(HNMO) - Với hai chiếc giường cũ kỹ, vài ba chiếc bàn học trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 10m2, “Lớp học yêu thương” là dự án thiện nguyện dạy học miễn phí của nhóm bạn thuộc Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ Hà Nội.
Lớp học kết hợp “sân chơi”
Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần, xóm lao động nghèo phường Phúc Xá lại rộn rã tiếng cười nói, tiếng đọc bài vang lên từ căn phòng nhỏ nằm sâu trong tổ 7 cụm 2 phường Phúc Xá, Ba Đình. Nhóm dạy học Đồng Xuân - Long Biên đã duy trì hoạt động dạy học miễn phí suốt 18 năm nay, trở thành người bạn thân thiết của những người lao động tỉnh lẻ sống trong khu làng dưới chân cầu Long Biên này.
Hoạt động dạy học miễn phí tại Long Biên đã diễn ra suốt 18 năm |
Bạn Nguyễn Đức Quyền, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, trưởng nhóm dạy học chia sẻ rằng, xuất phát từ mong muốn có một địa điểm học tập trung, thay vì dạy gia sư từng em như trước kia, nhóm bạn trẻ đã tổ chức dự án “Lớp học yêu thương”, vừa là tạo môi trường học tập thân thiện, vừa là sân chơi dành cho những đứa trẻ nơi đây. Tình nguyện viên bao gồm cả học sinh, sinh viên và người đi làm tham gia giảng dạy.
Lớp học hiện có khoảng hơn 20 em nhỏ, chủ yếu là con em những gia đình khó khăn, người lao động tỉnh lẻ như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định… đổ về chợ hoa quả Long Biên kiếm sống. Các môn học chủ yếu là Toán, Lý, Hóa, Tiếng Việt và Tiếng Anh.
Bạn Đức Quyền mong muốn mở rộng dự án “Lớp học yêu thương” để giúp đỡ thêm nhiều em nhỏ |
Bạn Trần Thị Ngọc Mai, Đại học Thương Mại kể lại, những ngày đầu dạy học tại đây, bạn khá vất vả để làm quen và thân thiết với các em nhỏ. “Thời gian đầu nhiều bé còn bướng bỉnh, khó tiếp xúc, thậm chí đuổi các anh chị tình nguyện viên về, nhưng khi thân thiết rồi thì rất ham học và biết nghe lời. Bố mẹ đi làm cả ngày khiến các em luôn có cảm giác thiếu thốn tình cảm. Lớp học của bọn mình không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức, mà còn giúp các bé cởi mở và gắn kết với nhau hơn nữa”
Bé Mai Nhi và Đức Tú cùng chăm chú học gấp giấy thủ công |
Bên cạnh việc dạy học, nhóm bạn trẻ cũng tổ chức khá nhiều chương trình hoạt động ngoại khóa như chiếu phim, học hát và dạy làm đồ thủ công. Trong các buổi học, những bạn trẻ thường dành ra một chút thời gian dạy các em nhỏ gấp đồ thủ công để bán lấy tiền, giúp các em tự tay mua những món quà nhỏ tặng mẹ mình nhân dịp Tết sắp tới.
Là một trong những “thành viên” chăm chỉ học gấp giấy nhất, cậu bé Đỗ Văn Hào tíu tít khoe rằng “Em gấp được 200 con hạc giấy rồi đấy. Khi nào kiếm đủ tiền, em sẽ mua cho mẹ cái cây có đèn phát sáng bán trong siêu thị . Chắc mẹ em thích lắm”.
Cậu bé Đỗ Văn Hào mong muốn gấp được nhiều hạc giấy, kiếm đủ tiền mua quà tặng mẹ |
Thương học trò nhỏ vất vả mưu sinh
Sớm phải theo bố mẹ đi làm thuê, chở hàng, mưu sinh ở chợ đêm Long Biên, những đứa trẻ nơi đây dường như già dặn hơn so với lứa tuổi của mình. “ Nhiều em trong lớp đã phải nghỉ học hoặc học chậm đến vài năm vì cuộc sống không ổn định. Có những em chỉ mới 12, 13 tuổi nhưng đã phải theo bố mẹ đi đẩy hoa quả thuê ở chợ Long Biên hàng đêm, hoặc đi xin ở các chùa trong thành phố ngày rằm, mồng một. Cái chữ ở xóm trọ nghèo sao mà khó khăn đến thế?”. Đức Quyền kể lại trong nỗi trăn trở về cuộc sống của những cô cậu học trò nhỏ.
Lớp học là căn phòng trọ tối tăm với giá 500 nghìn đồng một tháng |
Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường THPT Trần Phú, một trong những tình nguyện viên dạy học tại đây, được giao nhiệm vụ dạy riêng cho cô bé Vũ Thị Hương (11 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố Hương bị tật ở chân, mẹ lại hay ốm đau bệnh tật nên Hương phải hằng ngày đi rửa bát thuê để kiếm tiền nuôi bố mẹ. Mỗi ngày cô bé cũng kiếm được khoảng 20000 – 30000 nghìn đồng.
“Mặc dù Hương tiếp thu khá nhanh nhưng tính lại nhút nhát nên không thể tự tin hòa nhập với các bạn trong lớp. Cô bé thường phải đi làm buổi đêm đến 2, 3 giờ sáng mới về, nên nhiều buổi học em luôn trong trạng thái mệt mỏi, ngủ gật bất kỳ lúc nào”.
Chị cũng cho biết thêm, môi trường sống khiến những đứa trẻ tại đây luôn có phản ứng tự vệ với mọi người xung quanh, và phản ứng đó có thể là tiêu cực hoặc tích cực. Các em luôn muốn nhận được sự yêu thương, quan tâm của các anh chị tình nguyện viên, đôi khi chúng còn “tị nạnh” sự quan tâm đó theo cách rất “trẻ con”. Điều mà nhóm dạy học mong muốn nhất chính là hướng các em đến những suy nghĩ tích cực hơn, bằng chính sự yêu thương và tình cảm chân thành của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.