(HNMO) - Tròn 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, năm 2020, nhiều hoạt động kỷ niệm, hội thảo khoa học về ông được tổ chức trên khắp cả nước. Các đơn vị xuất bản cũng tưởng nhớ đến Đại thi hào qua nhiều ấn bản về Kiều ra mắt độc giả.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, “Truyện Kiều” vẫn luôn là tác phẩm được lớp lớp người đọc say mê và tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Cho đến nay, “Truyện Kiều” có hơn 100 bản chữ Nôm và Quốc ngữ khác nhau, trong đó 90% số chữ của tác phẩm vẫn còn giữ nguyên, 10% số chữ sai khác là do “tam sao thất bản”, do kỵ húy, do người soạn tự ý sửa, do khắc sai hoặc do cách đọc khác nhau. Xử lý 10% số chữ sai biệt ấy, làm sao tìm lại chữ nghĩa đích thực của Nguyễn Du là nguyện vọng tha thiết của các nhà biên khảo.
Năm 2011, Hội Kiều học Việt Nam được thành lập và cử ra Ban Văn bản Truyện Kiều làm nhiệm vụ tra cứu, rà soát văn bản, viết lại chú thích cho gọn gàng, sáng tỏ, không lạm dụng các dẫn liệu, từ ngữ và điển cố Hán, hạn chế các trích dẫn không cần thiết, từ đó biên soạn một quyển “Truyện Kiều” có khả năng đồng thuận cao để công chúng thưởng thức.
Ấn bản “Truyện Kiều” (Nhà xuất bản Trẻ, 2020) do Ban Văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải đã phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Kiều thông dụng, in song song cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Tuy được coi là bản hoàn chỉnh nhất và đạt đồng thuận cao nhất từ phía các học giả lẫn người đọc yêu chuộng tác phẩm, nhưng Ban Văn bản Truyện Kiều cho rằng, công việc hiệu khảo “Truyện Kiều” không bao giờ có thể coi là hoàn tất và văn bản thứ hai này của Hội chưa phải là văn bản cuối cùng.
Cùng với ấn bản “Truyện Kiều”, năm 2020, Hội Kiều học Việt Nam và Nhà xuất bản Trẻ còn giới thiệu với bạn đọc tuyển tập “Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” gồm 28 bài viết đầy xúc cảm được lựa chọn từ cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” hướng tới tưởng niệm 200 năm ngày mất của ông (1820-2020).
Là di sản văn chương của Việt Nam, “Truyện Kiều” có nhiều ấn bản quý giá mà giới mộ sách, người yêu văn chương vẫn mong muốn được sở hữu. Năm 2020, Mai Hà Books giới thiệu bộ sách Kiều đặc biệt thuộc chuỗi sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” gồm 3 ấn phẩm:
Ấn bản “Kim Vân Kiều” in lại từ bản in đặc biệt năm 1951 - bản Kiều chữ Quốc ngữ được xem là mỹ thuật và công phu nhất thế kỷ XX, bởi trên mỗi trang sách, những câu Kiều được in trong những lạc khoản chìm cùng họa tiết rồng ẩn màu vàng.
“Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du" tập hợp những dòng ngâm, bình, vịnh tinh tế, đặc sắc, tái bản theo bản in năm 1942. Cuốn sách còn có 11 bức họa "Truyện Kiều" của các họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ...
“Lãm Thúy Tập” tái bản theo bản in năm 1926 do Nguyễn Bá Cung soạn. Tác phẩm là minh chứng tiêu biểu cho sự ảnh hưởng sâu rộng của “Truyện Kiều” đến nền văn học nước nhà khi tập hợp đủ mọi thể Nôm gồm 4 phần: Ca - liên - thơ - văn được lẩy từ “Kim Vân Kiều”.
Sức ảnh hưởng của “Truyện Kiều” trong các loại hình nghệ thuật khác còn được thể hiện rõ ở ấn bản “Tuồng Kim Vân Kiều” (Nhà xuất bản Văn học, 2020) lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách là toàn bộ bản chữ Nôm khắc in có tên gọi “Kim Vân Kiều” mang ký hiệu BULAC RES MON 8 7061, hiện được lưu trữ tại Thư viện Đại học về ngôn ngữ và văn minh, Paris, Pháp.
“Truyện Kiều” không chỉ được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật khác mà còn hàm chứa khả năng mở ra những cánh cửa mới cho các thế hệ sau tiếp tục sáng tạo một cách đầy cảm hứng.
“Truyện Kiều tự kể” của nhà văn 9X Cao Nguyệt Nguyên do Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu năm 2020 là một ví dụ. Tác giả đã có cuộc “nhập vai” độc đáo đến táo bạo vào 12 nhân vật trong “Truyện Kiều” để vẫn là những Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư… nhưng họ đã tự cất lên tiếng nói với nỗi đau và suy tư nội tại. Nét đặc biệt của “Truyện Kiều tự kể” còn là sự tham gia của 12 họa sĩ minh họa, để mỗi bức tranh trong sách như một tác phẩm độc lập nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với nội dung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.