Theo dõi Báo Hànộimới trên

Như gánh đời mình những tháng năm...

Đặng Huy Giang| 15/10/2022 19:55

(HNMCT) - Lâu nay, người đọc vẫn hay nhắc đến “Ta mang Đà Lạt về nhà” và “Chim phố” của Nguyễn Thanh Ứng. Đây là hai bài thơ để lại dấu ấn của một nhà thơ người gốc Phú Thọ hiện sinh sống ở Hà Nội với những tứ thơ: “Ta mang Đà Lạt về nhà/ Hương rượu vang với sắc hoa núi rừng/ Mang theo khuôn mặt người dưng/ Như từ kiếp trước người từng biết ta”, và: “Khản giọng gọi bạn tình xa/ Than ôi! Bạn cũng như ta trong lồng/ Vào rừng... muông thú vắng không/ Về phố... gặp tiếng chim lồng gọi nhau”.

Đây là tứ thơ hay ở cả cách nói, cách cảm, cách nghĩ. Khi hạ bút viết những câu thơ này, Nguyễn Thanh Ứng đã chiến thắng được cách cảm, cách nghĩ của thói quen. Mà lâu nay, thói quen vốn được coi là trở lực, là thử thách lớn nhất đối với giới sáng tác.

Chưa hết. Trong “Một góc Thiền Quang”, Nguyễn Thanh Ứng còn như ngộ ra một lẽ gì đấy trong sự “nhất thể hóa” cái ở ngoài ông và cái ở trong ông, cái thuộc về đạo và cái thuộc về đời: “Tôi ngồi một góc Thiền Quang/ đột nhiên/ chuông thỉnh/ hàng hàng/ tăng ni/ Nắng như quên buổi đương thì/ Gió như quên bẵng/ bước đi/ thầm thì...”.

Có một góc, một chỗ trong thế gian này đã khó. Có một góc, một chỗ ở chốn Thiền Quang, hẳn là còn khó khăn hơn nhiều. Vậy mà Nguyễn Thanh Ứng lại sở hữu được góc ấy, chỗ ấy, ít ra là trong tâm tưởng của ông.

Trong “Nhớ quê” (NXB Hội Nhà văn, năm 2017), người đọc bắt gặp một Nguyễn Thanh Ứng không ra khỏi cái “trường” đề tài của ông. Đấy là quê hương và những con người gắn bó tự bao đời với quê hương như máu thịt ấy.

Đây là hội làng đầy sức sống và màu sắc: “Hòa trong nhịp trống rước kiệu làng/ Xuân đang mọng giêng hai đầu lễ hội/ Cây gạo bắt đầu chồi non lộc mới” ("Hội làng"). Trong mấy câu thơ này, chi tiết “mọng giêng hai” rất đáng chú ý.

Đây là hình ảnh đời mẹ gắn bó với đời con, hết lòng vì con, ám ảnh ông từ những ngày tản cư trong “Mẹ tôi”: “Mẹ bảo con ngồi một bên thúng/ Một bên khoai sắn... mẹ dồn sang/ Mẹ gánh con lên như đu võng/ Như gánh đời mình những tháng năm”. Trong mấy câu thơ này, chi tiết “Như gánh đời mình những tháng năm” cũng rất đáng chú ý.

Đây là tình yêu của ông với người bạn đời, và cuộc đời ông cùng cuộc đời người bạn đời giống như “thuyền đã vượt qua bao giông tố” mà giông tố ở đây ngỡ là ảo nhưng lại rất thực, chính là “những bến-mặt-trăng, bờ-mặt-trời”.

Đây là những câu thơ gần như để gối đầu giường, thường trực trong con người Nguyễn Thanh Ứng mà ngỡ như không có chúng, Nguyễn Thanh Ứng không có thơ: “Gặp giấc mơ xưa/ Nao lòng nhớ lũy tre xanh/ Nhớ cánh đồng/ Nhớ cánh cò một thuở” ("Nhớ quê").

Cũng có lúc Nguyễn Thanh Ứng nghĩ mình là một con thuyền “Tôi - con thuyền khao khát khúc sông yên”, và ông bộc lộ mình bằng “Lời thuyền”: “Mặt trời nhấn chìm tôi ngày ngày/ Mặt trăng nhấn chìm tôi đêm đêm/ Ấy là thời gian như mây trôi/ như nước nổi/ Đi qua/ Để lại trong tôi vết rạn/ Cùng muôn nỗi giằng xé và được - mất đời thuyền”. Rồi, dù có thế nào ông vẫn xác quyết: “Trong đậm đà hạt hạt phù sa/ Ngày lại ngày/ Con thuyền tôi/ Tới bến". Hai từ “tới bến” là một tìm tòi thuyết phục.

Hẳn con người luôn khao khát “khúc sông yên” ấy, luôn khao khát “tới bến” ấy, đã có cái nhìn rất sâu, với nhiều ngẫm nghĩ thật lắng đọng về kiếp người trong hai câu thơ: “Đôi bên vẫn bờ bãi/ Hoa trắng như phận người” ("Bên sông Hồng"). Phải chăng đó là cái bất biến giữa vạn biến của đời sống? Phải chăng đó là sự chấp nhận cần thiết ở mức dấn thân khi đã sinh ra để làm người?

Trong “Nhớ quê”, Nguyễn Thanh Ứng còn có một tứ thơ vượt qua thói quen nữa. Đó là “Bạn và gương”. Qua bài thơ này, Nguyễn Thanh Ứng muốn gửi đến một thông điệp theo quan niệm của nhà Phật: Cái gương chỉ “soi” được hình tướng (hình thức, cái bên ngoài), còn vô hình tướng (nội dung, cái bên trong) thì làm sao “soi” được! Bởi thế, ông mới có hai câu kết thật đắt: “Thật - giả bao phen/ Gương nào soi được”.

Và, trên tinh thần của những bài thơ trên, ta có thể hình dung ra phần nào một góc nhớ quê và một phần nào khuôn mặt thơ Nguyễn Thanh Ứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Như gánh đời mình những tháng năm...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.