Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối thực phẩm “bẩn”

Chí Kiên| 14/03/2012 07:39

(HNM) - Tình trạng ngộ độc thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tuồn vào thành phố và bày bán công khai; hóa chất, phụ gia, hương liệu sử dụng bừa bãi... đang là những vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tám giờ sáng, các sạp hàng tại chợ Kim Biên (quận 5) đã nhộn nhịp. Người ta nói chợ Kim Biên "trên trời, dưới phụ gia" cũng không sai. Có đủ loại hương liệu như vị thịt heo, hương nếp, sầu riêng, dừa, me, sữa bột, cam, màu thực phẩm... thậm chí ngay cả hương liệu cà phê Trung Nguyên cũng rất sẵn. Một chủ hàng vồn vã giới thiệu "hương liệu gà" đựng trong can nhựa không nhãn mác, có giá 300.000đồng/lít dung dịch vàng nhạt: "Hàng nhập khẩu, em yên tâm. Chỉ mấy muỗng là có mùi gà đặc trưng, bảo đảm chất lượng". Ngoài hương liệu, ở đây còn bán phụ gia chế biến giò chả, bánh mỳ... thêm dai, giòn. Trong khoảng 10 phút, chúng tôi chứng kiến 3 khách hàng đến mua bột tẩy trắng (50.000 đồng/kg), phẩm màu (100.000 đồng/kg), hàn the (18-20.000 đồng/kg)...

Kinh doanh hương liệu, hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5).


Không chỉ ở chợ Kim Biên, tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn… thực phẩm kém chất lượng cũng tràn lan. Ước tính lượng tiêu thụ thực phẩm của TP vào khoảng 650-700 tấn/ngày, tương đương 460 con trâu bò, 8.000 con lợn, 35.000 gia cầm, tuy nhiên như Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP đã cảnh báo, 80% số thực phẩm tại TP có nguy cơ mất an toàn. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, liên tục phát hiện chất kích thích, tăng trưởng, giảm mập, tăng béo có trong thịt gia súc, gia cầm vận chuyển vào TP, nhưng tình trạng này vẫn không hề giảm. Mới đây, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện hơn 4.000kg phụ phẩm thịt bò bốc mùi hôi thối, thịt lợn, gà, bò không rõ nguồn gốc từ các tỉnh lân cận chở về TP Hồ Chí Minh và đáng nói là các chủ hàng đều không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu "lọt lưới" cơ quan chức năng thì những thực phẩm bẩn này sẽ được tiêu thụ tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể và gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Theo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP, toàn TP mới đáp ứng 20% nhu cầu thực phẩm, còn 80% phải nhập khẩu và chuyển từ các tỉnh vào. Chi cục Thú y TP cũng thừa nhận tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép, nhất là gia cầm sống, không rõ nguồn gốc diễn ra khá phổ biến. Mặc dù thực phẩm không rõ nguồn gốc bị phát hiện tại các cửa ngõ TP khá nhiều, đặc biệt là tại trạm Thủ Đức, nhưng ngay trên địa bàn TP vẫn tồn tại 125 điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép.

Đặt mục tiêu đến năm 2015 có 50% nguồn thực phẩm vào TP được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, TP đang triển khai đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" từ nơi trồng trọt, chăn nuôi đến nơi tiêu thụ. TP cũng cam kết với các doanh nghiệp, các tỉnh lân cận xây dựng, cung ứng các chuỗi thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng; chỉ đạo các quận, huyện quyết liệt giải quyết dứt điểm các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép. Bên cạnh đó, dự án nông nghiệp công nghệ cao của TP đang thực hiện ở huyện Củ Chi cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp một lượng lớn nguồn thực phẩm sạch cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn gia súc, chất kích thích tăng trưởng, các loại thuốc kháng sinh cấm sử dụng; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là sử dụng các loại thuốc thú y và thức ăn gia súc đúng cách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối thực phẩm “bẩn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.