(HNM) - Mạng xã hội ngày nay, đặc biệt là facebook đã trở thành một công cụ truyền thông không thể thiếu của nhiều người. Cũng tại đây, người sử dụng facebook có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin. Lợi dụng điều này, thời gian gần đây, rất nhiều kẻ xấu sử dụng facebook
Toyota Việt Nam bác bỏ thông tin khuyến mãi của fanpage giả mạo. |
Ba cái nhấp chuột trúng ô tô
Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, cộng đồng người sử dụng facebook liên tục tiếp nhận những thông tin khuyến mãi đặc biệt nhân dịp 80 năm thành lập của Công ty "Toyota Việt Nam". Một fanpage có tên "Toyota Việt Nam" đã chia sẻ thông tin với nội dung: Toyota Việt Nam tổ chức chương trình trúng thưởng nhân dịp 80 năm thành lập, tặng 80 chiếc Toyota Land Cruiser Prado 2016 cho 80 người may mắn nhất Việt Nam vào ngày 28-5-2016. Để tạo lòng tin của người sử dụng facebook, các trang fanpage này đều khẳng định: "Chúng tôi sẽ nhắn tin và công khai người trúng thưởng vào 8h28' ngày 28-5-2016 tại trang này và website của Toyota Việt Nam".
Theo thông tin từ trang này, để trở thành khách hàng may mắn, người sử dụng facebook chỉ cần thực hiện 3 nhấp chuột đơn giản như: like (thích) fanpage, bình luận (comment) màu xe họ muốn nhận và chia sẻ (share) công khai trên trang facebook cá nhân của người muốn trúng thưởng.
Trước đó, ngày 16-3, cũng trên một fanpage có tên "Toyota Việt Nam" đăng tải thông tin: "Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập công ty TOYOTA (28/08/1937 - 28/08/2017), TOYOTA Việt Nam quyết định tặng 5 chiếc Toyota Camry cho người may mắn vào ngày 28-08-2017". Để có cơ hội nhận thưởng, khách hàng cũng chỉ cần thực hiện đơn giản các bước lần lượt như trang Toyota Việt Nam trên.
Không chỉ có fanpage có tên Toyota Việt Nam, một fanpage khác có tên HonDa ô tô Việt Nam cũng có nội dung khuyến mãi với cách thức tương tự như vậy. Chỉ khác, thay vì thành lập công ty Toyota thì fanpage này chuyển sang thành lập HONDA Ô TÔ Việt Nam, phần thưởng đổi từ Toyota Land Cruiser Prado 2016 sang HONDA CRV 2016 và địa chỉ website cũng thay đổi cho phù hợp với tên công ty.
Ngay khi xuất hiện, thông tin này lan nhanh trên facebook. Hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ khiến cho rất nhiều người tin tưởng đây là trang fanpage chính thức của Công ty Honda cũng như Toyota Việt Nam. Họ tiếp tục thực hiện các thao tác như được chia sẻ với hy vọng may mắn sẽ về tay mình. Một số người tỉnh táo hơn đã có những bình luận nhắc nhở mọi người cảnh giác với chiêu lừa đảo. Tuy nhiên, phía sau những bình luận thiện ý ấy lại là hàng nghìn lượt bình luận của những người bị lừa.
Tương tự như vậy, đầu tháng 5-2016, nhiều người sử dụng facebook liên tục chia sẻ thông tin được nhận thẻ điện thoại trị giá 20 nghìn đồng của Viettel, mobifone, vinafone, vietnammobile... trên web nhanthecao777.com. Theo các thông tin chia sẻ, người sử dụng chỉ việc thực hiện 3 bước: Chọn loại thẻ muốn nhận mã, điền thông tin họ tên, email, số điện thoại thụ hưởng mã card, tiến hành xác nhận số điện thoại thông qua tài khoản facebook. Sau khi đăng nhập xong, đợi 5 phút (hoặc có thể hơn) hệ thống sẽ gửi mã thẻ về số điện thoại.
Khi người sử dụng thực hiện theo các thao tác đó, facebook cá nhân của họ ngay lập tức bị thâm nhập. Các thông tin lừa đảo tiếp tục được chia sẻ trên facebook cá nhân của những người này, kèm theo nội dung kiểu như "bà con ai chưa nhận thẻ thì vô NhanTheCao777. Com nhận nhanh đi, nhanh kẻo hết,
t mới nhận được cái 20k"… Tất cả bạn bè của người dùng cũng được "nhắc đến" dưới các bình luận. Cứ như vậy, thông tin lần lượt được chia sẻ, bình luận và thích khiến cho người dùng facebook bị rơi vào mớ bòng bong.
Không có của trên trời
Chuyện lừa đảo trên mạng xã hội không mới. Năm 2015, sau một thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạn tài sản trên mạng xã hội là Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi, Vị Xuyên, Hà Giang) và Đỗ Văn Dũng (20 tuổi, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Theo đó, Nguyễn Tuấn Anh lập trang web www.bugthecao.com, Đỗ Văn Dũng lập trang napthe3s.com và thecao3s.com đăng thông tin về việc nạp thẻ tại đây sẽ được gấp 10 lần giá trị thẻ nạp. Để chiếm lòng tin của người sử dụng facebook, chúng tung tin "có người nhà trong nội bộ Viettel" và nhiều chiêu trò khác, hướng dẫn người truy cập thực hiện các thao tác để được nhận khuyến mãi mà thực chất là bị lừa. Với thủ đoạn này, Nguyễn Tuấn Anh đã lừa đảo và chiếm đoạt 8 triệu đồng, Đỗ Văn Dũng chiếm đoạt 30 triệu đồng.
Lại nói về chuyện trúng thưởng ô tô, ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện truyền thông của Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam đều lên tiếng bác bỏ chương trình trúng thưởng. Đại diện truyền thông của Hãng Toyota Việt Nam khẳng định: "Toyota mới thành lập được 20 năm. Thông tin thành lập 80 năm trên facebook là không chính xác" Vị này cũng cho biết, trên facebook, công ty này chỉ có fanpage chính thức duy nhất tại địa chỉ: https://www.facebook.com/ToyotaVietnam. Các facebook khác đều là giả mạo. "Toyota Việt Nam không triển khai chương trình trúng thưởng nào như đã nêu ở trên", đại diện Toyota Việt Nam cho hay.
Đại diện của Honda Việt Nam cũng cho biết, trang facebook chia sẻ chương trình trúng thưởng 80 ô tô Honda CRV 2016 là giả mạo facebook của Công ty Honda Việt Nam. Công ty cũng không có chương trình trúng thưởng nào như facebook giả mạo đã nêu. Trên facebook, Honda Việt Nam chỉ có hai trang fanpage là https://www.facebook.com/HondaVietnam/ và https://www.facebook.com/HondaFunVietnam.
Nhiều người sử dụng facebook lúc này mới nhận ra mình bị "dắt mũi", anh Nguyễn Minh Hùng (20 tuổi, sinh viên) cho biết: "Mình thấy trang này có tên, ảnh của Hãng Toyota, thông tin lại có nhiều người là bạn bè mình chia sẻ nên rất tin tưởng. Mình cũng muốn thử vận may, còn chia sẻ nhiều lần cho bạn thân. Hóa ra là lừa đảo. Đúng là không bao giờ có của trời cho".
Bàn về tình trạng lừa đảo trên facebook, blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng, hiện tượng câu like, status lừa đảo ngày càng phổ biến. Nguyên nhân mà chuyên gia truyền thông xã hội này đưa ra là: Không phải ai cũng thuộc nhóm người thường xuyên cập nhật thông tin, xu hướng trên mạng xã hội hoặc có thâm niên sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, kẻ lừa đảo dễ dàng đánh trúng tâm lý thích hàng khuyến mãi, ham trúng thưởng của người sử dụng.
Nguyễn Ngọc Long cho biết "nhiều người cho rằng share tin khuyến mãi thì mình không mất gì mà lỡ khuyến mãi thật thì biết đâu mình lại trúng thưởng. Vì vậy, họ dễ dàng tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Họ không ý thức được rằng, một "cú" share thông tin như vậy sẽ là mang uy tín cá nhân của mình ra để tiếp tay cho hành vi lừa đảo. Người thân và bạn bè của họ có thể trở thành nạn nhân mà họ không hay biết". Blogger Nguyễn Ngọc Long khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội nên kiên quyết nói không với các hành vi câu like không lành mạnh. "Để xác minh tính đúng đắn của một thông tin lan truyền trên mạng xã hội đòi hỏi nhiều kỹ năng. Thí dụ như kỹ năng quan sát, phân tích, phản biện... cũng như cần có các mối quan hệ đa dạng, các nguồn thông tin khác nhau để tham khảo hoặc kiểm chứng đa chiều. Đây vốn là thứ mà giới trẻ chưa được trang bị tốt", chuyên gia này cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.