(HNM) - Mặc dù doanh thu sụt giảm nhiều năm liền, lãnh đạo Tập đoàn Toshiba, hãng chế tạo thiết bị điện tử gia dụng và kỹ thuật công trình hàng đầu của Nhật Bản đã tìm mọi cách thổi phồng lợi nhuận để có thêm danh tiếng.
Trước những bằng chứng cáo buộc gian lận báo cáo tài chính "một cách có tổ chức" không thể chối cãi, Chủ tịch Tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản này là ông Hisao Tanaka và Phó Chủ tịch Norio Sasaki đã phải từ chức hôm 21-7 vừa qua. Đây là hai trong số 8 nhân vật cấp cao của tập đoàn bị mất chức hoặc từ chức sau khi một báo cáo độc lập phát hiện những sai lệch trong kế toán kéo dài nhiều năm của hãng này.
Theo công bố mới nhất từ Ủy ban điều tra độc lập, Toshiba đã thổi phồng lợi nhuận gấp 3 lần trong suốt 6 năm liên tiếp với số tiền lên đến 170 tỷ yên (tương đương 1,2 tỷ USD). Con số này gấp 3 lần so với ước tính ban đầu khoảng 50 tỷ yên (tương đương 350 triệu USD). Lợi nhuận bị phóng đại bên cạnh các khoản thâm hụt khác vừa bị phát hiện khiến Toshiba không thể khóa sổ kế toán của hãng trong năm tài khóa 2014, đồng thời phải hoãn việc chi trả cổ tức cuối năm.
Ủy ban điều tra độc lập cho rằng, việc các lãnh đạo của Tập đoàn Toshiba sử dụng thủ thuật kế toán thổi phồng lợi nhuận bằng nhiều cách để làm đẹp báo cáo tài chính nhằm mục đích che giấu những khoản lỗ do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đồng thời đánh lạc hướng nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh đó "văn hóa doanh nghiệp" của Toshiba cũng được xem là nguyên nhân góp phần gây ra những sai phạm trên bao gồm việc trì hoãn ghi nhận các chi phí và tổn thất. Khái niệm này được hiểu rằng tại Toshiba, cấp dưới không được đi ngược lại mong muốn của cấp trên. Vì thế, khi người đứng đầu đưa ra yêu cầu, các cấp chủ tịch, quản lý và nhân viên cấp dưới bắt buộc phải thực hiện những bản kế toán không đúng thực tế để đạt được mục tiêu phù hợp với mong muốn của cấp trên.
Báo cáo điều tra cho biết, việc làm sai lệch sổ sách kế toán ở Toshiba đã diễn ra dưới ba đời lãnh đạo gồm đương kim Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hisao Tanaka và hai người tiền nhiệm Sasaki (năm 2009-2013), Atsutoshi Nishida (năm 2005-2009). Ông Sasaki là Phó Chủ tịch Tập đoàn, còn ông Atsutoshi Nishida hiện là cố vấn của Toshiba.
Cả ba vị lãnh đạo này đều gây sức ép đòi đạt mục tiêu doanh số cao, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi kết quả không đạt, họ đã tìm cách trì hoãn đưa các khoản thua lỗ vào sổ sách và cấp dưới của họ thì không thể chống lại chỉ đạo của cấp trên. Kết quả điều tra hoàn toàn trái ngược với những gì mà Toshiba đưa ra trước đây. Ví dụ, Toshiba đã ra thông báo lợi nhuận ròng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 12-2012 đã tăng gấp 6 lần lên 54,52 tỷ yên (600 triệu USD) nhờ doanh số bán thiết bị bán dẫn và các thiết bị cho nhà máy điện tăng mạnh. Tuy nhiên, những con số trên đã bị phù phép trước khi được công bố cho báo chí.
Đây được xem là vụ khai gian số liệu kế toán lớn nhất tại Nhật Bản kể từ sau scandal gây rúng động của Olympus, tập đoàn chuyên sản xuất camera và vật tư y tế hồi năm 2011. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso bày tỏ thất vọng về vụ việc trên khi nhấn mạnh: "Chúng ta có thể sẽ đánh mất niềm tin vào thị trường Nhật Bản và Sàn giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) nếu không có sự quản trị doanh nghiệp đúng đắn". Người lên kế nhiệm ông Sasaki sẽ là ông Masashi Muromachi với tư cách Chủ tịch tạm quyền. Tuy nhiên ngoài việc đưa ông Muromachi lên làm Chủ tịch Tập đoàn, Toshiba sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 300 đến 400 tỷ yên, tương đương 2,4 tỷ đến 3,2 tỷ USD, bao gồm phí phạt 6 năm lợi nhuận bị phóng đại lên bên cạnh các khoản thâm hụt khác nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.