Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhưng câu hỏi về kế thừa

Quốc Ngọc| 01/08/2010 07:49

(HNM) - Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 và giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến, sân khấu ở Hà Nội hầu như chỉ có các vở cải lương ủy mị, sướt mướt. Cho dù khá nhiều nhà hoạt động nghệ thuật yêu thích và muốn dàn dựng kịch nói nhưng do nhiều khó khăn nên chỉ xuất hiện một vài nhóm.

Một cảnh trong vở kịch nói “Bản hùng ca linh thiêng”.


Chúng tôi lúc đó ở Đoàn ca kịch Sao Vàng, một đoàn nhỏ nhưng rất cơ động nên thích hợp cho các đêm kịch lửa trại. Chúng tôi mượn các bộ phản của người dân ghép lại làm sàn diễn, phông màn là một tấm vải đơn sơ, ánh sáng là một số đĩa đèn dầu lạc, song cũng đủ lung linh cho suốt hai tiếng đồng hồ vô tư say đắm. Còn nội dung vở diễn? Xin tóm tắt như thế này: Một ông lang đang ngồi hút thuốc lào thì có tiếng đập cửa, lao vào là một thằng lính Tây, hai tay ôm bụng la lối, van lạy... Ông lang bảo nó nằm lên bàn và cầm con dao chọc tiết lợn mổ phanh bụng thằng lính Tây và lấy ra nào chai rượu, rồi đôi giày xăng đá và cuối cùng là cái bản đồ Việt Nam. Ông lang chỉ vào mặt thằng lính Tây và nói rằng: Đây! Mày đau bụng hút chết là do lòng tham muốn cướp nước Việt Nam chúng tao. Hãy cút đi! Đỗ Nhuận đóng vai ông lang, còn tôi đóng vai lính Tây. Hai người rất nhập vai, riêng Đỗ Nhuận với tài hài hước đã gây được những trận cười thoải mái. Tất nhiên chúng tôi còn viết nhạc, hát hò... nhưng dạo đó, đóng kịch vẫn thú vị nhất và tác dụng cũng nhiều nhất, dẫu còn non nớt về nghệ thuật. Tôi đã trở thành diễn viên trẻ như thế.

Vào năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất thì đoàn kịch Việt Bắc, thuộc Bộ Tư lệnh Việt Bắc ra đời do Hoàng Cầm làm đoàn trưởng, tôi làm đoàn phó, có lúc làm chính trị viên. Đoàn chúng tôi diễn những vở từ một đến nhiều màn với sự dàn dựng công phu, chính quy. Địa bàn hoạt động của kịch Việt Bắc rất rộng và đối tượng phục vụ không chỉ là du kích và nhân dân địa phương mà còn là các đơn vị chủ lực như sư: 308, 316, 312... cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ. Có thể nói khán giả của chúng tôi là đại diện cho các lực lượng của cuộc kháng chiến toàn quốc. Vì cơ động nên sàn diễn tuy đơn sơ, nghèo nàn, bài trí thiên về tượng trưng, cách điệu nhưng chúng tôi đã diễn say sưa, nghiêm túc chẳng thua gì ngày nay.

Còn nhớ có buổi diễn, khi hạ màn mới biết là có anh Thế Lữ đến xem, anh lên sân khấu cầm tay tôi, nói như bốc lửa: Cám ơn, rất cám ơn, succés foux! (thành công rực rỡ). Tôi vẫn còn nhớ tên một số vở như: Tiếng đập cửa của Hoàng Tích Linh, Hai thái độ (không nhớ tác giả), Chị Chiên, Hòn đá của Đỗ Nhuận và một số lớn vở của Hoàng Cầm, trong đó phải kể đến, Ngày hội tòng quân (1 màn), Người con nuôi (3 màn), Về với Cụ Hồ (3 màn), Lào Cai giải phóng (5 màn). Ngoài ra còn các tác giả khác mà tôi không nhớ.

Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy có mối liên quan kế thừa, không phải bỗng dưng Việt Nam có một nền nghệ thuật sân khấu kịch nói như hôm nay. Một đoàn kịch 12 người (kể cả anh nuôi, y tá) đã diễn từng ấy vở. Một tác giả (Hoàng Cầm) viết từng ấy vở! Còn hôm nay, có rất nhiều nhà hát kịch với  điều kiện tốt hơn ngày xưa nhưng sao thấy ít đỏ đèn? Và sau khi Lưu Quang Vũ qua đời, không thấy ai viết khỏe như nhà thơ Hoàng Cầm, vì sao? Tôi không hiểu...?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhưng câu hỏi về kế thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.