Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những câu hỏi từ quả vải

Thủy Tiên| 22/06/2014 06:28

(HNM) - Tình trạng tiêu thụ vải năm nay ở hai vùng chuyên canh Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương), cũng chẳng khác gì những năm ngoái và cả những năm trước. Hơn phần nửa sản lượng trông vào thương lái Trung Quốc sang thu mua, số ít xuất sang thị trường Lào và Campuchia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Phần còn lại tiêu thụ trong nước.



Đầu mùa giá bán cao, khi vải chín rộ thì giá rẻ, thậm chí thời điểm giữa tháng 6, giá 1kg vải chỉ bằng 2 cốc trà đá. Trong khi người tiêu dùng hài lòng thì nông dân trồng vải kêu than vì số tiền thu được thấp hơn số tiền bỏ ra mua phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc, hái quả…

Để giúp nông dân sản xuất ra hàng hóa có chất lượng tốt và tiêu thụ được sản phẩm, từ lâu Nhà nước ta đã có chủ trương kết hợp 3 nhà là nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Thế nhưng trong lĩnh vực trồng cây ăn quả thì nhà khoa học dường như vẫn đứng ngoài.

Ai cũng biết rõ lợi ích nếu hoa quả chín rải ra, người trồng sẽ bán được giá hơn, người tiêu dùng cũng kéo dài thời gian thưởng thức. Song bao nhiêu năm nay chả thấy có đề tài nghiên cứu nào về vấn đề này.

Cũng vì vải chín dồn dập, bán quả tươi rẻ rúng nên ở vùng trồng vải Lục Ngạn nhiều hộ thu mua để sấy bán quả khô. Do sấy thủ công nên kém ngon so với vải khô Trung Quốc. Mặc dù công nghệ sấy chắc chắn không quá phức tạp, vậy mà nhiều năm nay nông dân vẫn cứ phải sấy kiểu thủ công. Sự ngoài cuộc của các nhà khoa học khiến người ta phải đặt câu hỏi: Phải chăng năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước có hạn? Hay vướng mắc về cơ chế, tiền bạc cho nghiên cứu?

Một chuyện tương tự là trong nhiều năm trở lại đây tình trạng, hàng nghìn xe tải chở dưa hấu dồn ứ hàng chục cây số ở cửa khẩu Lạng Sơn khi phía Trung Quốc điều chỉnh cách thông quan xảy ra khá thường xuyên, gây bức xúc dư luận. Dưa thối phải đổ đi dài vài cây số, lúc đó người ta mới ớ ra rằng ngành nông nghiệp chưa hề tính đến quy hoạch vùng trồng dưa hấu. Thậm chí UBND tỉnh Lạng Sơn có công văn gửi các tỉnh xuất dưa sang Trung Quốc nên chuyển hàng rải ra, tránh dồn vào một thời điểm để tránh thiệt hại cho bà con nhưng không tỉnh nào hồi âm. Họ cũng không hề khuyến cáo cho nông dân nếu đua nhau trồng dưa hấu hậu quả sẽ thế nào. Trở lại câu chuyện quả vải, liệu ngành nông nghiệp đã dựa theo số lượng tiêu thụ vải hằng năm trên thị trường để từ đó đưa ra quy hoạch diện tích trồng vải, tránh tình trạng nông dân đua nhau trồng tự phát, dẫn đến giá rẻ, gây thiệt hại cho nông dân và lãng phí cho xã hội?

Vừa rồi, khi thị trường biến động do thương lái Trung Quốc sang thu mua ít hơn, lúc đó cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi trồng vải mới vội vã vào TP Hồ Chí Minh tổ chức xúc tiến thương mại, điều đó cho thấy từ lâu nay, việc tiêu thụ vải chủ yếu do người trồng với thương lái trong và ngoài nước, thiếu hẳn sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Câu chuyện quả vải ở Lục Ngạn và Thanh Hà đã chỉ ra rằng trong lĩnh vực trồng hoa quả, nhất là đối với một nước nông nghiệp như nước ta, rất cần có sự tham gia của các nhà khoa học, của cơ quan chức năng trong lĩnh vực quy hoạch, điều tiết thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Nếu không làm tốt những việc đó, cứ để nông dân tự "bơi" thì cuộc sống của họ còn bấp bênh và khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những câu hỏi từ quả vải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.