(HNM) - Ở TP Hồ Chí Minh, người ta thường bị cuốn hút bởi sự sôi động, náo nhiệt của mảnh đất từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông - hoa lệ, hiện đại và
Nhọc nhằn mưu sinh chốn Sài thành. Ảnh: Tiến Thành |
Du khách khi đến với thành phố phương Nam thường yêu si mê cái nắng gắt, yêu những cơn mưa vội vã, say sưa khám phá những ngõ hẻm giữa lòng thành phố, rồi sung sướng khi lạc vào thiên đường ẩm thực Sài thành. Nhưng để có một thành phố năng động, để có những thứ đặc sản ẩm thực đường phố, không thể không nhắc đến chủ nhân của những gánh hàng rong. Họ là những người phụ nữ từ nhiều vùng quê đến với chốn phồn hoa, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ nuôi cả gia đình. Mỗi người một cảnh nhưng tất thảy đều có chung một nỗi vất vả, đôi khi họ phải đối diện với nỗi lo bị cướp giật, bị xua đuổi...
1. Sau cả tiếng túi bụi công việc cân bán trái cây, chị Nguyễn Thị Hà (quê Lý Nhân - Hà Nam) trở lại chiếc ghế con tiếp tục với hộp cơm đang ăn dở, đôi mắt lại thẫn thờ xa xăm. "10 hôm thì có tới 8 hôm ế hàng, cả hai vợ chồng quanh ra, quanh vào cũng chỉ đủ trang trải tiền thuê phòng trọ hằng tháng bên quận Gò Vấp và chi tiêu sinh hoạt. Tháng nào bán tốt mới có tiền gửi về cho hai con nhỏ ở nhà. Nhiều lúc nhớ gia đình lắm nhưng cũng chỉ biết gọi điện về hỏi thăm, nghe tiếng bọn trẻ là hạnh phúc lắm rồi…", chị Hà thở dài nói với chúng tôi giữa đêm Sài thành lất phất mưa.
Chị Hà kể với chúng tôi "chuyện hằng ngày" của hai vợ chồng. Cứ 3h sáng, hai người lại tất tả sang chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lấy hàng về sắp xếp phân loại. Chia đều cho hai xe hàng, hai vợ chồng lại rong ruổi khắp phố phường cho đến tận khuya. Nhiều lần đi bán hàng đêm, bị cướp, bị trấn lột. Ban đầu cũng lo sợ, nhưng vì miếng cơm manh áo nên anh chị đành liều. Ngày bán hết cả xe hàng cũng chỉ lãi vài trăm nghìn đồng, ngày ế hàng thì chỉ đủ rau cháo qua bữa. Bấm ngón tay, chị Hà nhẩm tính, bình quân thu nhập hàng tháng của anh chị chỉ khoảng 10 triệu đồng. Tằn tiện lắm cũng chỉ gửi được vài triệu đồng về quê cho con cái học hành. Ấy là chưa kể mỗi khi trái gió trở trời, xuân thu nhị kỳ về quê, nếu không tiết kiệm sẽ không có tiền về thăm con. "Nhiều nhà thưởng cho con khi đạt điểm 9, điểm 10 hay có thành tích học tập, nhưng nhà tôi chỉ có lời động viên qua điện thoại…" - chị Hà nghèn nghẹn khi nhắc về những đứa con xa của mình.
Đồng hồ điểm 23h, chiếc xe hàng của chị Hà lăn bánh về Gò Vấp. Cái bóng chị xiêu xiêu hắt xuống đường, lạc lõng dưới ánh đèn đủ màu sắc của phố thị về đêm…
2. Đêm khuya, Sài thành vẫn nườm nượp người qua kẻ lại trên những cung đường lấp lánh ánh đèn. Chúng tôi ghé vào một quán "di động" nhỏ trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 10). Tiếng là quán nhưng chỉ là một chiếc xe đẩy đặt trên vỉa hè với vài ba chiếc ghế nhựa. "Ăn chi em", chị Bùi Thị Mai (quê ở huyện Bố Trạch - Quảng Bình) đon đả mời mọc. Cái tính chân thật, hiền hậu của người miền Trung đã dẫn chúng tôi vào chuyện một cách thoải mái. Chị Mai gần 40 tuổi nhưng chiếc xe đẩy đã theo chị ngót mười lăm năm. Đến giờ, chị không còn nhớ mình đã qua bao nhiêu ngày mưa ngày nắng, qua bao nhiêu con phố trên đường mưu sinh. Nhưng có một điều chị nhớ, ấy là chiếc xe đẩy này là thứ hằng ngày tiếp sức cho con gái chị bước vào cổng trường đại học.
Người bán hàng rong ở TP Hồ Chí Minh đến từ nhiều nơi trên cả nước. |
Cuộc sống của chị chỉ giản dị là bán hàng và lấy sự trưởng thành của con làm niềm vui. Cũng may, đứa con gái giúp chị nguôi ngoai những nỗi buồn trắc trở gia đình. Vì thế, ngoài thời gian đi học đại học tại TP Hồ Chí Minh, cô con gái rượu lại đến phụ mẹ bán hàng. "Nghèo nhưng cũng cố cho con ăn học tử tế bằng bạn bằng bè, để sau này không lam lũ khổ cả một đời như mẹ nó", chị Mai nghèn nghẹn nói với chúng tôi… Câu chuyện không đầu, không cuối nhưng cứ miên man đến khi đồng hồ điểm 2h sáng. Lúc tạm biệt chị, tôi vẫn nhớ điệu cười nhăn nhó: "Lại lang thang đến sáng mai mới về chú ạ. Ngồi một chỗ không bán được hàng lại dễ bị dân phòng đuổi lắm". Cái dáng còm nhom gồng mình đẩy chiếc xe; làn khói phất phơ từ nồi hấp tạt về phía sau như tiếng thở dài hồi nãy của chị tan biến nhanh giữa khoảng không…
3. Hơn 2h sáng, bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn đường Trường Sa (quận Bình Thạnh), "thiên đường nhậu bình dân" của thành phố đã bớt tiếng ồn ào. Sài thành đang chìm dần vào giấc ngủ. Vậy nhưng bà Phạm Thị Xuân (hơn 65 tuổi, quê Quảng Nam) vẫn lầm lụi như chiếc bóng, tay cầm nào là lạc luộc, bánh phồng, bò khô… mời chào những người còn nán lại bên bàn nhậu: "Mua đi chú". Đã móm cả hàm răng, bà Xuân cho biết đã vào thành phố này "làm ăn" ngót nghét phần ba thế kỷ. Đời bà trải nhiều sóng gió, chồng mất sớm, không có sự dạy bảo của người cha, những đứa con của bà đua đòi ăn chơi rồi đứa thì chết vì ma túy, đứa thì đua xe bị tai nạn, sống trên vai gầy của người mẹ già.
Mưu sinh nơi đất khách lấy đêm làm ngày, bà đi bán hàng từ chập tối đến tận sáng hôm sau nhưng cũng chỉ được hơn trăm nghìn đồng. "Tuổi già rồi, sức yếu quá cảm giác không đi nổi nữa", bà nói với chúng tôi. "Người ta bảo trẻ cậy cha, già cậy bảo hiểm, nhưng tôi không biết sau này sức cùng lực kiệt, nằm một chỗ thì cậy nhờ ai!" - bà Xuân thở dài.
Đèn đường chợt vụt tắt, thành phố không ngủ đã bắt đầu một ngày mới. Những cái dáng liêu xiêu của chị Hà, chị Mai hay bà Xuân chìm vào dòng người hối hả.
*
* *
Chưa có một thống kê chính xác, nhưng ở thành phố phồn hoa này có hàng trăm nghìn người phụ nữ như thế… Nếu gạt đi những lo toan thường nhật, với chúng tôi, họ đã và đang đóng góp cho thành phố trẻ, đã tạo cho thành phố phương Nam một nét riêng có như lời nhận xét của những khách du lịch rằng: Những đôi quang gánh nặng trĩu với nồi tàu hũ nước đường, món phá lấu nghi ngút khói; những củ khoai lang vàng tím xếp ngay ngắn trên mâm là hình ảnh thân thuộc của gánh hàng rong Sài thành. Giữa phố thị sầm uất, đôi lúc chính những gánh hàng rong mới giữ được một nét sinh hoạt đời thường nơi đây. Và nếu người thành phố có thể lướt qua gánh hàng rong dễ dàng thì khách du lịch quốc tế lại thích thú nấn ná. Sài thành dù nắng hay mưa, ban ngày hay đêm khuya, những gánh hàng rong như "cửa hàng lưu động" xuất hiện rải rác khắp các nẻo đường. Nhiều người lo ngại hình ảnh thành phố trẻ mất đẹp khi khách tham quan bắt gặp những gánh hàng rong, nhưng thực ra, chính những gánh hàng rong đã tạo nên nét riêng cho thành phố tấp nập, để lôi cuốn du khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.