimới Online hôm đó làm tường thuật trực tiếp, sóng điện thoại không có nên chẳng còn cách nào khác là chúng tôi cứ cập nhật thông tin, hình ảnh lễ tang lên Facebook cá nhân qua điện thoại di động để "hậu phương" xử lý. Sau khi lễ an táng vừa kết thúc, chúng tôi vội vã rời Vũng Chùa nhưng không thể chen ra vì dòng người đến viếng Đại tướng quá đông. Tôi và Ngọc Hải tháo giày lội ruộng để đi tắt lên quốc lộ 1. Gọi điện thoại cho người lái xe nhưng không thể liên lạc được, chúng tôi quyết định bắt xe đò về Hà Tĩnh để kịp làm bài cho số báo ngày hôm sau. Chân ướt chân ráo về đến khách sạn, mặt Ngọc Hải ỉu xìu như "bánh đa nhúng nước", giọng hốt hoảng: "Thôi chết rồi, cả hai cái máy tính xách tay đều để trên ô tô rồi. Lúc xuống xe em chỉ ôm mỗi quyển sổ với cái máy ảnh, ai nghĩ có tình huống này". Nhìn vẻ ngẩn ngơ của chúng tôi, cô lễ tân khách sạn cười: "Cho các anh mượn máy tính của khách sạn đó. Mai nhớ mời em ăn sáng nhé". Như "chết đuối vớ được cọc", chúng tôi sà vào máy tính, cứ thế viết. 11h30 đêm, khi anh lái xe của cơ quan thoát khỏi đoạn tắc về tới khách sạn cũng là lúc chúng tôi hoàn thành bài viết, chuyển về tòa soạn... Nhờ may mắn cộng với sự hỗ trợ của mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã hoàn thành công việc được giao, một nhiệm vụ mà chúng tôi cảm thấy rất đỗi vinh dự, tự hào.
Chia sẻ để có nhiều chi tiết đắt
Vừa tham gia tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Quảng Bình trở về, tôi lại nhận nhiệm vụ đi tiếp vào vùng lũ và lốc xoáy để viết về cơn bão số 11 xảy ra tại các tỉnh miền Trung và mang theo số tiền do cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới và Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội đóng góp một ngày lương để ủng hộ bà con bị thiệt hại bởi bão lũ. Bộn bề công việc cá nhân, tôi bàn với đồng nghiệp cùng đi là lái xe Lương Ngọc Thực và phóng viên Đỗ Chí Đạo để tôi đi sau bằng tàu hỏa, còn các anh lên đường ngay chiều 17-10 bằng ô tô. Đúng 21h30 tối 17-10, chuyến tàu đi Nghệ An khởi hành. Theo thông báo của nhà ga, chuyến tàu sẽ đến Nghệ An lúc 5h sáng hôm sau. Như vậy, nhóm chúng tôi sẽ gặp nhau tại Vinh, lúc sáng sớm, sau đó tiếp tục hành trình vào vùng bão lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh. Thông báo là vậy, nhưng không thể ngờ mưa bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường sắt khiến con tàu ì ạch... bò trên đường ray. 6h sáng, tàu vẫn cách Vinh chừng 40km. Tôi sốt ruột lo lắng. Anh Thực và Đạo cũng sốt ruột, cứ liên tục điện thoại hỏi "đi tới đâu", "có trục trặc gì không"… Khi tàu tới ga Vinh đã 8h sáng. Không kịp đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, tôi lên xe chạy thẳng một mạch vào Quảng Bình, nơi hàng chục gia đình mang nỗi đau mất người thân; hàng nghìn người dân đang chịu cảnh mất nhà, mất tài sản, phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", thiếu đồ ăn, nước uống, thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Con đường từ Vinh vào đến Quảng Bình hơn 250km nhưng đối với chúng tôi hôm đó thật dài. Mưa vẫn xối xả. Dọc hai bên đường, những gì mà hai cơn bão số 10 và số 11 để lại như những nhát dao cứa vào mảnh đất vốn nghèo khó này. Những mái nhà đổ sập, những rặng phi lao, cánh rừng cao su bị bẻ gãy ngang thân nham nhở, những cánh đồng nước mênh mông không thể phân biệt đâu là ruộng, đâu là hồ... Tôi chợt thấy trách nhiệm của những người làm báo chúng tôi thật nặng nề, bởi sự tàn phá của thiên nhiên với khúc ruột miền Trung là quá lớn!
Thật đắng lòng khi chúng tôi vào xã Quảng Sơn ( huyện Quảng Trạch - Quảng Bình). Những đám tang nấc nghẹn, những mái nhà không còn nguyên vẹn, những mảnh đời không còn chỗ nương thân cứ hiện ra... Nhiều người đã ví, trận bão kèm lốc xoáy đi qua Quảng Bình, đặc biệt là xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, có thể sánh với trận rải thảm bom B52 thời chiến tranh chống Mỹ từng xảy ra nơi đây. Nhiều người dân thấy chúng tôi hỏi han, ghi chép, chụp ảnh thì ùa đến: "Chú làm chi rứa?". Không hiểu sao, lúc đó tôi chỉ biết giải thích rằng: "Tôi ở Hà Nội vào với các bà, các chị với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm". Chỉ nghe đến thế thôi, nhiều người giơ tay: "Thế thì ghi thêm tên tui nữa!", "Cả tui nữa"... Những câu chuyện buồn, những cảnh đời nghèo khó cứ thế tuôn trào trong từng trang viết chúng tôi gửi về tòa soạn.
Không biết thông điệp từ bài viết của chúng tôi có chuyển hết thông tin về hậu quả thiên tai đến được bạn đọc và các nhà hảo tâm hay không? Nhưng ít nhất, chúng tôi đã làm hết sức mình với mong muốn phản ánh trung thực tình cảnh khó khăn vất vả của người dân mảnh đất miền Trung ruột thịt trong bão lũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.