Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bông hoa học giỏi, rèn luyện tốt

Thống Nhất| 18/05/2014 06:23

(HNM) - Đã thành truyền thống, ngày 18-5, gần 1.000 học sinh tiêu biểu đại diện cho 1,5 triệu HS Hà Nội năm học 2013-2014 được vinh dự tụ họp tại buổi lễ tuyên dương, trao thưởng của ngành.


Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, năm 2014 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thầy và trò toàn ngành - năm ghi dấu chặng đường 60 năm thành lập ngành GD-ĐT Hà Nội. Những thành tựu mà ngành đạt được là minh chứng cho chặng đường vẻ vang và vị thế "đầu tàu" của ngành giáo dục. Ghi dấu sự kiện ý nghĩa này, Hà Nội đã phát động đợt thi đua đặc biệt, phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS đều là những điển hình tiên tiến, thi đua dạy tốt, học tốt, rèn luyện tích cực, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển vững mạnh.

Năm học 2013 - 2014 có gần 1.000 gương mặt vinh dự được tuyên dương học sinh tiêu biểu. Ảnh: Bảo Lâm


Năm học 2013-2014, năm đầu tiên ngành GD-ĐT thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, ngành giáo dục Thủ đô đã cụ thể hóa tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT vào nhiệm vụ chính trị của ngành, tạo bước chuyển mạnh cả lượng và chất. Thực hiện chủ trương "Bám sát cơ sở, kỷ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá", mỗi ngành học, cấp học đều có những điểm nhấn rõ nét về chất lượng, hiệu quả giáo dục, thể hiện sự phát triển toàn diện về mọi mặt của giáo dục. Cấp học mầm non về đích trước kế hoạch của thành phố 1 năm và trước 2 năm so với toàn quốc về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Giáo dục tiểu học tập trung đổi mới phương pháp dạy - học, ưu tiên mọi điều kiện cho HS lớp 1 nhằm tạo nền tảng vững chắc cho cấp học sau. Dấu ấn của giáo dục phổ thông cũng được thể hiện ở kết quả thi HS giỏi cấp quốc gia khi tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải (137 HS đoạt giải, tăng 7 giải). Sau 7 lần tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế, lần đầu tiên HS Việt Nam đã giành HCV. Đây còn là năm thứ hai HS Hà Nội giành thứ hạng cao trong cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ với giải tư, tạo nhiều hứng khởi trong việc đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với các vấn đề thực tế. Việc triển khai các mặt giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục thể chất được các nhà trường quan tâm với nhiều hình thức thiết thực, tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện của HS.

Trong vườn hoa muôn sắc của giáo dục Thủ đô, nhiều gương mặt tiêu biểu đã trở thành tấm gương sáng về ý chí trong học tập, rèn luyện, làm lan tỏa và khích lệ sự nỗ lực của bạn bè cùng lớp, cùng trường và trong toàn ngành. Trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, em Nguyễn Thị Anh (Trường THPT Mỹ Đức A) là người đầu tiên đem về cho Hà Nội giải nhất ở môn lịch sử. Nói về học trò của mình, các thầy cô trong đội tuyển cho biết: Gia đình của Anh làm nông nghiệp, cuộc sống rất khó khăn. Ngoài giờ học, em phải ra đồng giúp bố mẹ và thường xuyên chỉ ăn mì tôm đi học. Không có sách tham khảo hay máy tính nối mạng để tìm kiếm thông tin, song Nguyễn Thị Anh vẫn làm nên kỳ tích khiến nhiều bạn bè nể phục. Ý chí và nghị lực của cô học trò nhỏ đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều HS về môn học vốn bị coi là khó học, khó thuộc và có phần khô cứng này. Cũng là một nữ sinh, nhưng Lê Hương Giang (Trường THPT Thăng Long) lại thiếu may mắn khi bị khiếm thị từ nhỏ. Dù vậy, 12 năm liền em luôn đạt danh hiệu HS giỏi, là tác giả của "Máy phân biệt tiền thật, tiền giả và mệnh giá bằng cách phát ra lời nói giúp người khiếm thị nhận diện" được trao giải tại cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp thành phố và quốc gia, được vinh danh "Gương mặt tiêu biểu Thành hội Người khiếm thị". Em Nguyễn Thảo Anh (Trường THPT Chu Văn An) là một trong số những gương mặt tiêu biểu trong phong trào nghiên cứu khoa học của HS. Em đã hai năm liên tiếp tham gia cuộc thi khoa học và kỹ thuật và là thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự cuộc thi này cấp quốc tế tại Hoa Kỳ năm học 2013-2014. Là HS nữ nhưng Thảo Anh có niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực kỹ thuật vật liệu và công nghệ sinh học. Em đã được trao giải cấp thành phố và quốc gia về lĩnh vực này.

Ngoài những kết quả ấn tượng về thành tích học tập, nghiên cứu khoa học, HS Hà Nội còn đem lại vinh dự cho giáo dục Thủ đô khi nỗ lực rèn luyện và vượt lên khó khăn để tham gia và đoạt giải trong các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao. Năm học 2013-2014, Hà Nội xếp thứ nhì toàn đoàn trong hội thi "Giai điệu tuổi hồng" toàn quốc với 5/5 tiết mục dự thi đều đoạt giải. Tại Đại hội Thể thao HS khuyết tật toàn quốc lần thứ V, em Lê Đức Hường (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) đã đoạt 2 HCV môn bóng đá và kéo co; em Nguyễn Minh Ngọc (Trường THCS Xã Đàn) đoạt 4 HCV môn kéo co và cờ vua…

Đó chỉ là một vài điển hình trong số hàng triệu HS Thủ đô đã chung tay làm nên những thành tích đáng tự hào. Ý chí, nghị lực và thành quả đạt được của mỗi HS, mỗi nhà trường trong năm học qua là minh chứng cụ thể, thiết thực của ngành giáo dục Hà Nội trong việc thực hiện lời dạy của Bác: "Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt".

- Năm học 2013-2014, Hà Nội có hơn 2.500 cơ sở giáo dục; 116.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

- Tính đến ngày 30-4-2014, toàn thành phố có 907 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 37,3%, trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn ở khối công lập đạt 43%.

- Xây mới được 15 trường học các cấp với diện tích đất tăng thêm gần 60.000m2, gồm 13 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường phổ thông.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bông hoa học giỏi, rèn luyện tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.