Theo dõi Báo Hànộimới trên

Như có Bác lại về thăm…

Bảo Chân| 19/05/2012 08:12

(HNM) - Chúng tôi về xã Phú Diễn đúng dịp Huyện ủy Từ Liêm tổ chức kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao tặng Huy hiệu Đảng cho các đảng viên lão thành.


Trong 34 lần Bác về thăm Từ Liêm thì Phú Diễn (hồi đó là xã Phú Minh) là một trong số ít xã có vinh dự 3 lần được đón Bác. Đã 47 năm kể từ lần cuối cùng Bác về thăm Phú Diễn và trồng cây đa lưu niệm, cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Diễn vẫn nhớ như in lời Bác dặn. Phú Diễn đang thay da, đổi thịt từng ngày trên mọi mặt: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị…


Cụ Lê Thị Mẫn, một trong những xã viên được gặp Bác khi Bác về thăm Phú Diễn.

Những câu chuyện về Bác

Trưa nắng, chúng tôi tìm vào nhà cụ Lê Thị Mẫn ở thôn Kiều Mai, một trong những cán bộ xã Phú Diễn vinh dự được đón Bác trong những lần Bác về thăm. Chị hàng xóm thấy chúng tôi hỏi thăm thì bảo, cụ Mẫn giờ con cháu lớn cả rồi, thường hay đến nhà con cháu hoặc đi chơi nhà hàng xóm, ít khi ở nhà lắm. Bấm chuông căn nhà 4 tầng bề thế mà chị hàng xóm chỉ, một bà cụ tóc bạc phơ, hiền hậu, còn khỏe và minh mẫn ra mở cửa. May quá, cụ Mẫn có nhà. Sau câu chào hỏi, được biết tôi muốn hỏi chuyện về những lần vinh dự được đón Bác, gặp Bác, đôi mắt cụ Mẫn bỗng sáng lên khi nhớ về thuở tuổi đôi mươi với khí thế hăng say sản xuất của những năm 50 thế kỷ trước.

Hồi đó, cụ Mẫn còn là cô gái 27 tuổi. Chồng hy sinh từ năm 1948 trong một trận chống càn của thực dân Pháp, để lại người con trai mới 2 tuổi, thế nhưng cô Mẫn vẫn hăng say với công việc vừa làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Diễn, vừa là đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã (HTX). Hồi đó, đã sắp tới lịch làm mùa cho vụ hè - thu mà trời vẫn chưa có hạt mưa nào. Cả cánh đồng thôn Kiều Mai khô trắng đất, Ban chủ nhiệm HTX quyết định huy động xã viên đào mương dẫn nước từ sông Nhuệ vào đồng cho kịp mùa vụ. Thế là từ sớm ngày 7-8-1955, xã viên thôn Kiều Mai hăng hái đào vét mương đưa nước về đồng. Cờ đỏ sao vàng cắm trên những gò đất cao trên cánh đồng. Bỗng trên đường nhựa, một chiếc ô tô màu đen chạy từ Sơn Tây về Hà Nội dừng bánh. Một cụ già tóc bạc phơ, mặc bộ quần áo kaki bạc màu bước xuống, vừa đi vừa giơ tay chào mọi người. Sau vài giây ngỡ ngàng, mọi người cùng dừng tay chạy ào lên, "Bác…, Bác Hồ!". Bác đến bất ngờ quá. Vầng trán cao, đôi mắt sáng. Bác hỏi:
- Thiếu nước phải đào vét mương vất vả, các cô, các chú có thắc mắc gì không?".
Không ai bảo ai, mọi người cùng đồng thanh trả lời:
“Thưa Bác, chúng cháu rất phấn khởi, không thắc mắc gì ạ!
- Thế có ai bị bắt buộc phải đi đào mương không? - Bác hỏi tiếp.
- Thưa Bác, nắng hạn quá, sợ không kịp thời vụ nên chúng cháu đều tự nguyện ạ.

Bác khen thế là tốt và căn dặn, mọi việc cần phải chủ động, không nên trông chờ vào người khác. Nếu cứ chờ trời mưa, không kịp thời vụ thì không thể thắng lợi được. Bác bảo, đồng ruộng của ta màu mỡ nhưng nhiều nơi chưa làm được 2 vụ/năm do chưa biết làm thủy lợi. Các xã viên Kiều Mai đã biết chủ động làm thủy lợi thì chắc chắn sẽ được mùa, sẽ no ấm. Lắng nghe lời Bác giản dị mà chân tình, ai nấy xúc động hứa sẽ quyết tâm tăng gia sản xuất. Lúc Bác chia tay mọi người, cụ Vũ Thị Năng mang đến một chậu nước để Bác rửa chân, Bác bảo: Tôi vẫn còn khỏe hơn cụ, cụ cứ để tôi tự đi rửa lấy. Rồi Bác bảo: "Các cô, các chú cứ tích cực sản xuất tốt, Bác sẽ lại về thăm".

Chia tay Bác, mọi người đều hứa sẽ làm theo lời Bác dặn và nghĩ, Bác bận trăm công nghìn việc, rất khó được gặp Bác lần thứ hai. Thế nhưng đúng hẹn, sáng 14-6-1961, Bác lại về Kiều Mai khi bà con đang hăng hái thu hoạch vụ lúa chiêm xuân. Vừa xuống xe, Bác gặp đội trưởng sản xuất Nguyễn Đình Hưng đang gánh lúa về sân kho. Cuống lên vì vui sướng được gặp Bác, anh Hưng chào Bác và định đặt gánh lúa xuống, Bác ngăn lại và bảo : "Chú cứ gánh lúa về sân kho, đừng đặt xuống làm lúa rụng, rất lãng phí". Xuống đến cánh đồng, thấy xã viên Nguyễn Hữu Uy đang cày dưới ruộng, Bác dừng lại hỏi thăm rồi bảo: "Chú hạ cái cày xuống thêm một nấc nữa để đường cày sâu hơn. Thế lúa mới tốt". Lời nói giản dị, sâu sắc của Bác khiến anh Uy vô cùng thấm thía, không ngờ Bác lại hiểu công việc nhà nông đến thế. Nói rồi Bác xắn quần, lội xuống ruộng, nâng từng gồi lúa, xem từng bông, hỏi thăm mọi người và kể chuyện những nơi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phong trào tiết kiệm, xây dựng HTX và căn dặn HTX Kiều Mai nên học tập. Bác bảo, bây giờ xã viên vẫn phải gánh bằng quang gánh sẽ vất vả và không được nhiều. Nếu đắp bờ to, đưa xe bò, xe cải tiến vào tận ruộng sẽ giải phóng được đôi vai và nâng cao được năng suất lao động.

Nghe lời Bác dặn, xã viên thôn Kiều Mai đã áp dụng khoa học vào sản xuất, đưa xe bò vào tận ruộng. Cánh đồng thôn Kiều Mai đã đạt sản lượng 10 tấn/ha. Những khu đồng 10 tấn, những "thửa ruộng Bác Hồ" được hình thành không chỉ ở Kiều Mai mà cả xã Phú Diễn, cả huyện Từ Liêm. Bây giờ, trên cánh đồng 10 tấn của thôn Kiều Mai nơi Bác Hồ dừng chân, UBND huyện Từ Liêm đã xây dựng khu đài tưởng niệm để nhân dân Phú Diễn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác. Hằng ngày, người dân trong xã vẫn qua đây nghỉ chân và hóng mát dưới tán đa rợp bóng.

Lời Bác còn ghi

Đã gần 50 năm sau ngày Bác về thăm Phú Diễn, nhưng những lời Bác dặn như vẫn còn đâu đây. Ông Lê Duy Kim, Bí thư chi bộ thôn Kiều Mai nói với chúng tôi: "Cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Diễn vẫn nhớ lời Bác dặn lúc về thăm". Chỉ tay ra con đường làng rộng thênh thang, ông Kim bảo, trước đường làng ngõ xóm còn gập ghềnh, đời sống nhân dân còn nghèo, chẳng có hàng quán gì. Thế mà nay, ô tô vào được tận nhà, hàng quán mọc lên san sát… Tất cả chứng minh một điều, đời sống nhân dân Phú Diễn đang được nâng lên từng ngày, từng giờ.

Nói về vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ông Kim bày tỏ, đảng viên bây giờ rất năng động. Tuy rằng một số nơi ở đâu đó, công tác quản lý nhà nước còn nhiều vấn đề. Ngay như ở chi bộ thôn Kiều Mai, với 77 đảng viên thì đa số đã nhiều tuổi nhưng tinh thần xây dựng Đảng và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất được chú trọng. Có những đảng viên dù được miễn sinh hoạt Đảng do tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn thường xuyên tìm đến nhà bí thư chi bộ để trao đổi, bày tỏ quan điểm, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây là đội ngũ có chiều sâu, luôn được đánh giá cao về chất lượng đảng viên và luôn được chi bộ coi là tài sản quý trong các phong trào xây dựng quê hương, xây dựng các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Hơn thế, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, luôn ghi nhớ những lời dặn của Bác khi về thăm, các đảng viên thôn Kiều Mai luôn là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục tư tưởng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Ông Vũ Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diễn cho biết, từ khi Ban Chấp hành TƯ Đảng phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chất lượng đảng viên của các chi bộ đã được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ có 10/11 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh năm 2007 thì tổng kết năm 2011 đã có 14/14 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Ông Ngọc cho biết thêm, với đặc thù địa bàn ven đô đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, thế nhưng nhớ lời căn dặn của Bác, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phú Diễn luôn bảo đảm tăng trưởng kinh tế đạt trên 17%/năm, thu nhập đầu người đạt 27,5 triệu đồng/năm. Và để phát triển đảng viên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy xã Phú Diễn đã giao mỗi chi bộ đăng ký thực hiện một tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 100% chi bộ đăng ký tham gia. Đối với các đoàn thể, Đảng ủy cũng chỉ đạo mỗi tổ chức đoàn thể đăng ký thực hiện một nội dung, một việc làm cụ thể trong các phong trào làm theo lời Bác, xây dựng quê hương Phú Diễn ngày càng giàu đẹp.

Rời quê hương Phú Diễn, chúng tôi lại nhớ hình ảnh ông Vũ Văn Định, năm nay đã 69 tuổi vẫn hằng ngày quét dọn ở Đài tưởng niệm Bác trên cánh đồng Kiều Mai. Lúc chia tay tôi, ông khoe cũng được gặp Bác ngày ấy, dù lúc đó ông mới là học sinh lớp 2. Vì thế, dù không ai trả công nhưng ông vẫn hằng ngày lui tới Đài tưởng niệm để quét dọn. Rồi cứ đến ngày giỗ Bác, Hội Cựu TNXP của ông lại ra đây họp, ôn lại truyền thống cách mạng, ôn lại lời dạy của Bác để con cháu học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Như có Bác lại về thăm…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.