Theo dõi Báo Hànộimới trên

Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn

Phạm Quang Nghị| 19/05/2010 05:27

LTS: Bốn năm qua, vinh dự là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện Cuộc vận động

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý dự án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (11-1959). Ảnh: Tư Liệu


Nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài viết về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động quan trọng này. Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhiều thập kỷ qua, ngày 19-5 hằng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm đặc biệt thiêng liêng, trọng đại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè thân thiết gần xa trên thế giới. Kỷ niệm Ngày sinh của Người, mỗi chúng ta đều bồi hồi, xúc động, tự hào và biết ơn đối với công lao trời biển của Người - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta vô cùng đồ sộ, phong phú, quý giá; trong đó tư tưởng, lý luận cũng như tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của Người là một bộ phận vô cùng quý báu và thiêng liêng.

Toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cho đến trước lúc giã từ cuộc sống, Người chỉ tiếc một điều là không được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là nhu cầu tự hoàn thiện tư cách, đạo đức của mỗi cá nhân, vừa là yêu cầu đối với toàn xã hội; bất cứ ai, dù trên cương vị nào, lứa tuổi nào, cũng đều cần phải và đều có thể học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Để nhấn mạnh sự cần thiết phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Một ngày sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người trình bày sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CầN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm viết về vấn đề này, từ “Đường Kách mệnh” cho đến bản Di chúc lịch sử. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...”.

Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Bác Hồ đã giải thích một cách hết sức sâu sắc và dễ hiểu về nội dung những đức tính quan trọng cần thiết cho mỗi người.

CầN, theo Người, là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao. Người nói: “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Muốn thực hiện CẦN cho có kết quả thì làm việc phải có kế hoạch, dù công việc gì, to hay nhỏ, lớn hay bé, đều phải sắp xếp khoa học và tính toán cẩn thận. Một người lười biếng sẽ làm chậm và ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người khác. CẦN là phải không ngừng nâng cao năng suất lao động...

KIỆM là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Cần với kiệm đi đôi với nhau như hai chân của một người. Cần mà không kiệm cũng như một cái thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì không phát triển được. Bác yêu cầu phải tiết kiệm cả của cải, thời gian và sức lực, bởi của cải nếu hết còn có thể làm ra được, còn thời gian đã qua đi, không bao giờ quay trở lại. Bác nói: Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm...

LIÊM là “trong sạch, không tham lam”; “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Bác nói: Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

CHÍNH “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Đối với mình - không tự cao tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà; không dối trá, lừa lọc. Đối với việc - để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho dân.

Về CHÍ CÔNG VÔ TƯ, Bác nói: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”, “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Người giải thích “...Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp là ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần kiệm liêm chính, mà bản thân mình lại lười lao động, lười học tập, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa, luôn tìm cách tham ô, bòn rút tiền của Nhà nước và nhân dân, tâm không trong sáng... thì sẽ không hiệu quả và không có tính thuyết phục. Thực hành tốt cần kiệm liêm chính, chí công vô tư sẽ rèn luyện, làm cho con người có những phẩm chất tốt, như “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Cuộc đời Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để tất cả mọi người chúng ta học tập và noi theo.

Sinh thời, Bác sống rất giản dị, từ ăn, mặc, ở cho đến những sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả khi đã là Chủ tịch nước, Bác đều nêu tấm gương vô cùng mẫu mực về đạo đức cách mạng. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, bằng hai bàn tay lao động, Người đã trải qua những công việc nặng nhọc và vất vả: phụ bếp, cọ rửa sàn tàu, dọn tuyết. Trong những năm kháng chiến và cả sau này khi đã là lãnh tụ của Đảng và nhân dân, Người vẫn cùng cán bộ, chiến sỹ cuốc đất trồng rau, nuôi cá, sống một cuộc sống giản dị và lạc quan “cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Ở Bác, có biết bao câu chuyện chân thực và cảm động. Có đồng chí yêu cầu Bác bỏ đi chiếc áo vá, nhưng Bác không cho bỏ. Bác nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Đôi dép cao su, bộ quần áo ka-ki, ngôi nhà sàn, ao cá Bác Hồ… đã trở thành những biểu tượng văn hóa, đạo đức, văn minh của một vị Chủ tịch nước, một lãnh tụ kiểu mẫu của Đảng, của nhân dân. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhất định sẽ thu được kết quả thiết thực, to lớn hơn khi mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Hà Nội tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, coi đó là danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Cuộc đời của mỗi chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc, ấm áp hơn vì có Bác.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác cũng đúng vào dịp các cấp, ngành, địa phương đang tiến hành đại hội, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Còn nhớ trong diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa về Đảng ta thật giản dị, hàm súc mà cũng rất sâu sắc, mới mẻ: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no”. Đặc biệt, Người còn nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Có thể nói không có một lãnh tụ của một đảng nào trên thế giới có những lời nhắc nhở, cảnh báo chân thành và nghiêm khắc đến thế đối với Đảng và cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy trong suốt mấy chục năm qua, Đảng ta không ngừng xây dựng, chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là một trong những vấn đề có ý nghĩa sống còn, quyết định đối với thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Thời gian càng lùi xa, những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh càng tỏa sáng. Kỷ niệm trọng thể Ngày sinh của Người, mỗi chúng ta muốn thầm gọi, muốn nói lên lòng biết ơn và xin hứa mãi mãi quyết tâm đi theo con đường Bác đã đi, đã chọn; quyết tâm sống chiến đấu, lao động, học tập, làm theo những lời căn dặn của Người.

Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn. Mỗi ngày, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm thêm một việc tốt, có ích cho mình, cho cơ quan, đơn vị, có lợi cho dân, cho nước. Nếu ai cũng ra sức phấn đấu để làm được như vậy thì chắc chắn sẽ tạo thành một động lực mạnh mẽ, to lớn, làm chuyển biến nhanh hơn nữa, tích cực hơn nữa mọi mặt của đời sống xã hội, thực hiện tốt lời Bác dặn “Thủ đô Hà Nội phải là thành phố gương mẫu”, làm cho thành phố yêu quý của chúng ta ngày càng văn minh, giàu đẹp, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xứng đáng với niềm hy vọng và tin yêu của nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.