(HNM) - Những ngày vừa qua, khi Đội tuyển bóng đá U19 Việt Nam bước vào thi đấu tại Giải Bóng đá U19 Đông Nam Á 2015, được tổ chức tại CHDCND Lào, đã có nhiều ý kiến về sự quan tâm của dư luận đối với các cầu thủ U19 Việt Nam.
Điểm nổi bật là sự so sánh về mức độ quan tâm của truyền thông, người hâm mộ thể thao đối với hành trình thi đấu của đội tuyển U19 hiện nay và đội tuyển U19 trước đó. Nhiều người nhận xét rất có lý rằng lứa U19 của một năm về trước được truyền thông và dư luận "nâng như nâng trứng…", nhất cử nhất động đều được thông tin rộng rãi, khác một trời một vực so với lứa U19 hiện nay. Vấn đề đằng sau sự quan tâm hay thờ ơ nói trên không chỉ liên quan đến lối đá đẹp hay khô cứng của các lứa cầu thủ trẻ, mà còn liên quan đến cách tiếp cận vấn đề của người hâm mộ bóng đá nước nhà và một số đơn vị truyền thông. Thậm chí đã có ý kiến nêu câu hỏi về sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng như tinh thần vì màu cờ sắc áo.
Có thể chia sẻ ít nhiều với những ý kiến nói trên bởi những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy một bộ phận người hâm mộ thể hiện "tình yêu nửa vời" đối với đội tuyển quốc gia ở nhiều cấp độ. Năm 2007, khi ASIAN Cup được tổ chức tại Việt Nam và ba quốc gia Đông Nam Á khác, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình không còn chỗ trống trong hai trận đấu đầu tiên của Đội tuyển quốc gia Việt Nam - những trận đấu mà đội nhà có "cửa thắng", đã vắng hẳn khi đội bóng của chúng ta gặp Đội tuyển quốc gia Nhật Bản và cơ hội thắng trận gần như bằng không. Ngồi trên khán đài hôm đó, một nhà văn Hà Nội nói rằng "yêu nước thì nên đến sân xem trận đấu này, bởi như thế mới chứng tỏ tinh thần màu cờ sắc áo không bị ảnh hưởng bởi thắng - thua".
Chúng ta thường nghe nói "cổ động viên bóng đá Việt Nam cuồng nhiệt nhất thế giới". Người hâm mộ nói với nhau, truyền thông "tải đi tải lại". Nghe nhiều thành quen, tự thừa nhận, bỏ qua thực tế thể hiện sự hạn chế về tổ chức trong hoạt động cổ động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, không còn tự hỏi vì sao cổ động viên ta hò hét khản giọng khi đội nhà thắng và mau chóng ỉuxìu như bánh đa gặp nước khi đội thua, vào lúc họ cần động viên nhất. Hoàng Anh Gia Lai, câu lạc bộ nổi như cồn trong suốt hơn một năm qua khi lứa trẻ đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo bóng đá theo mô hình hiện đại, thoáng chốc đã "mất giá" dù lứa cầu thủ tài năng còn đó, triết lý bóng đá đẹp còn nguyên; khán đài không còn đông đúc, liệu có phải "tình yêu cuồng nhiệt" đã bay biến chỉ sau vài trận thua của các cầu thủ trẻ mà nhiều người cho là cái thua tất yếu khi "những đứa trẻ" phải đấu với những người đàn ông trưởng thành?
Trong thể thao hiện đại, xét về chuyên môn mà nói thì điều cần nhất là chính sách đầu tư về mọi mặt và điều kiện phát triển thể thao rõ tính minh bạch, công bằng, chuyên nghiệp. Mặt khác, ngoài điều kiện về chuyên môn, các vận động viên nói chung cũng như cầu thủ bóng đá cần được hít thở trong môi trường thể thao lành mạnh, sôi động, nhận được sự chia sẻ, cổ vũ mang tính văn minh chứ không chỉ là cuồng nhiệt. Sự song hành của người hâm mộ và cầu thủ được duy trì nhờ tình yêu bóng đá, nhưng đó phải là thứ tình yêu tách rời toan tính và không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì ngoài thể diện quốc gia, hay điều mà ta thường nói là "màu cờ sắc áo" đúng nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.