(HNM) - Trong không gian phố cổ Hà Nội, dòng người thong dong thả bộ, tán gẫu với nhau một cách thoải mái, ngắm nghía phố phường thanh bình, êm ả.
Bất chợt ở đâu đó, trong những góc phố nhỏ, hay giữa ngã tư đông đúc, người ta nghe thấy những điệu nhạc flamenco du dương, giai điệu pop ballad ngọt ngào, khúc romance lãng mạn hay tiếng kèn saxophone làm mê hoặc lòng người. Những tưởng đang lạc vào một khu phố nào đó giữa Paris hoa lệ, ai ai cũng cảm thấy lạ, tràn đầy hào hứng. Lần đầu tiên, người dân Thủ đô được tận hưởng những giai điệu âm nhạc đường phố đầy sức hút này...
Say mê cùng âm nhạc đường phố
20h ngày thứ sáu, đêm diễn đầu tiên của 3 đêm nhạc mỗi dịp cuối tuần. Còn 30 phút nữa mới đến giờ biểu diễn của các nghệ sĩ nhưng dường như các khu vực ngã tư có điểm nhạc đường phố đã không còn một chỗ trống. Ðể xem nhạc trên đường phố Hàng Buồm, nhiều khán giả "nhí" phải ngồi ngay dưới lòng đường.
Các nghệ sĩ âm nhạc đường phố biểu diễn tại ngã tư phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến. |
Vừa xem nhạc vừa nhảy giữa phố cùng nhiều người mới quen, bà Phạm Ngọc Trâm (ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Tôi sống ở phố cổ 67 năm rồi nhưng chưa bao giờ có nhạc đường phố hay như thời gian gần đây. Mỗi điểm nhạc đều có bản sắc riêng độc đáo trong từng tiết mục. Tôi thích nhất những tiết mục biểu diễn về ca trù và chầu văn".
Tại ngã tư Mã Mây - Lương Ngọc Quyến, sôi nổi, hào hứng và thu hút các bạn trẻ nhất là Mix band - ban nhạc biểu diễn nhạc sống giữa đường. Tất cả đều háo hức hòa mình vào những điệu nhạc, nhảy múa, vỗ tay thật thoải mái và tạo nên không khí thật sự rộn ràng. Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố đã mang đến một buổi tối cuối tuần thật đáng nhớ cho tất cả những ai tham gia.
Ban nhạc đường phố này được thành lập bởi các thành viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Họ đi dọc các tuyến phố đi bộ để biểu diễn cho mọi người theo ngẫu hứng, hay yêu cầu từ chính khán giả. Người xem đứng hoặc ngồi bệt xuống đường nhưng ai cũng hào hứng lắng nghe. Không bị gò bó, giới hạn với những khuôn mẫu của biểu diễn sân khấu, các nhạc công có thể "phiêu" với đủ thể loại nhạc, khán giả thoải mái cổ vũ và đứng gần hơn với các nghệ sĩ.
Phương Nguyên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Mình đã nhiều lần thấy âm nhạc đường phố nhưng chỉ nghe du ca thôi. Còn việc chơi nhạc với cả một band gồm keyboard, saxophone, trống và bass đầy đủ như thế này thì đây là lần đầu tiên. Các tiết mục rất hay. Mình thực sự rất thích thú. Thưởng thức nhạc sống với đủ thể loại ngay trên đường phố náo nhiệt thực sự là một trải nghiệm mới mẻ bạn không nên bỏ qua".
Hayley Eyer, 22 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp ngành truyền thông, đến từ bang California, Mỹ hào hứng chia sẻ: "Đêm nhạc tối nay thật tuyệt vời. Các nhạc công trên đường phố Việt Nam rất tài năng và họ trình diễn đầy đam mê và cảm xúc. Tôi cảm thấy rất vui khi không chỉ được nghe nhiều bài hát hay và nổi tiếng của Việt Nam mà còn được nghe lại nhiều ca khúc quốc tế mà tôi yêu thích. Ở Mỹ, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc đường phố là một điều rất phổ biến, tuy vậy, khi ở Việt Nam, tôi vẫn cảm thấy hoàn toàn mới mẻ và hứng khởi. Đây mới chỉ là ngày thứ 5 tôi ở đây nhưng tôi cũng đã có những trải nghiệm tuyệt vời".
Ban quản lý phố cổ Hà Nội mới đưa nhạc đường phố vào phục vụ người dân và du khách khoảng một tháng nay, đã tạo ra không gian lý tưởng thu hút khách du lịch. Với không gian phố đi bộ trải dài trên 6 tuyến gồm: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ, nhạc đường phố đã tạo ra sắc thái hoàn toàn mới cho phố cổ Hà Nội. |
Từ biểu diễn đến nhiệm vụ bảo tồn
"Diễn ngoài trời, chúng tôi hay phải di chuyển địa điểm nên không thông báo trước, nhiều hôm không hiểu sao khán giả vẫn biết địa điểm để đến, đó là hạnh phúc của chúng tôi. Họ đã không quay lưng với nghệ thuật đường phố. Mỗi đêm, chúng tôi diễn xong có hàng tập thư gửi đến để góp ý. Vậy nên chương trình và các tiết mục biểu diễn của chúng tôi chủ yếu diễn theo thư yêu cầu của khán giả. Chính vì vậy đoàn chúng tôi không chỉ diễn cho họ thưởng thức mà còn làm việc lớn hơn, đó là bảo tồn" - Nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN, cho biết.
Nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ, là nghệ sĩ, ông rất tự hào vì không chỉ du khách trong nước mà có cả du khách nước ngoài tụ họp ở các ngã tư này để thưởng thức những tiết mục âm nhạc cổ truyền. Tất cả cùng hòa vào các giai điệu, cùng nhảy múa, khiêu vũ, thoải mái giơ tay theo điệu nhạc, họ thật sự sống cùng âm nhạc chứ không chỉ đang nghe và nhìn. Đó cũng chính là những giá trị thật đặc biệt mà chỉ có những chương trình như thế này mới có thể mang tới cho người yêu nhạc.
Sau mỗi đêm diễn, một số khán giả không vội về, họ nán lại giao lưu với thành viên ban nhạc, người xin chữ ký, người xin số điện thoại, địa chỉ liên lạc, chia sẻ cảm xúc với nhau. Anh Lê Hải Tùng - thành viên của Mix Band, thấm mệt sau buổi biểu diễn vẫn tươi cười nói: "Không khí ngày hôm nay rất là tuyệt vời, những người xung quanh rất gần gũi. Ngoài những ca khúc của người lớn yêu cầu thì chúng mình muốn gửi đến các bạn nhỏ những ca khúc của tuổi thơ với mong muốn thay đổi không gian âm nhạc cho mọi người thưởng thức".
Khi được hỏi về điểm ấn tượng của nhạc đường phố, Hải Tùng chia sẻ: "Những giai điệu quen thuộc, ngọt ngào, ca sĩ hát "sống" với ban nhạc, vài chiếc đàn guitar, một bộ trống và những trái tim yêu nhạc… đó là những cung bậc xúc cảm đặc biệt mà chỉ âm nhạc đường phố mới có thể có được". Phong Việt - thành viên khác của ban nhạc cho hay: Sự tương tác đầy ngẫu hứng với khán giả chính là chất xúc tác để các nghệ sĩ đã biểu diễn với tất cả tình yêu ca nhạc của mình. Khán giả là nguồn động lực lớn của chúng tôi".
"Ở các nước khác, đặc biệt một số nước Châu Âu, nhạc đường phố đã có từ rất lâu rồi. Đưa nhạc đường phố vào biểu diễn sẽ tạo được ấn tượng với du khách khi họ đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, biểu diễn nhạc đường phố còn là bảo tồn văn hóa. Việc đan xen giữa các điểm nhạc đương đại và nhạc dân gian cổ truyền của Việt Nam trên các đường phố là sự phối hợp hài hòa. Ban quản lý phố cổ và các cơ quan chuyên môn cần quản lý, duy trì và phát triển bền vững loại hình này". Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam nói.
Như vậy, việc mở rộng thêm không gian đi bộ tại 6 tuyến phố thuộc khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội đã tạo điều kiện cho du khách có thêm nhiều hoạt động mới, đồng thời khép kín một hành trình trải nghiệm "ngắm nhìn - nghe - mua sắm - thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống" khi đến với Hà Nội. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo tiền đề quan trọng cho việc từng bước quy hoạch, mở rộng không gian đi bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.