Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cầu nối văn hóa dân tộc

Đình Hiệp| 29/06/2014 06:52

(HNM) -

Các học viên tham gia lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt.



Gìn giữ văn hóa Việt


Lấy chồng ở Đài Loan (Trung Quốc) nhiều năm nay, chị Nguyễn Hồng Thắm - hiện làm phiên dịch ở Đài Trung - hiểu rõ hơn ai hết việc dạy tiếng Việt cho các con cũng như thế hệ người Việt thứ hai sinh ra và lớn lên ở đây như thế nào. Chị chia sẻ: "Việc dạy tiếng Việt không chỉ giúp chúng gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt mà khi về Việt Nam các con có thể giao tiếp tiếng Việt với mọi người được. Nếu sau này về Việt Nam đầu tư, biết tiếng Việt sẽ rất thuận lợi". Hiện chị Thắm đang tham gia giảng dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học ở thị trấn Chiêm Hóa nơi chị sinh sống. Chị cho biết: "Hai năm trở lại đây, chính quyền sở tại rất quan tâm đến các gia đình đa văn hóa Việt - Đài khi chủ trương mở các lớp dạy tiếng Việt ngay trong các trường tiểu học như một ngoại ngữ. Tùy từng trường, mỗi tuần các em được học khoảng 3 tiết tiếng Việt". Mặc dù đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở Đài Loan trước khi đứng lớp, nhưng chị Thắm vẫn hào hứng tham gia lớp tập huấn để có thêm kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho các em.

Là giáo viên có nhiều tâm huyết dạy tiếng Việt cho các con em người Việt ở Đức, bà Nguyễn Thu Loan cho biết: "Đối với tôi, công tác giảng dạy tiếng mẹ đẻ thực sự là một niềm vui, vì tôi rất yêu văn hóa truyền thống dân tộc. Qua công việc dạy, tôi giúp các cháu hiểu thêm và yêu nền văn hóa đất nước mình, qua đó tôi cũng tự tìm thấy niềm vui cho chính mình. Tôi mong muốn qua lớp tập huấn sẽ học tập được nhiều về phương pháp giảng dạy tiếng Việt từ các thầy cô, đồng nghiệp để áp dụng vào công tác giảng dạy tại Đức một cách có hiệu quả". Bà Loan nhấn mạnh rằng, việc dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt tại Đức không chỉ đơn giản là dạy ngôn ngữ mà quan trọng hơn là giúp các em gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam. "Họ chính là cầu nối đưa văn hóa Việt ra nước ngoài và ngược lại. Để làm tốt vai trò này, các em phải biết tiếng Việt, yêu quê hương, Tổ quốc mình…", bà Loan khẳng định.

Hướng về cội nguồn dân tộc


Đây là khóa tập huấn thứ hai được Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN tổ chức tại Hà Nội nhằm giúp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng NVNƠNN. Tham gia khóa tập huấn có hơn 30 giáo viên không chuyên, đang giảng dạy tại các lớp học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt hay các hội đoàn do người Việt Nam tổ chức ở các nước có nhu cầu học tiếng Việt như: Czech, Đức, Lào, Thái Lan, Anh, Romania, Ba Lan, Ukraine, Pháp, Trung Quốc…

Ông Phan Quốc Lợi, giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan cho biết: "Chúng tôi hết sức cảm động trước tình cảm của quê hương, đất nước dành cho con em xa xứ thông qua việc tổ chức lớp tập huấn ý nghĩa này. Tham gia lớp học, giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức về giảng dạy tiếng Việt, giúp các thế hệ người Việt trẻ ở khắp nơi trên thế giới biết đến văn hóa cha ông thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ, đồng thời qua đó để các cháu hướng về cội nguồn của dân tộc…".

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN khẳng định: "Với mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc ở thế hệ trẻ kiều bào, một trong những hoạt động được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm là công tác giảng dạy tiếng Việt để thông qua tiếng Việt hiểu văn hóa và truyền thống cha ông là một việc làm hết sức ý nghĩa. Khóa tập huấn này với lượng người tham gia đông gấp ba so với năm đầu tiên, đã thể hiện sự quan tâm của bà con kiều bào đối với công tác dạy tiếng Việt. Đây là một điều rất đáng mừng".

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia đầu ngành tiếng Việt ở các trường đại học và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp… cùng với sự nhiệt tâm của các học viên, khóa tập huấn sẽ đạt kết quả tốt hơn năm trước. Các học viên sẽ gặt hái được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế giảng dạy để tiếp tục gắn bó với công tác giảng dạy tiếng Việt - một công việc hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng NVNƠNN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cầu nối văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.