Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ai chịu trách nhiệm khi đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ lớn?

Nhóm PV Điều tra| 24/10/2011 06:45

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu EVN kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm phát hiện qua thanh tra tài chính, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương phải rút kinh nghiệm trong việc chưa bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi hướng dẫn giá điện...


Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ của EVN Telecom.Ảnh: Thanh Hải

Theo báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương, vốn đầu tư ngoài ngành của EVN là 2.100 tỷ đồng (chiếm 2,8% vốn điều lệ). Lãnh đạo EVN từng nhiều lần tuyên bố rằng, đầu tư ngoài ngành vẫn an toàn. Nhưng thực tế lại khác. Mặc dù theo quy định, các dự án đầu tư đều phải qua nhiều khâu kiểm tra, kiểm soát, nhưng trong thực tế sự kiểm soát đó gần như vô hiệu. Việc EVN "đổ" tiền vào đầu tư viễn thông trong một thời gian ngắn với số tiền khổng lồ và sau đó phá sản hoàn toàn khiến người ta không khỏi nghĩ đến động cơ cá nhân của những người có quyền quyết định tại tập đoàn này.

Biết hậu quả, vẫn làm?

Ngay từ đầu, nhiều vị cán bộ có trách nhiệm của EVN đã nhận thấy những nhược điểm của công nghệ CDMA, như có rất ít các hãng sản xuất thiết bị đầu cuối trên thế giới chế tạo và bán ra thị trường; các mẫu mã và chất lượng không thể so sánh được với thiết bị đầu cuối của công nghệ GSM đã được xã hội hóa, mẫu mã thời trang, nhiều lựa chọn. Công nghệ CDMA 450MHz là công nghệ CDMA vận hành trên dải tần số 450MHz - dải tần cho phép đa thành phần sử dụng, như taxi, nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch, khu công nghiệp… hay còn gọi là "tần số rác", nên hay bị nhiễu và chất lượng không bảo đảm khi đưa vào kinh doanh. Không những thế, khả năng "đâm xuyên tường nhà" của CDMA 450MHz kém nhiều so với GSM, trong thành phố với các khu nhà cao tầng chất lượng sóng CDMA yếu hơn nhiều lần so với GSM.

Thực tế các nước đang kinh doanh CDMA 450MHz trên thế giới thành công là do họ lựa chọn "Dịch vụ Data" là chính và "Dịch vụ thoại" là thứ yếu. Trong khi đó, EVN lại lựa chọn ngược lại, dịch vụ thoại là chính và dịch vụ Data là thứ yếu. Cũng chính vì vậy, trong quá trình xin giấy phép kinh doanh CDMA 450MHz, đã bị các cơ quan quản lý chức năng không đồng ý. Nhưng rồi không hiểu sao cuối cùng EVN vẫn có được giấy phép kinh doanh viễn thông công cộng với công nghệ CDMA 450MHz (?!).

Từ đó, EVN quyết định triển khai kinh doanh viễn thông trên công nghệ CDMA trên tần số 450MHz từ năm 2004 và đến năm 2009 số vốn đầu tư cho riêng CDMA đã lên tới con số khoảng 10.000 tỷ đồng (mua thiết bị đầu cuối và đầu tư mạng). Tính đến năm 2010, số vốn EVN bỏ ra để mua chỉ riêng thiết bị đầu cuối không thấp hơn 4.500 tỷ đồng. Khấu trừ trong 5 năm, như vậy, mỗi năm phải lấy từ doanh thu 1.000 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng (tính cả tiền lãi), trong khi doanh thu còn phải chi cho một khoản tương tự với số vốn đầu tư mạng CDMA.
Năm 2009, EVN đã chuyển khoảng hơn 1.000 tỷ đồng chi phí thiết bị đầu cuối cho các tổng công ty điện lực, là các khoản phải đưa dần vào các năm trước nhưng EVN chưa thực hiện. Vì vậy, năm 2008, thay vì lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng do không phân bổ chi phí giá thành nên đã "biến" thành lãi. Thực chất, từ khi kinh doanh viễn thông công cộng, EVN chưa biết đến đồng lãi nào. Đây là nhược điểm đã được biết trước với những hậu quả sẽ xảy ra, nhưng lãnh đạo EVN vẫn làm. Như vậy, có thể quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo EVN về việc đầu tư vào EVN Telecom bị thua lỗ lớn.

Không có khả năng cạnh tranh, vẫn đầu tư ồ ạt

Suất đầu tư của EVN cho mạng CDMA và cáp quang biển IA (1.000 tỷ đồng đầu tư, vốn vay trong 5 năm) cao hơn nhiều so với suất đầu tư trên một thuê bao của mạng Viettel, VNPT. Vì vậy, việc EVN cạnh tranh về các dịch vụ viễn thông với các nhà mạng trên rất khó khăn. Để tham gia thị trường cạnh tranh, EVN đã phải đưa ra giá bán thấp hơn giá thành.

Sóng CDMA 450MHz có điểm mạnh là vùng phủ sóng của một BTS (cột phát sóng) về lý thuyết có thể lên tới 40km (thực tế khoảng 20km) gấp vài lần so với GSM, cho nên nếu ở vùng đồng bằng không có vật che cản như tòa nhà cao tầng, đồi núi thì sẽ ít phải đầu tư hơn GSM. Tuy nhiên, thực tế là người dân sử dụng ecom với cước phí trên 50.000 VND/tháng lại chủ yếu sóng ở nơi đông dân cư, thị xã, thị trấn, thành phố. Vì thế, phải đầu tư nhiều BTS nhưng chất lượng vẫn không bằng GSM. Trong khi đó, Viettel và VNPT lại không phải đầu tư nhiều vào mạng 2G hiện hữu để triển khai "cố định không dây", vì hệ thống 2G hiện có của hai nhà mạng này đã phủ kín hầu hết các tỉnh, thành phố, dịch vụ Gphone và HomePhone cũng chính là khách hàng di động của nhà mạng này. Họ chỉ phải đầu tư một phần thiết bị đầu cuối ban đầu và nâng cấp những BTS đã bị suy hao sóng. Hai nhà mạng này chỉ chi phí thiết bị đầu cuối bằng 2/5 chi phí CDMA, đầu tư mạng thì hầu như không đáng kể. Những người quản lý trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật như EVN hiểu rằng không thể cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ viễn thông được với Viettel và VNPT. Rõ ràng, việc quyết định bạo tay đầu tư ào ạt với số tiền khổng lồ cho viễn thông công cộng trong thời gian qua của EVN chẳng khác nào đổ nước vào rổ.

Như vậy, dư luận buộc phải đặt dấu hỏi lớn về động cơ đầu tư ngoài ngành của lãnh đạo EVN. Và đương nhiên không ai khác ngoài lãnh đạo chủ chốt của EVN phải chịu trách nhiệm về những thất bại và thiệt hại này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ai chịu trách nhiệm khi đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ lớn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.