(HNM) - Hà Nội là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, chưa kể các loại rác thải công nghiệp, rác thải rắn, rác thải độc hại khác.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (ngày 25-4-2014). Tuy nhiên, đến nay trong tổng số 17 khu xử lý chất thải được quy hoạch, mới chỉ có Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) hoạt động, số còn lại đã dừng hoạt động hoặc bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; người dân chưa đồng thuận; nhà đầu tư lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác...
Trước áp lực dân số, khối lượng rác thải trên địa bàn Hà Nội không ngừng gia tăng. Với việc thiếu các khu xử lý rác thải, thành phố phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ rác.
Giải quyết những bất cập, tồn tại, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư triển khai và hoàn thành những dự án xử lý rác thải; chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải; đôn đốc điều chỉnh chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại... Đây là những giải pháp căn cơ mang tính cấp bách, lẫn lâu dài và cần có sự vào cuộc trách nhiệm của nhiều bên liên quan. Trong đó, từ khâu lựa chọn công nghệ đến giám sát thực hiện hiệu quả các dự án xử lý rác cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các bên có liên quan cùng tiến độ thực hiện cụ thể.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án xử lý rác chậm tiến độ là do gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn. Song song với đó cần phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ xây dựng; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở việc triển khai các dự án, gây mất an ninh trật tự khu vực...
Để việc xử lý rác thải mang tính bền vững, cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đầu tư công nghệ thu gom, xử lý rác thải hiện đại. Về phần mình, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, vướng mắc sớm có báo cáo với cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết. Đối với mỗi người dân, cần có những hành động thiết thực, nêu cao ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải của gia đình; nhất là thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, góp phần làm giảm tải trọng chất thải phải xử lý, đồng thời có thể thu được nguồn lợi kinh tế từ rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Xử lý rác thải là nhu cầu cấp thiết cần được quan tâm giải quyết. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của thành phố, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân, tin tưởng rằng công tác xử lý rác thải sẽ dần đi vào nền nếp, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.