Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều của Nghị định 108/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Theo đó, những người thuộc diện tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp tại thời điểm tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 điều 23 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH), có xác nhận của của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành. Cụ thể, có 6 trường hợp đưa ra.
Đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường và có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là 30 ngày.Đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường và có thời gian tham gia BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là 40 ngày. Đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường và có thời gian tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là 60 ngày.
Với những người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7% trở lên và có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ không làm việc là 40 ngày.
Những người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7% trở lên và có thời gian tham gia BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, mỗi năm có tổng thời gian nghỉ làm việc là 40 ngày.
Sẽ có 6 nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế theo dự thảo hướng dẫn của liên bộ Nội vụ-Tài chính (Minh họa: Ngọc Diệp). |
Ngoài ra, những người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7% trở lên và có thời gian tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ không làm việc là 60 ngày.
Theo dự thảo, các bộ, ngành, địa phương được sử dụng không quá 50% số biên chế đã được tinh giản và 50% biên chế giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật (trừ đối với cán bộ, công chức cấp xã) để tuyển dụng mới cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan khác không thực hiện được tinh giản biên chế thì khi thành lập tổ chức mới hoặc triển khai nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao phải tự cân đối trong tổng biên chế được giao, không được giao bổ sung thêm biên chế.
Tiền lương tháng sẽ bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có). Hệ số lương và phụ cấp lương được tính theo số tiền lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 204/2004 của Chính phủ (về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang), Nghị định 205/2004 của Chính phủ (quy định hệ thống thang lương, bảng lương và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chế độ phụ cấp tiền lương trong các công ty nhà nước), các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/10/2004.
Theo đó, mức lương cơ sở để tính chế độ trước ngày 1/5/2010 là 650.000 đồng; từ 1/5/2010 đến 30/4/2011 là 730.000 đồng; từ 1/5/2011 đến 30/4/2012 là 830.000 đồng; từ 1/5/2012 đến 30/6/2013 là 1.050.000 đồng; từ 1/7/2013 đến trước thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở tiếp theo là 1.150.000 đồng.
Mức lương cơ sở để tính chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản biên chế trong các thời điểm tiếp theo do Chính phủ quy định.
Độc giả có thể theo dõi thêm toàn bộ nội dung của dự thảo thông tư này tại đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.