Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

Theo Vnexpress| 01/04/2018 09:16

Chung cư, bệnh viện phải mua bảo hiểm cháy nổ; thêm trường hợp được tuyển thẳng vào đại học... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4.


Cơ sở sản xuất ngành xây dựng phải báo cáo việc bảo vệ môi trường

Có hiệu lực từ ngày 1-4, thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng.

Theo đó, các cơ sở sản xuất vật liệu, khai thác khoáng sản làm vật liệu, sản xuất sản phẩm cơ khí có trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường một lần mỗi năm và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31-12 hàng năm.

Thông tư này cũng quy định, các nhà thầu phải có nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định. Trong trường hợp phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất, xây dựng bị buộc dừng thi công.

3 trường hợp phải giải ngân vốn cho vay không dùng tiền mặt

Từ ngày 2-4, có 3 trường hợp ngân hàng khi giải ngân vốn sẽ không dùng tiền mặt.


Có hiệu lực từ ngày 2-4, thông tư 21/2017 của Ngân hàng nhà nước quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo thông tư này, tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:

Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;

Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn...

Sử dụng bản ghi âm, ghi hình với mục đích thương mại phải trả tiền


Nghị định 22/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10-4 quy định chi tiết Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi) nêu rõ: Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo mục đích thương mại đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định.

Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo Điều lệ và văn bản ủy quyền.

Các khu chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ

Nghị định 23/2018 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4, quy định việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc áp dụng với toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư.

Hiện theo quy định của Chính phủ, có 18 nhóm cơ sở nằm trong danh sách có nguy hiểm về cháy nổ như trường học, bệnh viện, khu chung cư, sân vận động, cơ quan bộ ban ngành....

Nghị định này cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp: động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên; thiệt hại do biến cố chính trị, an ninh gây ra; tài sản mua bảo hiểm bị sét đánh trực tiếp; cháy nổ do cố ý gây ra…

Thêm trường hợp được tuyển thẳng vào đại học

Thông tư 17/2018 của Bộ Giáo dục có hiệu lực từ ngày 15-4 bổ sung thêm đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường đại học.

Theo đó, người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Nếu các thí sinh này không dùng quyền xét tuyển thẳng thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải theo quy định của từng trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.