Xã hội

Những ''chiến sĩ cầm bút'' trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Triệu Hoa 19/06/2020 08:45

Đại dịch Covid-19 đặt ra những áp lực chưa từng có tiền lệ với báo giới. Là người "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch, những người làm báo, trong đó có đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo Hànộimới được “kích hoạt” sự năng động, chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm, bản lĩnh, lòng yêu nghề ở mức tối đa. Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), cùng nghe họ kể về những kỷ niệm vui, buồn trong tác nghiệp thời Covid-19.


Phóng viên Ban Văn hóa - Xã hội Lưu Thị Thu Trang:
Mất Tết và sụt 3kg

Sáng 30 Tết Nguyên đán Canh Tý (tức ngày 24-1-2020) với tôi có lẽ đã là nguyên vẹn niềm vui đoàn tụ gia đình, cảm giác háo hức chờ đón Giao thừa nếu không liên tiếp xuất hiện thông tin về bệnh viêm phổi lạ lây lan mạnh tại Trung Quốc.

Tôi lập tức gác lại mọi việc bếp núc cho bữa cơm tất niên để nắm bắt các thông tin liên quan đến số người Việt Nam từ Trung Quốc trở về có nguy cơ nhiễm bệnh. Những người thân đã quá quen với những công việc đột xuất của nữ nhà báo trong gia đình nên đều cảm thông, thay tôi hoàn thành nốt bổn phận của “dâu trưởng”.

Áp lực công việc khiến tôi bỏ nhiều bữa ăn, thậm chí đi vệ sinh cũng phải ôm... máy theo vì sợ sót, lọt thông tin. Sau những ngày cao điểm chống dịch, tôi bị sụt 3kg, người gầy rộc.

Trưa muộn ngày 30 Tết, tại trụ sở Bộ Y tế, tấm biển “Chúc mừng năm mới” đỏ rực rỡ treo ở hội trường dường như không còn mấy ý nghĩa. Sức nóng lúc này tập trung vào cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Đảm nhiệm công việc tường thuật tin tức từ cuộc họp và liên tục cập nhật các thông tin do Sở Y tế, Bộ Y tế đưa ra trong những ngày tiếp theo đã khiến Tết Canh Tý 2020 trôi qua lúc nào không hay. Ròng rã nhiều thời gian sau đó, từ sáng sớm đến đêm muộn, tôi liên tục di chuyển và “ôm” máy tính để hoàn thành công việc, có ngày cao điểm lên đến 14-15 tin, bài.

Chưa khi nào thấy bị mẹ “bỏ rơi” lâu đến thế, cậu con trai 13 tuổi đôi khi tỏ ra buồn bã, tủi thân. Thấy tôi liên tục thông tin về các ca bệnh, bắt cả nhà rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, chồng tôi thường nói vui: "Kiến thức về dịch bệnh của em có khi còn hơn cả cán bộ y tế. Nhà mình đố ai được phép chủ quan, lơ là…”.

Rất may, Ban Biên tập và lãnh đạo Ban đã luôn động viên và sớm “chia lửa” với phóng viên y tế. Bên cạnh tôi luôn có những đồng nghiệp cùng hỗ trợ tác nghiệp. Đặt mình vào vị trí của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch, chúng tôi đều ý thức rõ trách nhiệm và cố gắng để vượt qua mọi khó khăn, vất vả.

Phóng viên Lưu Thị Thu Trang (thứ hai từ bên trái) được trao Giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm 2015-2020 của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, sáng 16-6.

Biên tập viên Ban Thư ký tòa soạn Vũ Thị Minh Thúy:
Niềm hạnh phúc của những người “không tên”

Không xông pha trực tiếp trên “mặt trận” chống Covid-19 như cánh phóng viên, nhưng những người làm công tác tòa soạn cũng chịu nhiều áp lực riêng. Người làm biên tập không phải lao đi trên những cung đường hay xông pha vào điểm “nóng” của dịch, nhưng dù ngồi một chỗ, các biên tập viên vẫn buộc phải bao quát thông tin, nắm chắc mọi diễn biến đang xảy ra ngoài cuộc sống.

Trao đổi về tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên Báo Hànộimới.

Vào tháng 4-2020, những người làm công tác tòa soạn luôn đối mặt với những ca trực gấp gáp đến mức không kịp ăn tối. Các ê-kíp đều tập trung cao độ, chạy đua với thời gian để kịp tiến độ xuất bản.

Khoảng thời gian 19h mỗi ngày là thời điểm phóng viên gửi thông tin đầy đủ về tòa soạn, với tuyến thời gian từ sáng đến tối, trải rộng từ vùng lõi của Thủ đô đến vùng ngoại thành xa xôi như Ba Vì, Mỹ Đức… Trước chất liệu ngồn ngộn và "nóng" được phóng viên cập nhật, biên tập viên phải khớp nối thông tin vùng, miền; cô đọng nội dung mà vẫn bảo đảm chuyển tải đầy đủ mọi mặt công tác phòng, chống dịch của trung ương và thành phố.

Kết thúc một ngày làm việc, dù cơ thể mỏi nhừ, mắt cay xè nhưng nhìn trang báo đầy đặn thông tin, chúng tôi đều vui. Sự vất vả được bù đắp khi mỗi sáng mai, cầm trên tay tờ Hànộimới thân thuộc, bạn đọc được nhận những thông tin thiết thực và nắm rõ diễn biến, tình hình chống “giặc” Covid-19.

Những người làm công tác tòa soạn, tuy thầm lặng ở phía sau và chịu những áp lực không phải ai cũng hiểu, nhưng luôn hạnh phúc với công việc “bếp núc” của mình. Công việc có vất vả đến đâu  đi chăng nữa, nhưng khi nhận được những dòng thư của bạn đọc gửi về thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của thành phố về công tác chỉ đạo điều hành chống dịch Covid-19, chúng tôi lại được tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của những người “không tên”…

“Vai trò của lực lượng báo chí rất đáng tự hào!”

Chiều 16-6, phát biểu tại cuộc gặp mặt đại biểu các cơ quan thông tấn, báo chí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, trên mặt trận chống dịch ở Hà Nội, phóng viên các cơ quan báo chí đã vào cuộc với tinh thần như người chiến sĩ. Trong 4 lực lượng y tế, quân đội, công an và báo chí thì lực lượng báo chí có mặt trên tuyến đầu chống dịch đã đóng vai trò rất quan trọng, rất đáng tự hào. 


Biên tập viên Ban Báo điện tử Triệu Hoa:
Trân trọng những cộng tác viên đặc biệt

Tối 6-3, Hà Nội đón tin chẳng lành về ca bệnh thứ 17, bệnh nhân đầu tiên của thành phố, tôi ý thức rõ ràng hơn cả về trách nhiệm với công việc. Hơn 10 năm tác nghiệp tại Ban Báo điện tử giúp tôi hiểu rằng, vào những thời điểm "nóng", sự xông pha, dấn thân của người làm báo sẽ đem lại nhiều giá trị và thông tin hữu ích cho độc giả. 

Ngay khi những tấm rào chắn barie đầu tiên được dựng lên ở hai đầu phố Trúc Bạch (quận Ba Đình), tôi đã có hình ảnh gửi về tòa soạn. Sáng sớm hôm sau, với lọ cồn sát khuẩn và khẩu trang mang theo, tôi cùng đồng nghiệp của mình có mặt ngoài hàng rào khu cách ly tại phố Trúc Bạch.

Biên tập viên Triệu Hoa (ngoài cùng bên trái) trong ống kính đồng nghiệp khi tác nghiệp phía ngoài cổng Bệnh viện Bạch Mai vào đêm dỡ bỏ phong tỏa cách ly (ngày 12-4).

Với chiếc khẩu trang và chai cồn sát khuẩn, tôi cùng đồng nghiệp lao vào các điểm "nóng”. Say nghề, hiếm khi chúng tôi e ngại mình sẽ bị nhiễm bệnh hay để cho mối lo lắng đó lấn lướt, cản trở nhiệt huyết làm báo.

Nhận thấy người dân trong khu cách ly được quan tâm, chăm sóc chu đáo, tôi dự định viết một bài về sự bình yên nơi đây. Tuy nhiên, do yêu cầu ngặt nghèo của công tác cách ly, tôi không thể bước qua hàng rào, vào sâu tác nghiệp bên trong.

Ý tưởng nhờ những cộng tác viên “đặc biệt” nảy ra, tôi vận dụng hết các mối quan hệ với bà con trong khu phố để phỏng vấn qua điện thoại và nhờ họ chụp lại những bữa cơm trưa, những sinh hoạt hằng ngày trong khu cách ly. Dù thông tin nhận được còn rời rạc, ít ỏi; những hình ảnh còn chưa chuẩn về bố cục, chất lượng nhưng thật đáng quý khi chúng được gửi ra với mong muốn được đưa lên báo, là lời nhắn gửi về cuộc sống bình yên, lạc quan trong khu phố.

Cách tác nghiệp này cũng được tôi áp dụng khi viết bài về các chiến sĩ trong Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm phục vụ tại khu cách ly Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Nghe những lời kể qua điện thoại, tôi có thể cảm nhận vô vàn áp lực, nỗi khó khăn, vất vả cũng như hạnh phúc nhận lại trong những ngày “nhường cơm sẻ áo” với bà con. Dù hết sức trân quý các nhân vật của mình nhưng tiếc tôi chưa có cơ hội trực tiếp gặp mặt nhiều người trong số họ.

Dịch Covid-19 đã cho chúng tôi những kỷ niệm, tình cảm thật đặc biệt, và hơn thế là cơ hội để rèn giũa, nâng cao khả năng làm việc chuyên nghiệp hơn.


Phóng viên Nguyên Hoa (Ban Xây dựng Đảng - Nội Chính):
Dặn các con “thấy mẹ về phải tránh xa”

Những ngày cao điểm của dịch Covid-19, trong khi mọi người ở nhà chấp hành nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ thì tôi lại thường xuyên tham gia cùng các đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đi thăm, tặng quà, động viên các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.

Các điểm đến thường là khu cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện dã chiến Mê Linh, xóm chạy thận Bạch Mai, chốt chống dịch tại các cửa ngõ Thủ đô… Ấn tượng nhất đối với tôi là lần cùng đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đi tặng quà cán bộ, bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Phóng viên Nguyên Hoa (thứ 2 từ phải sang).

Khi đó, hai địa chỉ này đang trực tiếp điều trị cho nhiều người bị nhiễm bệnh nên khi nhận nhiệm vụ tôi có chút do dự. Nhưng rồi, “xốc” lại ngay tinh thần, tôi quyết định tham gia cùng đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường. Trước khi đi, tôi dặn các con “thấy mẹ về phải tránh xa” và không quên “thủ” sẵn trong cốp xe chai nước muối, bộ quần áo để về đến nhà sẵn lao vào nhà tắm…

Phóng viên Đào Minh Huyền (Ban Nông nghiệp - Nông thôn):
Được truyền động lực từ người dân trong “ổ dịch”

Nhiều buổi trưa, do chưa chụp được những bức hình ưng ý, tôi chạy đi mua hộp mì tôm mang về, xin nước sôi của cán bộ trực chốt, rồi vừa ăn vừa đợi. Sự chấp hành nghiêm túc quy định cách ly của bà con khiến chúng tôi cảm động và có thêm động lực làm tốt công việc của mình.

Trưa 15-4, khi ca nhiễm Covid-19 tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) được công bố, tôi cùng đồng nghiệp lập tức lên đường. Để vào được điểm chốt tại đầu thôn, với sự hỗ trợ của cán bộ y tế huyện, chúng tôi được trang bị quần áo chống dịch. Từ chiếc thẻ nhà báo đến cái túi xách máy tính hay máy ảnh mang theo đều được phun khử khuẩn…

28 ngày sau đó, khi Đông Cứu vẫn thực hiện cách ly, chúng tôi vẫn thường xuyên có mặt. Dù không được vào sâu trong thôn, nhưng tại các điểm chốt y tế bên ngoài, chúng tôi cùng với cán bộ trực chia sẻ mọi thông tin hoặc ngồi đợi người dân ra nhận các nhu yếu phẩm từ các cơ quan chức năng hoặc từ người nhà để kịp thời phỏng vấn, chụp ảnh…

0h ngày 6-5, thời điểm người dân thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) được dỡ bỏ cách ly, anh em phóng viên lại vội vàng với túi cơm hộp, ngồi quanh thôn từ sớm để đợi đến giờ thông báo hết cách ly. Sau 0h, người dân Hạ Lôi vui mừng trở lại với cuộc sống hằng ngày, họ ra đồng cắt hoa sớm để đi bán… Tiếp tục ghi nhanh nhịp sống đã trở lại bình thường nơi đây, chúng tôi ra về lúc 4h sáng mà niềm vui ăm ắp, sự mỏi mệt tan biến.

Hình ảnh ghi nhận cách ly tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) của phóng viên Đào Minh Huyền.


Phóng viên Vũ Thị Dung (Ban Bạn đọc):
Gặp nhiều phản kháng từ những “hạt sạn” ý thức

Từ tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nhóm phóng viên Ban Bạn đọc được giao viết các bài phản ánh, ghi nhanh tình trạng người dân tụ tập ăn uống, cà phê, không tuân thủ nghiêm quy định về phòng dịch.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi chúng tôi ghi nhận, chụp ảnh tại các địa điểm hàng quán, chợ, siêu thị, công viên... đều nhận sự phản kháng của người dân. Đơn cử như các cửa hàng bán kim khí ở đường La Thành, khi phóng viên giơ máy lên chụp thì tất cả cùng đứng dậy và quay lưng lại, tỏ thái độ khó chịu. Hoặc tại các chợ cóc, chợ tạm, nhiều tiểu thương còn tỏ ý thách thức. Thậm chí, một số nhân viên các điểm rửa xe “chui” đầu phố Võ Thị Sáu còn lớn tiếng chửi bới, dọa nạt.

Tuy nhiên, đó là những việc làm vi phạm các quy định trong phòng, chống dịch nên chúng tôi kiên quyết đưa lên mặt báo.

Đặc biệt, trong tháng 4-2020, khi thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội, mỗi ngày phóng viên đều nhận lệnh “ra đường” ngày hai buổi để ghi nhận mặt được và những “hạt sạn” ý thức vẫn còn nhiều trong thực tế. Mọi thông tin, hình ảnh đều được cập nhật nhanh nhất để kịp đăng tải lên ấn phẩm Hànộimới Điện tử.

Một số bài ghi nhanh về giãn cách xã hội của phóng viên Báo Hànộimới.

Đền đáp cho những vất vả trải qua, mỗi ngày chúng tôi đều nhận được sự hợp tác, tinh thần cầu thị của lãnh đạo các xã, phường, quận, huyện khi nhanh chóng xử lý các vi phạm được Báo phản ánh. Trong 30 ngày liên tiếp, hàng trăm bài viết ăm ắp thông tin được đăng tải trên Báo Hànộimới điện tử và Báo Hànộimới hằng ngày. Những bài viết đó là “đặc sản”, thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của những người làm báo Thủ đô trong cuộc chiến cùng thành phố phòng, chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ''chiến sĩ cầm bút'' trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.