(HNM)- Tháng Tư này, các anh em CCB Thủ đô Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 anh hùng lại trở về chiến trường xưa. Với các anh, những phần đời đẹp nhất, tràn đầy sức xuân đã cống hiến trọn vẹn cho miền Đông đất đỏ.
Trên những khuôn mặt đầy suy tư, trăn trở với cuộc sống đời thường, còn phảng phất niềm vinh quang chiến thắng. Các anh cùng hướng về Nam, về với đồng đội còn nằm rải rác khắp rừng miền Đông với niềm xót thương mãi khôn nguôi.
Tượng đài ở nghĩa trang liệt sĩ đền Bến Dược.
Đi cùng đoàn CCB Hà Nội còn có vị tướng già Lê Nam Phong. Cuộc đời ông đã đi qua ba cuộc kháng chiến đánh Pháp, đánh Mỹ, và giúp bạn Campuchia. Cũng như các bạn chiến đấu của ông, những ký ức của một thời đạn bom khốc liệt mãi mãi không hề mờ phai...
Thời kháng chiến chống Mỹ, miền Đông Nam bộ là "lò lửa" chiến tranh khốc liệt... Nhằm cứu vãn chế độ ngụy quyền Sài Gòn, năm 1965, hàng chục vạn lính Mỹ và chư hầu với đội quân tinh nhuệ nhất nhảy vào miền Nam nhằm trong thời gian ngắn sẽ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng cách mạng. Chỉ trong vòng 6 tháng, những cánh rừng bạt ngàn miền Đông đã bị B52, chất độc hóa học, pháo bầy biến thành vùng đất chết, cỏ cây trơ trụi.
Đối mặt với Mỹ - ngụy, lực lượng Quân giải phóng ở chiến trường miền Đông có 3 sư đoàn chủ lực với mật danh là Công trường 9, Công trường 5 và Công trường 7, cùng với lực lượng vũ trang địa phương, du kích, biệt động thành. Những chiến khu D, chiến khu Minh Đạm, Dương Minh Châu, rừng Sác, địa đạo Củ Chi... đã trở thành vùng đất thép kiên cường.
Vùng Tây Bắc Sài Gòn được mệnh danh là vùng ''tam giác sắt'', bao gồm phần đất của 4 tỉnh: Sài Gòn - Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, cách trung tâm sào huyệt Mỹ- ngụy gần 70 km. Nơi đây có sông Sài Gòn và quốc lộ số 13, con đường chiến lược xuyên Đông Dương, là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và Mỹ - ngụy với sự hiện diện của đủ loại các phương tiện chiến tranh hiện đại B52, chất độc hóa học được báo chí Mỹ gọi là "vùng đất chết".
Còn nhớ những mùa khô đẫm máu, Mỹ - ngụy liên tiếp mở những cuộc hành quân Át Lát, Hòn đá vàng, Hòn đá bạc để gom dân và cuộc càn "Gian sơn xi-ty", "Móc câu", "Mỏ vẹt" hòng tiêu diệt cả 3 sư đoàn Quân giải phóng.
Dưới những cánh rừng xác xơ là những người con sinh ra từ đất Bắc - Trung - Nam, họ kiên cường bám trụ, quyết một lòng vì nước quên thân. Ngày ở dưới hầm sâu tránh đạn, đêm tập kích công đồn... thoắt đến, thoắt đi, xuất quỷ nhập thần gây bao kinh hoàng cho quân xâm lược. Thế "da báo", ta - địch kề bên, quân thù không sao phá được.
Đền Bến Dược, còn lưu danh hàng vạn chiến sĩ quê Hà Nội đã hóa thân vào đất đỏ miền Đông cho màu xanh vĩnh hằng của đất phương Nam.
Vùng đất này còn lưu danh tấm gương trung liệt của liệt sĩ Lê Hồng Sơn, người con của Hà Nội. Vừa rời ghế nhà trường, anh tới miền đất đỏ trở thành cảm tử quân trong một đơn vị đặc công nước đêm đêm đắm mình trong làn nước sông Sài Gòn, săn tìm tàu giặc. Một lần không may anh bị bắt. Bất chấp mọi thủ đoạn khảo tra tàn bạo, anh quyết không khai nửa lời, chúng đầy ải anh mãi tận đảo Phú Quốc xa xôi. Cùng đồng đội bí mật đào hầm vượt ngục, bị quân thù phát hiện, chúng đàn áp tập thể, Lê Hồng Sơn đứng ra nhận thay tất cả và đã hy sinh anh dũng.
Thị trấn Bình Long (tỉnh Bình Phước) hôm nay, những CCB không thể không nhắc đến chiến công có một không hai của một chiến sĩ người Hà Nội. Anh là Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1948, người làng Tiên Tảo, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn. 13h30 ngày 13/9/1969, người thanh niên này bằng một đường đạn 12,8 ly chính xác, đã bắn rơi tại chỗ chiếc trực thăng của một viên tướng Mỹ khi bay dọc đường 13...
Những ngày cuối năm 1972, từ địa đạo Củ Chi, Trung đoàn 209 vốn hầu hết CBCS là người Hà Nội đã âm thầm xé màn đêm luồn sâu tiến về giải phóng xã Phú Hòa Đông và xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, chỉ cách Sài Gòn 25 km. Choáng váng trước mũi gươm sắc bất ngờ chọc vào vùng ven đô, Mỹ - ngụy phản kích điên cuồng. Tại Tân Phú Trung, một cuộc chiến đấu quyết liệt không cân sức của gần 100 chiến sĩ cảm tử với một trung đoàn bộ binh ngụy có xe tăng, xe bọc thép và không quân, pháo binh Mỹ yểm trợ. Hầu hết các anh đã anh dũng hy sinh… chỉ còn một vài người may mắn sống sót trở về vùng địa đạo.
13 liệt sĩ được nhân dân thờ trong vườn nhà chị Nguyễn Thị Xuân ở ấp Bến Đò, xã Tân Phú Trung. Chị Xuân ngày ngày hương khói, chăm sóc cho linh hồn các liệt sĩ. Thi thể các anh may mắn được ông bà Dương Kim Thóng mai táng, nhưng không rõ họ tên. Cho đến khi đất nước thanh bình, những người đồng đội đi tìm gặp, mới trả lại tên, quê quán từng người thờ trong miếu nhỏ. Nhưng phần mộ đành để một danh sách tên chung.
Còn rất nhiều tấm gương những chiến binh Hà Nội ở miền Đông mà chúng tôi không thể kể hết tên trong bài viết nhỏ này. Họ chính là những chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc để các thế hệ mai sau đời đời biết ơn và ghi nhớ.
Sài Gòn và đất miền Đông đã 300 năm tuổi, Thăng Long - Hà Nội cũng vừa kỷ niệm 1.000 năm tuổi. Một chặng đường dài đầy phong ba bão táp. Hai trung tâm lớn của đất nước luôn sống, lao động, chiến đấu vì nhau. Biết bao mồ hôi, xương máu, tài năng và trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống miền đất phương Nam này. Họ cũng như các nghĩa sĩ thời mở cõi "thác đi" mà lòng vẫn "ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.