(HNM) - Khi vào viện, bên cạnh nhu cầu chữa bệnh, người dân còn có nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở, vệ sinh cá nhân, giao tiếp với thầy thuốc, hiểu biết về chăm sóc và phòng bệnh... những nhu cầu đó được các nhân viên y tế đáp ứng, góp phần tác động đến chất lượng điều trị.
Mang trọng trách nặng nề này chính là các điều dưỡng viên. Mặc dù vậy, mỗi khi có "chiến công", dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, mọi người vẫn thường chỉ nghĩ tới công lao to lớn của các bác sĩ mà ít nghĩ tới một lực lượng chiếm tới 50% nhân lực ngành y tế này.
Điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
Nỗi lòng ai tỏ
Một ngày làm việc của Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nội (Bệnh viện Xanh Pôn) Đặng Thanh Hằng bắt đầu từ 7h45. Sau khi họp giao ban, chị vào ngay guồng quay của công việc: đi buồng nhận bệnh nhân, giới thiệu với bệnh nhân về mình; kiểm tra lại các thông số thiết bị y tế đang vận hành so với y lệnh điều trị, từ đó phân loại, nhận định tình hình sức khỏe của bệnh nhân để có kế hoạch chăm sóc; làm các công đoạn vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân; cho bệnh nhân ăn (ngày 6 bữa), giúp tập luyện phục hồi chức năng... Kết thúc một lộ trình chăm sóc bệnh nhân thường vào khoảng 12h30 trưa. Khối lượng công việc lớn khiến chị hầu như không còn phút nào để nghỉ, chưa kể, trong quãng thời gian đó, có biết bao bệnh nhân cấp cứu mới khác nhập khoa mà chị cùng đồng nghiệp phải tiếp nhận hoặc đưa bệnh nhân đi chiếu, chụp, xét nghiệm theo y lệnh điều trị mới... Công việc lặp lại tương tự như buổi sáng tiếp tục cho tới 5h chiều. Những ngày trực đêm, điều dưỡng viên phải thức trắng bên cạnh bệnh nhân.
Mỗi ngày qua đi, đối với chị Hằng là một ngày vui vì đã góp phần cùng các bác sĩ chữa lành bệnh cho mọi người, nhưng cũng không ít nỗi nhọc nhằn. Chị bảo, đặc thù của khoa đa phần là tiếp nhận bệnh nhân nặng, bệnh nhân cần điều trị kịp thời nên lúc nào nhân viên trong khoa cũng tất bật, thêm nữa, nhân viên y tế ở đây luôn là người đầu tiên đương đầu với các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: cúm A/H1N1, H5N1, tiêu chảy cấp, HIV, lao... nguy cơ lây nhiễm rất cao nên phải yêu nghề nhiều lắm mới trụ được. Và, từ sâu kín trong lòng, chị chỉ mong được mọi người nhìn nhận điều dưỡng là một nghề độc lập, có "sân" để sinh hoạt khoa học riêng, có thu nhập bảo đảm cho cuộc sống...
Nhân tố quyết định sự thành công
Cả nước có hơn 80 nghìn điều dưỡng viên, hộ sinh viên với 7,5% ở trình độ cao đẳng, đại học trở lên (chỉ khoảng 70 điều dưỡng viên có bằng thạc sĩ và tiến sĩ), 82% có trình độ trung học và 10,5% có trình độ sơ học. Hiện tại, nước ta đang thực hiện 4 chương trình đào tạo điều dưỡng là y tá thôn bản (1 năm), điều dưỡng trung học (2 năm), điều dưỡng cao đẳng (3 năm), cử nhân điều dưỡng (4 năm) và thạc sĩ điều dưỡng (2 năm). Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh đã đào tạo đến khóa thứ 3 thạc sĩ điều dưỡng, sắp tới ĐH Y Hà Nội, ĐH Điều dưỡng Nam Định cũng sẽ chính thức đào tạo diều dưỡng hệ thạc sĩ. |
Những tâm sự trên không chỉ của riêng điều dưỡng Hằng, mà nó là nỗi niềm của rất nhiều điều dưỡng. Do thiếu nhân lực nên một điều dưỡng luôn phải gồng mình để làm việc gấp đôi, ba lần so với quy định.
Thực tế hiện nay, khi chủ trương chăm sóc người bệnh toàn diện (CSNBTD) được Bộ Y tế triển khai tại bệnh viện, thì nhân tố để quyết định sự thành công chủ trương không ai khác chính là đội ngũ điều dưỡng. Hoạt động của đội ngũ này đóng góp trên 50% kết quả khám, chữa bệnh cũng như uy tín của bệnh viện. Đạo đức, tính nhân đạo, lương tâm trách nhiệm người thầy thuốc cũng sẽ thể hiện ở việc CSNBTD. Vì thế, thực hiện CSNBTD là một yêu cầu pháp lý và một việc cần làm. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này đang gặp nhiều thách thức.
Đầu tiên là thiếu nguồn lực cần thiết để thực hiện CSNBTD. Biên chế điều dưỡng ở đa số các bệnh viện còn thiếu, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp. Vì thiếu nhân lực nên nhiều bệnh viện mới triển khai CSNBTD tại khoa hồi sức cấp cứu, còn tại các khoa khác những chăm sóc cơ bản như: vệ sinh cá nhân, thay đổi tư thế, ăn uống, hỗ trợ tinh thần... chủ yếu vẫn do thân nhân người bệnh đảm nhận. Phương thức cung cấp dịch vụ chăm sóc chưa khoa học, vẫn áp dụng phương thức phân công điều dưỡng viên theo công việc là chính. Nhân lực điều dưỡng đã thiếu lại bị huy động vào các công việc hành chính như thanh toán viện phí, thống kê. Các thủ tục hành chính còn rườm rà khiến điều dưỡng viên phải làm nhiều công việc không thuộc trách nhiệm của họ...
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, dịch vụ chăm sóc sức khỏe của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế, tác động trực tiếp tới tỷ lệ tử vong, tỷ lệ biến chứng, rút ngắn ngày điều trị. Do đó, muốn khắc phục những tồn tại trên, hoàn thiện chủ trương CSNBTD, giúp người điều dưỡng phát huy hiệu quả công việc của mình, trước tiên phải có sự thay đổi trong nhận thức của ban giám đốc, từ đó tăng cường nguồn nhân lực, bố trí điều dưỡng viên làm đúng nghề, giảm bớt các công việc hành chính, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng. Khi đã có sự quan tâm, lãnh đạo các bệnh viện sẽ cân đối trong đầu tư cho việc mua sắm phương tiện điều trị và các dụng cụ cần cho người bệnh...
Mặc dù vất vả, công lao chưa được nhiều người nhìn nhận đúng nhưng hiện vẫn có nhiều, rất nhiều điều dưỡng viên lăn lộn, tâm huyết với nghề, tận tâm chăm sóc người bệnh. Vẫn biết, công đầu thuộc về những bác sĩ chỉ định, kê đơn điều trị, nhưng với vai trò chăm sóc, theo dõi bên cạnh bệnh nhân hằng ngày, hằng giờ, những điều dưỡng viên đã đóng góp sức mình vào mỗi chiến công. Nếu thiếu một trong hai lực lượng này, chắc chắn "cuộc chiến" giành lại sự sống cho bệnh nhân của các bệnh viện sẽ khó thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.