Alexandre de Rhodes có phải là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ như nhiều người vẫn nghĩ? Vì sao tiếng Việt không sử dụng f, j, w, z? Có đúng là thời xưa người Tây phương đã nhận xét tiếng Việt giống như âm nhạc?
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều những thắc mắc mà độc giả có thể tìm thấy câu trả lời trong bộ sách “Tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt” của Thái Hà Books.
Với mong muốn tôn vinh cái hay, vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ đến với cộng đồng, ngày 16-3, Thái Hà Books đã tổ chức buổi giao lưu “Lịch sử chữ Quốc ngữ và tiếng Việt” tại Phố Sách Hà Nội thông qua giới thiệu hai cuốn sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659” và “Tiếng Việt ân tình”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Thái Hà cho biết: “Khi được tiếp cận với công trình của Giáo sư Roland Jaques, tôi đã ngỡ ngàng và vỡ òa vì khám phá ra những điều mới, điều hay, điều thú vị về những người đã có công tạo dựng chữ Quốc ngữ tuyệt vời của chúng ta. Tôi nghĩ mình nhất thiết phải làm gì đó càng sớm càng tốt, vì thế tôi đã quyết định xuất bản bộ sách “Tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt”.
Cuốn đầu tiên của bộ sách là “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659” được tác giả Đỗ Quang Chính dựa trên các tài liệu để lại của các giáo sĩ để nghiên cứu quá trình hình thành của chữ Quốc ngữ. Từ chương mở đầu với các “Nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt”, tác giả dẫn người đọc đi vào các phần “Sơ lược giai đoạn thành hình chữ Quốc ngữ (1620-1648)”, “Linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1651”, “Tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam”.
Cuốn sách đã cho độc giả thấy được chữ Quốc ngữ ra đời trải qua cả một quá trình dài với sự hợp tác của nhiều người mà đa số “tác giả” của chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha, người Italia cùng một số người Việt theo đạo Thiên Chúa góp sức. Và linh mục Alexandre de Rhodes (thường được gọi là Đắc Lộ), tác giả cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La", là người có công lớn trong việc hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến chữ Quốc ngữ.
Song không chỉ lịch sử chữ Quốc ngữ mới có những “bí mật” thu hút bạn đọc tìm hiểu, mà chính bản thân tiếng Việt hiện đại ngày nay cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị cần khám phá bởi các cách dùng từ, bởi sự vận dụng linh hoạt những từ mượn, hệ thống câu tục ngữ, ca dao hay các tên địa danh, món ăn, thức uống… Đó cũng là lý do để quyển sách “Tiếng Việt ân tình” được biên soạn bởi các thành viên trang Tiếng Việt giàu đẹp ra mắt bạn đọc.
Tác giả Lê Trọng Nghĩa, chủ biên cuốn sách “Tiếng Việt ân tình”, chia sẻ: “Chúng tôi chủ trương không khai thác quá sâu về một đề tài, cũng không đi vào chi tiết với những lý luận chặt chẽ, khô khan, mà chỉ cố gắng trình bày ngắn gọn, súc tích nhất có thể, đủ cho người đọc cảm thấy hứng thú và nếu cần, họ sẽ tự tìm hiểu thêm”.
Cuốn sách “Tiếng Việt ân tình” gồm 5 phần: “Từ Hán Việt”, “Chính tả’, “Địa danh”, “Thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ”, và “Nội dung khác".
Theo TS Đỗ Anh Vũ (Ban Văn học Nghệ thuật, VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam): “Trong khoảng 140 mục từ, Lê Trọng Nghĩa đã mang đến cho người đọc thật nhiều câu chuyện hấp dẫn, không chỉ trong địa hạt ngôn ngữ mà còn là văn hóa, lịch sử, văn chương của người Việt.
“Tiếng Việt ân tình” xứng đáng là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên Ngữ văn, cũng là dành cho tất cả những ai nặng lòng với một di sản tinh thần vô giá mà cha ông ngàn đời đã để lại: Tiếng Việt và chữ Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.