(HNM) - Trong 12 ngày đêm năm 1972 căn hầm khá lớn nằm giữa nhà in và tòa soạn Báo Hànộimới (nay vẫn còn dấu tích) luôn sáng ánh nến và đèn dầu. Từ Tổng Biên tập, phóng viên đến nhân viên, công nhân sắp chữ, sửa bài... ra vào tấp nập. Mỗi khi có phóng viên “chiến trận” quần áo lấm lem đầy bụi đất trở về, mọi người lại tíu tít...
Trang báo Hànộimới viết về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 cách đây 45 năm. |
- Người chết nhiều không?
- Ga Hàng Cỏ có bị sập hết không?
- Mấy nhà điều trị Bệnh viện Bạch Mai bị phá hủy?...
Phóng viên ảnh Trần Châu xòe ngay những bức ảnh vừa chụp về đặt cả lên bàn thay cho câu trả lời.
Từ đêm 17 rạng ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá Thủ đô Hà Nội bằng máy bay ném bom B.52. Địch nói sẽ san bằng Thủ đô ta, đưa trở về thời kỳ đồ đá. Những chiếc B.52, chúng bảo đó là những pháo đài bay bất khả xâm phạm. Phi công được đào tạo hết sức bài bản, tốn kém, giàu kinh nghiệm. Chúng khoác lác, bay vào Hà Nội, trút bom xong lại bay ra như một cuộc dạo chơi.
Chúng đâu có biết rằng, quân dân Thủ đô đã chuẩn bị lực lượng phòng không chờ chúng từ lâu. Các lực lượng tên lửa, pháo 100mm, 57mm, 37mm và các loại súng máy 12,7mm, 14,5mm, súng trường và không quân tạo ra một thế trận phòng không nhiều tầng nhiều lớp, cả tầm cao và tầm thấp đều đã sẵn sàng nghênh địch.
Ngay đêm đầu tiên, chúng ta đã bắn rơi máy bay B.52 khi chúng đến đánh Đài phát thanh Mễ Trì và xã Uy Nỗ (Đông Anh). Rồi cứ như thế trong 12 ngày đêm, hầu như ngày nào cũng có B.52 bị rơi, có nhiều chiếc rơi tại chỗ, bắt sống phi công. Tin tức từ các hãng thông tấn phương Tây lúc đó nói Mỹ đã mất mấy chục chiếc B.52 và hàng chục máy bay cường kích, tiêm kích các loại.
Hằng ngày, cứ mỗi buổi sáng, rất đông người đến trụ sở Báo Hànộimới đọc tin chiến thắng trên báo. Họ còn được nghe trực tiếp từ những “phóng viên mặt trận” mô tả kỹ càng trận đánh đêm qua.
Điện từ UBND thành phố liên tục yêu cầu Báo Hànộimới, lúc thì cho phóng viên đi theo Chủ tịch Trần Duy Hưng, lúc thì theo các phó chủ tịch xuống hiện trường... Phóng viên Báo Hànộimới những ngày ấy cũng thực sự là chiến sĩ.
Đang vui mừng trước chiến thắng Điện Biên Phủ trên không thì Tổng Biên tập Nguyễn Hồng Lĩnh nhận được lời mời của Tổng Biên tập Báo Béc-lin Sai-tung sang thăm hữu nghị. Vừa đặt chân tới Béc-lin, phía báo bạn đã tới tấp hỏi:
- Hà Nội bị tàn phá như thế nào?
- Bao nhiêu người chết, bao nhiêu nhà bị phá hủy?
- Sân bay bị phá hỏng hết các đồng chí sang đây bằng cách nào?
- Trong những ngày ác liệt ấy Hànộimới có xuất bản được không?...
Đồng chí Hồng Lĩnh tươi cười mở cặp rút ra 12 số báo của 12 ngày đêm nói:
- Các đồng chí sẽ thấy rõ quân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu dũng cảm như thế nào có trong những số báo này. Báo Hànộimới vẫn xuất bản đều kỳ trong 12 ngày đêm.
Các bạn Đức chia nhau xem những số Báo Hànộimới, tuy chưa hiểu được nội dung bài báo bằng tiếng Việt, xong cũng phần nào thấy được những chiến công của quân dân Thủ đô qua các bức ảnh máy bay B.52 của Mỹ bị bắn rơi.
Sáng hôm sau, trên Báo Béc-lin Sai-tung dịch, đưa nguyên văn nhiều bài tường thuật quân dân ta chiến đấu dũng cảm đã đăng trên Báo Hànộimới.
Với bề dày lịch sử 60 năm, 12 ngày đêm chỉ là một khoảnh khắc, xong có lẽ là những khoảnh khắc hào hùng, chói sáng mà các thế hệ làm Báo Hànộimới khó có thể quên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.